Quê hương cội nguồn cách mạng khắc ghi lời Bác dặn

 Lão thành cách mạng Vi Văn Phú cùng vợ tìm hiểu thông tin trên Báo Cao Bằng.

NOI THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC CỦA BÁC, VÌ NHÂN DÂN PHỤC VỤ

Đón xuân năm 2021, Lão thành cách mạng Vi Văn Phú, 92 tuổi, tổ 12, phường Ngọc Xuân (Thành phố) vẫn mẫn tuệ, phấn khởi tâm sự: Tôi sống đã gần một thế kỷ nhưng chưa xuân nào chứng kiến nhiều niềm vui như xuân năm nay. Từ mùa xuân năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm tìm đường cứu nước trở về Cao Bằng lãnh đạo, chỉ đạo con đường đấu tranh giải phóng dân tộc thành công. Đất nước không những giành được độc lập, tự do mà ngày càng phát triển bởi sự lan tỏa về thực hiện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

Trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng, dòng chảy lịch sử 80 năm trước như gần lại qua lời kể xúc động của ông Phú: Những năm 1927 - 1940, tôi còn nhỏ và cũng như mọi người dân bản Nà Đuốc, xã Đội Cung (nay là Đức Long), huyện Hòa An sống trong cảnh khổ cực, cơm không bữa no, bị đánh đập nếu nhà không đủ tiền nộp sưu, thuế.

Vào dịp gần Tết năm 1942, tôi được anh rể là Nông Công Dũng (bí danh Bắc Việt, hoạt động trong tổ chức Việt Minh, sau này làm Chủ nhiệm Ban Việt Minh xã Đội Cung) giác ngộ cách mạng. Tôi tham gia vào Hội Nhi đồng cứu quốc, sau này là Hội phó Hội Nhi đồng cứu quốc xã Đội Cung làm liên lạc đưa cơm, bảo vệ, canh gác cho các cuộc họp của Ban Việt Minh, xã Đội Cung; tham gia đội tự vệ xã, được huấn luyện tự vệ nên tôi thêm bạo dạn, gan dạ.

Cuối năm 1943 đầu năm 1944, quân Pháp và bè lũ phong kiến tay sai ra sức khủng bố đàn áp phong trào Việt Minh. Để qua mắt sự lùng sục ráo riết, bắt bớ của quân Pháp và tay sai, tôi không chùn bước mà quyết tâm làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ, đưa cơm bí mật, an toàn hơn. Khi đó, tôi thường đem cơm giấu trong bụi cây, bẻ lá cây làm ám hiệu báo tin… Có những lần đi đưa cơm về muộn, trời nhập nhoạng tối, bọn địch đi tuần tôi phải chui vào bụi gai, tránh sự lùng sục của chúng.

Đến gần cuối năm 1944, anh Dũng gặp tôi và báo tin “Phong trào Việt Minh ngày càng lên cao tại châu Hòa An và nhiều châu khác trong tỉnh. Sắp tới đồng chí “thượng cấp” sẽ ra lệnh tiến hành tổng khởi nghĩa khắp các tỉnh trong cả nước để đánh đuổi bọn thực dân, phong kiến tay sai giành chính quyền về tay người dân”. Sau ngày Tổng khởi nghĩa, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trong cả nước thành công, quê tôi và cả nước đã giành chính quyền về tay nhân dân, tôi mới biết đồng chí “thượng cấp” chính là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau này, đất nước độc lập, tôi được học văn hóa, học chuyên môn về làm cán bộ. Năm 1958 học Trường trung cấp II, Hà Nội, trong kỳ học đầu tiên, nhà trường vinh dự được xếp hàng danh dự trong buổi Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ngài đại sứ nước ngoài. Khi đó tôi được nhìn thấy Người, trong lòng trào dâng niềm tin yêu thiêng liêng, biết ơn Người. Năm 1961, tôi học ra trường và trải qua nhiều cương vị công tác tại tỉnh Thái Nguyên rồi chuyển về Cao Bằng làm việc  tại Ban Khoa học - Kỹ thuật tỉnh (nay là Sở Khoa học và Công nghệ), đến năm 1990 nghỉ hưu.

Dù ở hoàn cảnh nào tôi cũng luôn noi theo tấm gương đạo đức của Người để phục vụ nhân dân tốt hơn. Tình cảm gắn bó của Người với Cao Bằng năm xưa sẽ mãi là ngọn lửa cách mạng soi đường cho mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân phấn đấu thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh như Người hằng mong muốn.

SÁNG MÃI TẤM GƯƠNG MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG

Các cấp, ngành đến thăm, động viên Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Gia và gia đình.

Mẹ Nguyễn Thị Gia, xóm Bản Sỉnh, xã Dân Chủ (Hòa An) có 2 người con hy sinh trong chiến tranh là liệt sĩ Nông Văn Thùy, hy sinh năm 1979 và liệt sĩ Nông Văn Kỳ, hy sinh năm 1984.

Mẹ Gia chia sẻ: Cao Bằng tự hào được Bác Hồ chọn trở về Tổ quốc lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Bác về mang theo bao niềm hy vọng của cả dân tộc về một đất nước độc lập, tự do. Bản thân Mẹ luôn tin tưởng son sắt vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo. Chính niềm tin mãnh liệt đó đã thôi thúc Mẹ góp sức cho cách mạng, vượt qua những mất mát để dâng hiến những đứa con của mình cho cách mạng, góp phần giành lại độc lập cho đất nước.

Dù sau khi trải qua mất mát và hy sinh nhưng Mẹ vẫn tiếp tục nuôi dạy con cháu tiếp nối truyền thống cách mạng vẻ vang. Trong cuộc sống hằng ngày, Mẹ vẫn là tấm gương sáng để cộng đồng học tập, noi theo.

GÓP PHẦN XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC GIÀU ĐẸP

Giản dị, khiêm tốn, cần cù là những lời nhận xét khi nhắc đến chị Hoàng Thị Bình, gương phụ nữ điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi tại Chi hội Phụ nữ xóm Nam Phong 2, xã Hưng Đạo (Thành phố).

Chị Hoàng Thị Bình thu hoạch quả tại vườn.

Để xứng đáng là một người con trên quê hương giàu truyền thống lịch sử, chị Bình luôn có lối sống giản dị, tiết kiệm, không ngừng học tập để nâng cao trình độ kiến thức trong trồng trọt và chăn nuôi. Đồng thời thực hiện tích cực, nghiêm túc các phong trào, các cuộc vận động do Hội Phụ nữ xã Hưng Đạo phát động. Tiêu biểu là phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; rèn luyện bốn phẩm chất: “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,

Trong phát triển kinh tế, gia đình chị Bình mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây thanh long và cây đào cảnh, đồng thời tận dụng diện tích ruộng khe làm ao cá kết hợp nuôi lợn và gia cầm; đầu tư máy móc tự san gạt đất đồi để trồng các loại cây ăn quả với diện tích 4 ha. Đến nay, gia đình chị có trên 2.300 cây ăn quả, 35 con lợn, 300 con gà siêu trứng và 100 con vịt, mang lại tổng thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng/năm.

THANH NIÊN LÀM THEO LỜI BÁC

Năng động, nhiệt huyết, luôn tiên phong đi đầu trong các phong trào hoạt động, chị Đàm Thị Kim Thuyên, công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh là tấm gương điển hình trong học và làm theo Bác.

Chị Đàm Thị Kim Thuyên (thứ 3 từ trái sang) nhận giải thưởng
“Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi” năm 2020.

Với quyết tâm cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc, chị Thuyên chia sẻ: Sinh ra và lớn lên trên quê hương cội nguồn cách mạng, tôi luôn khắc sâu lời dạy của Bác, ra sức học tập, tu dưỡng rèn luyện bản thân "dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn", không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác của ngành, đơn vị. Năm 2020, tôi vinh dự nhận giải thưởng “Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi”, đây là động lực để tôi tiếp tục cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc.

Chị Thuyên có nhiều ý tưởng, sáng kiến được công nhận trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, tham gia cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị. Trong đó nổi bật là giải pháp công tác “Thực tiễn trong công tác quản lý, theo dõi án tạm đình chỉ và một số giải pháp thống kê, quản lý án tạm đình chỉ tại Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng” năm 2016; chuyên đề, giải pháp “Bổ sung, hoàn thiện biểu theo dõi báo cáo và nâng cao chất lượng báo cáo tại Văn phòng tổng hợp Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng” năm 2017.

Xây dựng chuyên đề, giải pháp: “Bảng theo dõi, chấm điểm đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu nghiệp vụ đối với viện kiểm sát huyện, Thành phố tại Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng” năm 2018; xây dựng chuyên đề “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tham mưu tổng hợp để thực hiện có hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và công tác quản lý chỉ đạo điều hành tại Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng” năm 2019…                 

Nhóm phóng viên

Theo http://baocaobang.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website