Theo ông Lê Trọng Khôi, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Điện Biên, xác định học và làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh phải bằng hành động và việc làm cụ thể, những năm qua Hội Nông dân tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp đến các cơ sở hội và hội viên.
Cùng với đó, định hướng việc rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, hội viên nông dân, thông qua việc chú trọng tổ chức học tập các chuyên đề bằng những hình thức phù hợp với điều kiện từng cơ sở; chú trọng biểu dương các cá nhân, tập thể điển hình có thành tích xuất sắc trong việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…
Hiện nay, Hội Nông dân có trên 83.000 hội viên, do đó việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, đã được cấp hội quán triệt, phổ biến và phối hợp với cơ quan tuyên giáo, tuyên huấn, chính quyền địa phương để tuyên truyền phổ biến giáo dục đến với bà con nông dân. Trọng tâm chú trọng vận động hội viên, nông dân chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu ngành nghề, tăng gia sản xuất, xóa đói giảm nghèo.
Bên cạnh đó, tập trung hỗ trợ các hội viên về vốn, kinh nghiệm sản xuất, triển khai tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, dịch vụ và hỗ trợ. Trong đó, việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật được triển khai theo phương châm hướng mạnh về cơ sở, cán bộ kỹ thuật của Hội trực tiếp xuống tận các Chi hội để trao đổi những nội dung mà hội viên đang cần được bổ sung kiến thức như: Hướng dẫn về cách thức chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa và hoa màu; hướng dẫn về chính sách, quy trình cho vay vốn của Ngân hàng đối với hội viên nông dân; về các biểu hiện, cách phòng ngừa dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Hộ gia đình anh Giàng A Vàng ở bản Ngã Ba - xã Mường Toong, huyện Mường Nhé là một trong những hộ điển hình về sử dụng vốn vay làm ăn có hiệu quả. (Ảnh: Ngọc Thủy)
Đáng chú ý, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn; tập trung xây dựng các mô hình dân vận khéo đặc biệt là các mô hình dân vận trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó bà con nông dân có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế mới theo quy mô Hợp tác xã, Tổ hợp tác, Câu lạc bộ…
Hội Nông dân huyện Ðiện Biên hiện có 21 cơ sở hội với trên 18.300 hội viên. Thực hiện lời dạy của Bác “nói đi đôi với làm”, Hội Nông dân huyện Điện Biên đã xây dựng chương trình hành động sát với điều kiện, đặc thù, nhiệm vụ chính trị của địa phương gắn với các phong trào lớn của Hội, như: “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”; “Ðoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng”; “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”; “Tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh”... Từ đó việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và tinh thần sáng tạo trong lao động, sản xuất của cán bộ, hội viên nông dân.
Thông qua các hoạt động đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới, cán bộ, hội viên nông dân đã cùng nhau đóng góp tiền, hiến đất, góp ngày công lao động để xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông. Từ năm 2015 đến nay, Hội Nông dân huyện Điện Biên đã vận động hội viên hiến hơn 20.000 m2 đất để chung tay xây dựng nông thôn mới…
Ông Lê Trọng Khôi cho biết, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” cũng là một trong những nội dung cụ thể hóa việc học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã được các cấp hội nông dân trong tỉnh triển khai hiệu quả. Qua đó tác động tích cực đến chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, tạo sự chuyển biến trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi ngành nghề ở nông thôn, từng bước khai thác tiềm năng, thế mạnh về lao động cũng như nguồn lực trong nông dân, góp phần tăng giá trị sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân. Từ đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân sản xuất kinh giỏi tiêu biểu trong toàn tỉnh.
Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh có trên 5.000 hộ đăng ký, trong đó có trên 3.000 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Nhiều nông dân nỗ lực vượt khó, thoát nghèo, chia sẻ kinh nghiệm, vật chất, tinh thần, sức lực... trong cộng đồng, giúp bà con cùng nhau làm giàu.
Điển hình như các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Mường Nhé, đã triển khai sâu rộng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, nâng cao thu nhập cho hội viên. Hiệu quả từ các phong trào thi đua lao động sản xuất, đã góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương ngày càng phát triển.
Để hội viên có kiến thức sản xuất, kinh doanh, các hội cơ sở trên địa bàn huyện Mường Nhé đã phối hợp tổ chức hàng chục lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kĩ thuật trồng trọt gắn với bảo vệ thực vật, chăn nuôi gắn với thú y. Ngoài ra, hội còn tạo điều kiện thuận lợi giúp cho hơn 8.900 hội viên tại 11 xã tiếp cận các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 263 tỷ đồng, phục vụ đầu tư, phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo.
Hội Nông dân huyện Mường Nhé đã tuyên truyền cho hội viên nông dân tham gia, đến thời điểm này, hội viên nông dân của các xã có một số hộ sản xuất kinh doanh giỏi, đạt tiêu chí của Trung ương Hội Nông dân đề ra. Hội Nông dân huyện phối hợp với Ngân hàng Chính sách để vay vốn cho nông dân sản xuất kinh doanh.
Gia đình anh Giàng A Vàng ở bản Ngã Ba - xã Mường Toong, huyện Mường Nhé là một trong những hộ điển hình về sử dụng vốn vay làm ăn có hiệu quả. Năm 2016, gia đình anh vay 50 triệu đồng từ vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, để đầu tư đào trên 1.000 m2 ao thả cá, trồng hơn 600 gốc xoài Thái kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm và khoanh nuôi bảo vệ rừng. Từ mô hình kết hợp trồng trọt với chăn nuôi, mỗi năm thu về gần 100 triệu đồng, cuộc sống của gia đình ngày một khấm khá hơn.
Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đã có nhiều hộ nông dân dám nghĩ dám làm. Trồng các loại cây, nuôi các loại vật nuôi mới thay thế các cây con truyền thống, góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề dịch vụ mới. Điển hình như gia đình anh Vừ Chồng Vừa, xã Mường Nhé phát triển kinh tế gia đình theo mô hình VAC tổng hợp, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Ngoài ra, còn hàng chục hộ, hội viên nông dân phát triển kinh tế theo mô hình trang trại tổng hợp cho thu nhập cao. Nhiều cơ sở chi, tổ, hội đã xây dựng các điểm sáng vận động nhân dân sản xuất, khoanh nuôi bảo vệ rừng, tham gia đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng huyện Mường Nhé xuất hiện nhiều hơn những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, mô hình kinh tế trang trại cũng đã có bước phát triển mạnh với nhiều mô hình đa dạng, phong phú, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là những hạt nhân, nông dân tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới văn minh hiện đại.
Có thể nói, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Điện Biên đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, thể hiện ở quyết tâm cao của cán bộ, hội viên nông dân trong việc xây dựng cơ sở Hội vững mạnh toàn diện, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ tình hình mới./.
Tuyết Anh