Quảng Ngãi: Tận tụy chăm lo cho nhân dân

Công tác chăm lo, phục vụ lợi ích chính đáng của nhân dân được các cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh cụ thể hóa trong các nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương 10 năm, 5 năm và kế hoạch hằng năm; trong từng chính sách phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, xã hội... Các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh luôn hướng tới mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Nhờ đó, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; công cuộc phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được những kết quả tích cực; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng.

Giúp người dân giảm nghèo bền vững

Năm 2020, hộ gia đình chị Đinh Thị Điêng và anh Đinh Văn Kiên, ở thôn Tà Vinh, xã Sơn Màu (Sơn Tây) được thưởng 15 triệu đồng từ chính sách khuyến khích hộ nghèo tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị để tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững. Để có kết quả này, vợ chồng chị Điêng đã nỗ lực tạo ra nhiều sản phẩm theo phương án kinh doanh đã đăng ký với UBND xã. Ngoài trồng mì, trồng keo, anh chị còn chăn nuôi trâu, bò và dê. Năm 2020, gia đình có tổng thu nhập trên 80 triệu đồng, bình quân mỗi nhân khẩu đạt 20 triệu đồng/năm.

 

Nhiều hộ nghèo ở xã Trà Thanh (Trà Bồng) thoát nghèo nhờ Đề án 536.

Nhiều hộ nghèo ở xã Trà Thanh (Trà Bồng) thoát nghèo nhờ Đề án 536.Là hộ có kết quả thoát nghèo tốt nhất ở địa phương nên hộ gia đình chị Điêng được xã Sơn Màu xét chọn khen thưởng theo Đề án Thực hiện thí điểm Chính sách khuyến khích hộ nghèo tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị của UBND tỉnh (Đề án 536). “Từ phương án kinh doanh đã đăng ký, vợ chồng tôi quyết tâm đầu tư trồng trọt và phát triển chăn nuôi, tạo ra nhiều nông sản. Nhờ đó, gia đình đã thoát nghèo và được xã xét chọn khen thưởng 15 triệu đồng. Chính sách này rất cần thiết với người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa. Vì qua đó họ biết chọn hướng làm ăn phù hợp, nâng cao thu nhập”, anh Kiên chia sẻ.

Khuyến khích hộ nghèo tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị để tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững là một trong những chính sách được Quảng Ngãi triển khai năm 2018, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững ở miền núi. Theo quy định, trong quá trình tham gia Đề án 536, các hộ gia đình phải xây dựng kế hoạch hoặc phương án sản xuất, kinh doanh và được UBND xã thẩm định. Cuối năm, mỗi xã sẽ chọn ra 5 hộ nghèo tạo ra nhiều sản phẩm và có thu nhập cao nhất để hỗ trợ 15 triệu đồng tiền mặt, giúp họ tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Để chính sách đến với hộ nghèo, cấp ủy, chính quyền các cấp ở huyện Sơn Tây và Trà Bồng đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến những nội dung của chính sách; phân công cán bộ hướng dẫn người dân cách làm ăn và đăng ký phương thức sản xuất, kinh doanh. Qua 3 năm thực hiện Đề án 536 có trên 1.700 hộ dân ở các xã miền núi tham gia đề án và đã thoát nghèo. Thu nhập bình quân của các hộ nghèo thụ hưởng từ chính sách tăng lên đáng kể. Riêng trong năm 2020, thu nhập của các hộ dân được xét chọn tăng từ 10,2 triệu lên 28,8 triệu đồng/người/năm.

Vì lợi ích của nhân dân

Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là chuyên đề về “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các cấp ủy đảng trong tỉnh đã tập trung thực hiện tốt việc chăm lo đời sống nhân dân nói riêng gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, địa phương, đơn vị và cá nhân nói chung.

Anh Trần Dung, ở thôn Long Bàn Nam, xã Hành Minh (Nghĩa Hành) cho rằng, Đảng không ở đâu xa mà chính là những cán bộ, đảng viên trong thôn. Họ là những người gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình để người dân làm theo và đi đầu trong việc tham gia đóng góp xây dựng hạ tầng kỹ thuật của thôn. Họ cũng chính là những người luôn vận động giúp đỡ gia đình khó khăn, nâng cao thu nhập để đạt các tiêu chí xã nông thôn mới (NTM) nâng cao. Mọi cái bây giờ đều xuất phát từ lợi ích của người dân nên các chủ trương đều được người dân hưởng ứng, đồng thuận. Như việc chuyển đổi diện tích đất trồng mía không hiệu quả sang trồng cây ăn quả đã cho hiệu quả kinh tế cao góp phần làm đẹp vùng nông thôn. Tôi thấy điều này rất có ý nghĩa không chỉ cho mình mà cho nhiều nông dân.

Thôn Long Bàn Nam đang nỗ lực xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Để hoàn thành các tiêu chí, trong đó khó nhất là thu nhập, cấp ủy, ban thôn luôn vận động người dân tích cực sản xuất, phân công đảng viên đi sát cơ sở tuyên truyền chủ trương, chính sách và hỗ trợ người dân phát triển thành công các mô hình sản xuất mới. Trong đó, tại xứ đồng Gò Ôm, thôn Long Bàn Nam được địa phương đầu tư hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất tại khu vực trồng cây ăn quả tập trung.

“Ngoài 3ha đã được quy hoạch để trồng cây ăn quả gồm các loại bưởi da xanh, chôm chôm, mít thái, xoài, thì thôn còn vận động người dân cải tạo vườn tạp để mở rộng diện tích trồng cây ăn quả. Đây được xem là hướng phát triển kinh tế chủ lực của địa phương và cũng là giải pháp để nâng cao thu nhập cho người dân”, Trưởng thôn Long Bàn Nam Đặng Trung cho hay.

Nâng cao thu nhập cho người dân được xã Hành Minh xác định sẽ tạo sự bền vững cho xây dựng NTM nâng cao. Vì vậy, Hành Minh tập trung chỉnh trang đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả; xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Đồng thời, xã huy động nguồn lực tổng hợp để xây dựng NTM nâng cao và các khu dân cư kiểu mẫu.

Bí thư Đảng ủy xã Hành Minh Trần Thị Thúy Vân cho biết, Hành Minh đang tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng cây trồng, vật nuôi để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt là hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn nhằm giúp người dân có thêm thu nhập. Hành Minh phấn đấu đến năm 2023 về đích xã NTM nâng cao.

Hiện nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống, sức khỏe của người dân. Do đó, cùng với việc duy trì phát triển kinh tế trong đại dịch, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã có nhiều chính sách để đảm bảo cuộc sống của người dân, nhất là người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội... để không một người dân nào bị thiếu đói, không để ai bị bỏ lại phía sau. Ngày 16/7/2021, Tỉnh ủy đã quyết định hỗ trợ 2 tỷ đồng giúp người dân Quảng Ngãi đang sinh sống, làm việc tại TP.Hồ Chí Minh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tỉnh cũng đã chi ngân sách tổ chức đón hơn 400 người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang sinh sống, làm việc tại thành phố này về quê...

Bằng những cách làm sáng tạo, linh hoạt, cụ thể, thiết thực, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã và đang hiện thực hóa lời Bác dạy về chăm lo cho đời sống của nhân dân. Hơn bao giờ hết, trong giai đoạn khó khăn này, mỗi cấp ủy, cán bộ, đảng viên của tỉnh cần phát huy hơn nữa vai trò tiên phong, gương mẫu trong cuộc chiến chống với dịch Covid-19. Qua đó, khơi dậy sức mạnh tổng hợp từ sự đồng thuận, đoàn kết xã hội để Quảng Ngãi cùng cả nước sớm khống chế và đẩy lùi đại dịch, mang lại cuộc sống bình yên và ấm no cho nhân dân.

 

Bài, ảnh: THANH THUẬN

Theo http://baoquangngai.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website