Văn kiện lịch sử vô giá
Di chúc là văn kiện lịch sử vô giá, thể hiện tinh hoa đạo đức, phẩm chất và tâm hồn cao đẹp, những quan điểm cốt yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh, đã chỉ ra đường hướng phát triển cho cách mạng Việt Nam cả trong hiện tại và tương lai. Di chúc là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng; là công trình lý luận về xây dựng đảng cầm quyền; là tác phẩm bàn về xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; là phác thảo lý luận sự nghiệp đổi mới ở nước ta.
Theo ông Nguyễn Bá Côn, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Nội dung Di chúc chứa đựng toàn bộ những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng đời sống mới; bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế... Di chúc là tài sản vô giá của Đảng và nhân dân ta, có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn về nhiều mặt; là sự kết tinh của tinh hoa văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa của nhân loại, là những chỉ dẫn quý báu, nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Di chúc là những lời căn dặn tâm huyết, toát lên khí phách, tinh thần lạc quan chiến thắng của một bậc “đại trí, đại nhân, đại dũng”, là sự kết tinh tư tưởng, đạo đức, phong cách, tâm hồn cao đẹp của vị lãnh tụ suốt đời phấn đấu, hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân và nhân loại. Di chúc cũng là ánh sáng soi đường, là sức mạnh thôi thúc hành động cho cách mạng Việt Nam phát triển đi lên, cho đất nước ta phồn vinh, cho nhân dân ta được tự do, ấm no và hạnh phúc.
Bà Đinh Thị Thu Phương, Phó Trưởng khoa, phụ trách Khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị tỉnh chia sẻ: Đọc từng câu, từng lời Bác viết trong Di chúc, càng thấm thía những ý tứ hàm chứa Bác gửi gắm để mong muốn xây dựng một đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự “vừa hồng, vừa chuyên”; xây dựng một đảng cộng sản cầm quyền thật sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng một đất nước độc lập, tự do, dân chủ, văn minh, giàu mạnh, nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Với hơn 1.200 từ, Di chúc là những mệnh lệnh của người chỉ huy, là những hoạch định của người lãnh đạo cho tương lai đất nước, là những tâm tình của người đồng chí - người đảng viên chân chính, vĩ đại của Đảng ta. Những bài học qua 55 năm thực hiện Di chúc vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục phát huy trong giai đoạn cách mạng mới. Đó là bài học về tinh thần lạc quan và bản lĩnh khoa học cách mạng của Đảng; bài học về sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; bài học về thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; bài học về sự quan tâm đặc biệt sâu sắc tới thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước; bài học về chăm lo, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân; bài học về tinh thần cống hiến cho lý tưởng cách mạng.
Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra tiến độ thi công dự án đường dây 500kV mạch 3 tại huyện Vũ Thư, ngày 30/5/2024.
Lời Bác dạy là kim chỉ nam
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tình cảm đặc biệt cho Đảng bộ và nhân dân Thái Bình với 5 lần về thăm và để lại tình cảm lớn cùng những lời di huấn thiêng liêng. Thực hiện Di chúc và những lời căn dặn của Người, 55 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình không ngừng nỗ lực, đoàn kết vươn lên, khắc phục mọi khó khăn thực hiện nhiệm vụ của cách mạng, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay; đồng thời, hiện thực hóa mục tiêu làm cho Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt.
Những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân đã tham gia tích cực, đầy tâm huyết, trách nhiệm trong triển khai hiện thực hóa các mục tiêu chung đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, đưa Thái Bình phát triển lên tầm cao mới. Kinh tế của tỉnh luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, ổn định, vững chắc. Tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân 5 năm 2015 - 2020 đạt 9%/năm, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra. Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nhiều khó khăn tác động song GRDP của tỉnh vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá: năm 2021 tăng 6,68%, năm 2022 tăng 9,52%, năm 2023 tăng 7,37%, 6 tháng đầu năm 2024 tăng 7,96% (đứng thứ 7 vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 16 cả nước). Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2019, Thái Bình đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 34 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Ông Hoàng Ngọc Sang, Bí thư Đảng ủy xã Nam Cường (Tiền Hải) cho biết: Tháng 3/1962, xã Nam Cường vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Bác tặng Huy hiệu của Người cho các chiến sĩ thi đua, khen ngợi tinh thần khắc phục khó khăn, quyết tâm quai đê lấn biển mở rộng diện tích canh tác của cán bộ và nhân dân Nam Cường. Khắc ghi lời Bác dặn “Muốn ăn quả phải trồng cây”, kiên cường vượt khó đi lên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu từng bước đưa vùng đất sình lầy, um tùm lau sậy năm xưa vươn mình trở thành xã nông thôn mới nâng cao, kinh tế phát triển. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 68,1 triệu đồng, tăng 41,3 triệu đồng so với năm 2013; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn 0,85%. Nam Cường đang tự tin hướng đích xã nông thôn mới kiểu mẫu trong tương lai gần.
Để tạo đột phá trong phát triển kinh tế, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển Khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp; quan tâm tháo gỡ những “nút thắt”, “điểm nghẽn”, linh hoạt, sáng tạo trong xúc tiến, thu hút đầu tư. Nhờ vậy, Thái Bình vươn lên trở thành điểm sáng và là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Lũy kế đến hết tháng 6/2024, toàn tỉnh đã thu hút 344 dự án đầu tư với tổng số vốn 144.257 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 2021 - 2023 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 4,1 tỷ USD, cao hơn tổng vốn đầu tư FDI của tỉnh từ năm 2020 trở về trước; 6 tháng đầu năm 2024 đạt 232 triệu USD, gấp 5,7 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Đoàn Căn Tiền, xã Thụy Liên (Thái Thụy) chia sẻ: Chúng tôi đánh giá cao chiến lược phát triển Khu kinh tế, thu hút đầu tư của tỉnh. Đối với xã Thụy Liên, khi địa phương bàn giao mặt bằng phục vụ xây dựng khu công nghiệp Liên Hà Thái chỉ qua mấy năm đã làm thay đổi căn bản, toàn diện diện mạo nông thôn. Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ, hiện đại, làng đẹp như phố, thương mại, dịch vụ phát triển, hầu hết người lao động trong độ tuổi vào làm tại các khu công nghiệp nên đời sống được nâng lên rất nhiều.
Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm mô hình nuôi chim yến tại xã Đông Hoàng (Tiền Hải), ngày 23/4/2024.
Đảng bộ tỉnh hiện có 12 đảng bộ trực thuộc với 700 tổ chức cơ sở đảng, 108.670 đảng viên. Thực hiện lời dạy của Bác, 55 năm qua, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị luôn được Thái Bình chú trọng thực hiện đồng bộ, hiệu quả trên các lĩnh vực: chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức bộ máy, cán bộ, kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, dân vận, nội chính. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với 10 nhóm giải pháp, 154 nhiệm vụ cụ thể giao cho các ngành, địa phương. Triển khai các biện pháp hiệu quả, sáng tạo nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng và chất lượng đảng viên: duy trì thống nhất thời gian sinh hoạt chi bộ trong toàn Đảng bộ tỉnh; phân công cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và cán bộ cấp huyện về dự sinh hoạt đảng tại các đảng bộ, chi bộ xã, thị trấn; triển khai đề án xây dựng mô hình chi bộ kiểu mẫu; ứng dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử”; chú trọng tính chiến đấu trong thảo luận, ban hành nghị quyết...
Ông Đỗ Duy Tự, Bí thư Chi bộ thôn Văn Lăng, xã Thượng Hiền (Kiến Xương) đánh giá: Việc thống nhất thời gian sinh hoạt chi bộ trong toàn tỉnh, phân công cán bộ tỉnh, huyện trực tiếp dự sinh hoạt với chi bộ cơ sở đã giúp cán bộ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và nhân dân, lắng nghe, kịp thời chia sẻ và gợi mở cho cơ sở các phương án giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Đảng viên cũng tích cực thảo luận tạo nên sự gắn bó mật thiết, sự thống nhất giữa “ý Đảng, lòng dân”, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng.
Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng được thực hiện quyết liệt, toàn diện, nghiêm minh, kịp thời; kỷ luật, kỷ cương của Đảng được giữ vững. Công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp được chỉ đạo triển khai nghiêm túc, đúng quy định. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng ngừa, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao ý thức phục vụ nhân dân theo phương châm “gần dân, tin dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”. Hoạt động của chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Việc thực hiện dân chủ được mở rộng, ngày càng tiến bộ. Cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm thực hiện việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, giải quyết kịp thời các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Khối đại đoàn kết các tầng lớp nhân dân không ngừng được củng cố. Đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình dân vận khéo, góp phần quan trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tiến độ thi công dự án đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình, ngày 4/6/2024.
Đẩy mạnh học và làm theo Bác
Những năm qua, thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh xác định việc học tập và làm theo Bác phải bằng hành động cụ thể, thiết thực, gắn với các phong trào thi đua yêu nước và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị. Căn cứ tình hình thực tiễn, các chi bộ, đảng bộ cơ sở chọn những mô hình hay, cách làm hiệu quả của tập thể, cá nhân trong cơ quan, đơn vị để bồi dưỡng, xây dựng điển hình tiên tiến. Nhiều phong trào tốt, mô hình hay, sáng tạo đã được nhân rộng, lan tỏa như hiến đất làm đường; giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án trọng điểm tại Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Hưng Hà, Tiền Hải; “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” của lực lượng vũ trang tỉnh; các phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”; “Thi đua dạy tốt - học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” của ngành giáo dục; “Khoa điển hình làm theo lời Bác” của ngành y tế; “Tuổi trẻ xung kích tham gia cải cách hành chính” của Đoàn Thanh niên; “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của Liên đoàn Lao động tỉnh...
Ông Đinh Trọng Xá, Bí thư Huyện ủy Quỳnh Phụ cho biết: Học và làm theo Bác ở Quỳnh Phụ trở thành việc làm thường xuyên ở các địa phương, cơ quan, đơn vị; trong đó, hiến đất làm đường trở thành phong trào hành động cách mạng của nhân dân toàn huyện. Mỗi dự án giao thông được triển khai, dù là đường tỉnh, đường huyện, đường liên xã hay trục chính nội đồng, nhân dân đều tâm niệm: Cứ làm đường là hiến đất, “hiến đất là tất yếu”, “đường vào đến đâu, chúng tôi hiến đất đến đó”. Đến nay, toàn huyện có 22 tuyến đường với 4.210 hộ đồng thuận, tự nguyện hiến đất cho Nhà nước không đòi lại trên 35,3ha gồm đất ở trên 5,48ha và đất nông nghiệp gần 29,9ha, tổng giá trị đất hiến 500 tỷ đồng.
Thông qua các phong trào, mô hình tiêu biểu đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình học và làm theo Bác được các cấp khen thưởng. Từ năm 2021 đến tháng 8/2024, toàn tỉnh đã phát hiện, giới thiệu và trình Thủ tướng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương tặng bằng khen cho 18 tập thể, cá nhân; tặng bằng khen của UBND tỉnh cho 51 tập thể, cá nhân; khen thưởng 237 tập thể, cá nhân ở cấp huyện cùng nhiều tập thể, cá nhân cấp cơ sở.
Kỷ niệm 55 năm ngày Bác đi xa, khắc ghi lời căn dặn của Người trong Di chúc là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức đảng tự soi lại mình, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân, “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như di nguyện của Người. Với lòng thành kính tưởng nhớ và biết ơn những tình cảm sâu nặng, ân tình và công lao trời biển của Bác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình nguyện tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng vẻ vang; nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, nỗ lực phấn đấu; phát huy tiềm năng, thế mạnh, khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, xây dựng quê hương Thái Bình ngày càng đổi mới và phát triển, sớm hiện thực hóa lời căn dặn của Người “làm cho Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt”.