Quảng Bình khắc ghi lời Bác dạy

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhất là giai đoạn chống chiến tranh phá hoại (1965-1973), Quảng Bình (cùng với Vĩnh Linh) là hậu phương trực tiếp của chiến trường Trị-Thiên, là trạm “trung chuyển”, tập trung các đầu mối giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam.

Quảng Bình trở thành "tọa độ lửa" trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Trong thử thách khốc liệt của chiến tranh, bản lĩnh người dân Quảng Bình càng được thể hiện.

Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trực tiếp là Tỉnh ủy Quảng Bình, quân, dân địa phương đã kiên cường bám địa bàn, bám làng để sản xuất và chiến đấu, lập nên những chiến công xuất sắc, dẫn đầu miền Bắc về thành tích tiêu diệt máy bay và tàu chiến Mỹ, đồng thời hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của hậu phương.

Tượng đài Bác Hồ với nhân dân Quảng Bình. Ảnh: Tiến Hành

Ngày 17-7-1965, quân và dân Quảng Bình đạt thành tích bắn rơi 100 máy bay Mỹ. Sự kiện này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen “tỉnh nhà chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi”.

Nhằm chuyển hóa thư khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành sức mạnh trong thực tiễn, tháng 11-1965, Tỉnh ủy Quảng Bình phát động phong trào thi đua (PTTĐ) “Hai giỏi” (chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi) và phong trào này dần được nhân rộng thành PTTĐ lớn trong cả nước.

Giữa cuộc chiến tranh gian khổ thiếu thốn trăm bề, gạo không đủ ăn, áo không đủ mặc nhưng người dân Quảng Bình luôn nêu cao khẩu hiệu hành động “Cho không lấy, thấy không xin, của công gìn giữ, của rơi trả lại”. Mặc cho địch treo pháo sáng, ném bom xuống các bến bãi, kho hàng, dân quân và thanh niên xung phong vẫn hăng hái khuân vác, vận chuyển hàng vào kho nhanh gọn.

 Các khẩu hiệu hành động như: “Xe chưa qua, nhà không tiếc. Đường chưa thông không tiếc máu xương”, “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”… được cụ thể hóa thành nhiều hoạt động thiết thực. Nhân dân Quảng Bình còn hăng hái thi đua sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, tạo ra nguồn lương thực ổn định phục vụ cuộc sống người dân và chi viện cho tiền tuyến.

Kế thừa truyền thống của thế hệ đi trước, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Quảng Bình đã đề ra nhiều khẩu hiệu, phương châm hành động nhằm viết tiếp trang sử mới của PTTĐ “Hai giỏi”. Toàn tỉnh đã tập trung đẩy mạnh các PTTĐ như: xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh…

Từ các PTTĐ đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới có những điển hình, như các xã: Xuân Thủy (Lệ Thủy), Cự Nẫm (Bố Trạch), Hương Hóa (Tuyên Hóa)… được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. PTTĐ trên lĩnh vực sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt được những kết quả quan trọng. Cơ cấu ngành nông nghiệp từng bước được chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao và gắn với thị trường tiêu thụ. Điển hình như Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao Tuệ Lâm đã khôi phục và phát triển thành công cây sâm Bố Chính tại Quảng Bình; trang trại nông nghiệp công nghệ cao của Công ty CP thực phẩm sạch Đông Dương với các sản phẩm nông nghiệp sạch…

Trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, du lịch… đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình như: Công ty Điện lực Quảng Bình, Công ty Xăng dầu Quảng Bình, Xí nghiệp may Hà Quảng, Viện Quy hoạch Xây dựng (Sở Xây dựng), VNPT Quảng Bình, Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng…

PTTĐ trên lĩnh vực GD-ĐT được triển khai sâu rộng, phát huy hiệu quả. Qua các phong trào “Dạy tốt, học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, gắn với các cuộc vận động “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”... đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến, như: Trường THCS Quách Xuân Kỳ (Bố Trạch), Trường THCS Kiến Giang (Lệ Thủy); các thầy giáo, cô giáo: Trịnh Thị Hằng (Trường THPT Tuyên Hóa), Lưu Thị Khánh Giang (Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp), Nguyễn Anh Đức (Trường THCS Quảng Tùng, Quảng Trạch)...

PTTĐ "Làm theo lời Bác, cán bộ y tế không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và dịch vụ y tế, tăng cường năng lực y tế tuyến cơ sở, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ y tế" của ngành Y tế đã tập trung vào việc phát triển kỹ thuật cao, kỹ thuật mới, trong công tác khám, chữa bệnh cho người dân và thực hiện tốt việc “đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Từ các PTTĐ đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến như: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình, Trung tâm Y tế huyện Quảng Ninh, Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy...

Thi đua trên lĩnh vực khoa học, công nghệ đã có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Qua các kỳ tổ chức hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Bình đã có hàng chục giải pháp dự thi đạt giải, trong đó có nhiều giải pháp đạt giải cấp quốc gia. Các đề tài, dự án tập trung vào việc nghiên cứu phục vụ các chương trình phát triển kinh tế-xã hội trọng điểm của tỉnh và việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong lực lượng vũ trang, các phong trào TĐYN được triển khai sâu rộng, nổi bật là “Thi đua Quyết thắng", “Vì an ninh Tổ quốc”… Phong trào “Xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh” tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

 

Các cụm, khối thi đua luôn triển khai thực hiện tốt công tác TĐKT
tạo khí thế thi đua sôi nổi trong các đơn vị.

Đặc biệt, sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, việc học tập và làm theo Bác đã dần đi vào nền nếp, trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên.

Thông qua các PTTĐ đã xuất hiện ngày càng nhiều điển hình tiên tiến, tiêu biểu có Đảng bộ Công ty CP Dược phẩm Quảng Bình, Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thượng Phong (Lệ Thủy) và các cá nhân: Trương Tư Thoan, Bí thư Đảng ủy xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa); Cao Hùng Thọ, giáo viên Trường THCS Tân Hóa (Minh Hóa); Hoàng Thanh Trắc, nguyên Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân Vạn Trạch (Bố Trạch)…

Thành quả trên là động lực, là nền tảng vững chắc để toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào phong trào TĐYN giai đoạn 2021-2025, tập trung vào 5 phong trào thi đua trọng tâm: “Đẩy mạnh phát triển du lịch với phương châm mỗi người dân Quảng Bình là 1 đại sứ du lịch”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” và phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhằm phát huy tinh thần thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cống hiến tài năng, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Mai Xuân Toàn, Trưởng Ban Thi đua-Khen thưởng tỉnh

 Theo https://baoquangbinh.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website