Sóc Trăng: Những điển hình học tập và làm theo Bác trong đồng bào Khmer

Thượng úy Sóc Đúng – nói đi đôi với làm

Với vai trò là Phó Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, thượng úy Sóc Đúng công tác tại Đồn Biên phòng Vĩnh Hải, BĐBP Sóc Trăng được đánh giá cao về sự năng động, sáng tạo, làm tốt vai trò tham mưu, đề xuất cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị ở nhiều lĩnh vực hoạt động của đơn vị. Thượng úy Sóc Đúng là tấm gương thanh niên tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, được chính quyền địa phương và nhân dân tin yêu.

Đồn Biên phòng Vĩnh Hải quản lý xã Vĩnh Hải và xã Lạc Hòa của TX. Vĩnh Châu. Đây là địa bàn có đông đồng bào Khmer sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Trước thực trạng đó, đồng chí Sóc Đúng và cán bộ Đội Vận động quần chúng của đơn vị đã tham mưu cho Ban Chỉ huy đơn vị chọn mô hình “Nuôi dê sinh sản” từ vốn ủy thác của ngân hàng Chính sách xã hội. Đồng chí Sóc Đúng chia sẻ: “Phương thức tập trung tại bãi đất rừng phòng hộ, để vừa quản lý tốt khu vực rừng phòng hộ do đồn quản lý vừa có thức ăn, thuận tiện chăm sóc. Từ 20 con dê giống ban đầu, đến nay đã chuyển giao trên 100 con dê giống cho hộ chính sách, hộ nghèo trên địa bàn. Đồn vừa chuyển giao con giống vừa chuyển giao kỹ thuật nên hầu hết hộ nghèo tiếp nhận nuôi đều đạt hiệu quả cao, chăm sóc, phòng ngừa bệnh, sinh sản đạt chất lượng tốt”.

Thượng úy Sóc Đúng gắn bó với người dân (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Bên cạnh đó, thượng úy Sóc Đúng còn tham mưu chỉ huy đơn vị thành lập hũ gạo tình thương, mở sổ nghĩa tình quân dân, góp quỹ từ công tác tăng gia sản xuất tại các đơn vị để nuôi dưỡng người già neo đơn, học sinh nghèo, trong những năm qua, các đơn vị thuộc BĐBP tỉnh Sóc Trăng đã giúp đỡ cho các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Từ đó, Đồn Biên phòng Vĩnh Hải đã nhận nuôi đến cuối đời 4 người già neo đơn, hỗ trợ học bổng hàng tháng cho 2 học sinh nghèo. Hoạt động này có ý nghĩa sâu sắc giáo dục cán bộ, chiến sĩ ý thức cần, kiệm bằng tình thương, trách nhiệm biết quan tâm chia sẻ vì cộng đồng.

Đồng chí Sóc Đúng chia sẻ: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tôi hiểu rõ việc mình làm, sắp xếp theo thứ tự việc nào trước, việc nào sau, vừa hiệu quả, vừa không mất thời gian. Tôi cũng tự rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức, tác phong của người đảng viên, đặt cho mình mục tiêu làm việc không ngại khó, ngại khổ để xứng đáng là người lính Cụ Hồ trong tình hình mới”.

 Chị Thạch Thị Hơ - tấm gương sáng về lòng nhân ái

Từ đôi bàn tay trắng, chị Thạch Thị Hơ giờ đây trở thành nữ doanh nghiệp với cơ ngơi bề thế ngay trung tâm huyện Châu Thành. Chị là tấm gương vượt khó diệt giặc đói nghèo theo lời dạy của Bác.

Trước đây, gia đình chị sống ở vùng quê Phú Tâm, nghèo khó quanh năm. Khi người con đầu được 13 tháng tuổi thì bị bệnh sốt bại liệt, không tiền chữa trị. Chị Thạch Thị Hơ bộc bạch: “Có người chỉ tôi ở Sài Gòn có bệnh viện hay lắm, bị bại liệt này người ta mổ là hết. Thương con, tôi vay mượn khắp nơi được hơn 500.000 đồng, những năm 1990, số tiền này không phải nhỏ đối với người nghèo. Lên được Sài Gòn, bác sĩ khám bệnh xong bảo một ca mổ mất tất cả chi phí khoảng 600.000 đồng. Không đủ tiền, tôi kêu con về thì nó khóc thét lên, đòi mổ để về đi học. Tôi ôm con mà khóc!”.

Chị Hơ nhớ lại: “Con tôi mổ, vết thương đau mà không có tiền mua thuốc giảm đau, mấy người kế bên thấy vậy, mua cho nó uống. Người ta cho cơm ngon, tôi không dám ăn vì sợ thiếu nợ ân tình nhiều quá không trả được. Hàng ngày, tôi xin cơm từ thiện trong bệnh viện. Đến lúc xuất viện, người ta cho tiền để về xe”.

Sau thời gian chữa trị, con chị dần hồi phục, tự đi lại được. Nằm đêm suy nghĩ, chị cho rằng mọi chuyện xảy ra với mình như “kỳ tích”, tất cả đều nhờ những tấm lòng nhân ái. Từ đó, chị quyết tâm làm giàu để có thể giúp lại người nghèo như những người mình từng gặp. Khoảng thời gian sau đó, chị làm đủ thứ công việc, không cho phép mình nghỉ ngơi. May mắn mỉm cười khi chị vay mượn được số vốn ít ỏi và tập tành mua bán phân bón, thuốc trừ sâu. Năm 1992, gia đình chuyển ra chợ buôn bán.

 Chị Thạch Thị Hơ tặng quà cho người nghèo (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Giàu sang không quên lúc nghèo khó, nhất là lúc được những nhà hảo tâm giúp trị bệnh cho con, chị đã dùng không ít số tiền lợi nhuận hàng năm làm từ thiện. Nhiều năm qua, chị Thạch Thị Hơ đã vận động mạnh thường quân và đóng góp thêm khoảng hơn 1 tỉ đồng để hỗ trợ cho những trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh ở trong và ngoài tỉnh. Mỗi tháng, gia đình chị còn góp tiền cho bếp ăn từ thiện của Trung tâm Y tế huyện Châu Thành.

Hàng năm, vào dịp tết Nguyên đán và lễ, tết của đồng bào Khmer, chị Thạch Thị Hơ đều vận động các thành viên trong câu lạc bộ nữ doanh nghiệp phát hàng trăm phần quà cho người có hoàn cảnh khó khăn, qua đó động viên, khích lệ tinh thần các hộ Khmer nghèo có thêm động lực vươn lên thoát nghèo, ổn định trong cuộc sống.

Chị Thạch Thị Hơ tâm sự: “Hiện tại, dù bận kinh doanh nhưng nếu nghe thông tin về hoàn cảnh khó khăn, tôi sẵn sàng đi khảo sát để giúp đỡ. Là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ doanh nghiệp từ thiện, tôi đã tập hợp các thành viên đều là những nữ doanh nghiệp thành đạt, kinh doanh nhiều ngành nghề, đặc biệt là có tâm huyết với công tác từ thiện để làm nhiều việc tốt”.

Có thể nói, Chỉ thị số 05 là động lực để cán bộ, đảng viên, nhân dân học tập và làm theo bằng tất cả trách nhiệm và tình cảm để lan tỏa thêm những đều tốt đẹp trong cuộc sống.

Phước Liêu

Theo https://www.baosoctrang.org.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website