Nông dân Mường Lay thực hiện hiệu quả phong trào thi đua

Linh hoạt, sáng tạo chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, chị Lù Thị Toản,  phường Na Lay thành công với mô hình du lịch cộng đồng với dịch vụ homestay.

Ông Nguyễn Ðình Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân TX. Mường Lay cho biết, để việc học và làm theo Bác mang lại hiệu quả thiết thực, ngoài làm tốt công tác tư tưởng, hàng năm, Hội tích cực vận động hội viên thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phát huy tinh thần đoàn kết, chăm lo xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng… Ðến nay, riêng trong lĩnh vực phát triển kinh tế, toàn thị xã có gần 120 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Ông Nguyễn Quang Chiến, tổ 4, phường Sông Ðà là một trong điển hình về học và làm theo lời Bác. Nếu như cách đây chục năm, gia đình ông còn khó khăn thì nay, cuộc sống đã khấm khá hơn nhiều. Ông Chiến tâm sự: Sau khi thị xã thực hiện công cuộc tái định cư, cái khó của người nông dân là tình trạng thiếu đất sản xuất. Tuy nhiên, nhờ có định hướng phát triển phù hợp, đồng thời tận dụng tối đa đất bồi ven sông, gia đình tôi đã chuyển từ mô hình trồng rau truyền thống sang sản xuất an toàn với diện tích gần 3.000m2. Ðể tăng thu nhập và đáp ứng nhu cầu thị trường, tôi cũng trồng thêm gần 200m2 thanh long. Giờ đây, mô hình kinh tế của gia đình tôi dù không phải lớn nhưng luôn cho thu nhập ổn định từ 120 - 140 triệu đồng.

Với suy nghĩ tích cực: “Có sức khỏe thì phải tự lực vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ Nhà nước”, ông Nguyễn Thanh Dân, tổ dân phố 3, phường Sông Ðà phát triển kinh tế theo mô hình chăn nuôi. Ông Dân cho biết, đến với nghề chăn nuôi từ năm 2015. Từ nguồn vốn tích lũy, ban đầu ông mua 10 con bò giống về nuôi. Chỉ sau 1 năm đàn bò đã sinh sản lứa bê đầu tiên. Nhận thấy nuôi bò sinh sản không quá phức tạp lại cho hiệu quả kinh tế cao nên ông Dân thường xuyên duy trì ổn định đàn bò sinh sản từ 12 - 15 con.  Từ số tiền bán bò giống, mỗi năm gia đình ông Dân thu về khoản tiền lãi trên 100 triệu đồng.

TX. Mường Lay hiện có 2 phường và 1 xã. Ðời sống một bộ phận người dân trên địa bàn còn rất khó khăn, nhất là sau khi thực hiện công cuộc tái định cư. Trước thực trạng đó, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội Nông dân thị xã đã chú trọng vận động, hỗ trợ người dân đẩy mạnh phát triển các nghề truyền thống. Trong đó, làng nghề làm khẩu xén là một điển hình. Từ một món ăn truyền thống chỉ được làm trong các ngày lễ tết của dân tộc Thái trắng, mấy năm gần đây, khẩu xén đã được sản xuất quanh năm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Là một trong 55 hộ tham gia làng nghề sản xuất khẩu xén, bánh chí chọp, bà Ðồng Thị Nọi, bản Bắc, xã Lay Nưa chia sẻ: Trước đây chúng tôi làm khẩu xén chỉ vào các dịp lễ tết để dùng và làm quà cho người thân. Nhưng nhờ có định hướng của tổ chức hội nông dân và chính quyền địa phương, chúng tôi đã chuyển đổi phương thức sản xuất làm bánh này bán ra thị trường, vừa có thêm thu nhập lại gìn giữ nét đẹp truyền thống dân tộc mình.

Học Bác từ những việc làm thiết thực, hành động cụ thể, có thể thấy nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn TX. Mường Lay đã không ngừng nỗ lực, sáng tạo, linh hoạt trong chuyển đổi ngành nghề vượt khó vươn lên. Ðặc biệt, bằng những việc làm thiết thực, việc học tập và làm theo Bác của Hội Nông dân TX. Mường Lay đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thúc đẩy sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên nông dân. Từ đó, không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương mà còn tô thắm thêm vườn hoa “người tốt, việc tốt” của các cấp Hội Nông dân toàn thị xã trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website