Noi gương Bác Hồ, ông Bùi Văn Thọ, 68 tuổi ở xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc luôn tích cực học tập, tham gia công tác xã hội, nhất là công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại địa phương. Năm 2022, ông được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng học bổng “Học không bao giờ cùng”.
Ông Bùi Văn Thọ giới thiệu về chữ Hán Nôm cho trẻ em địa phương. Ảnh: Trà Hương
Trước đây, ông Thọ công tác tại Công ty du lịch và khách sạn Vĩnh Phú (Ty Thương nghiệp Vĩnh Phú) với vai trò là cán bộ đốc công thực hiện nhiệm vụ lao động tiền lương; sau đó, là cán bộ tổ chức văn phòng, phụ trách nhân lực, tiền lương và xây dựng kế hoạch phát triển du lịch của Vĩnh Phúc.
Ông Thọ còn là Bí thư Đoàn Thanh niên gương mẫu, luôn năng nổ, sáng tạo đưa phong trào Đoàn của đơn vị phát triển vững mạnh, được Tỉnh Đoàn tuyên dương, khen thưởng. Năm 1995, ông được chuyển công tác về huyện Vĩnh Lạc (cũ) để tham gia thực hiện Dự án xây dựng mô hình nông thôn mới tại xã Thượng Trưng theo lời chỉ dạy của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp; thành lập Hợp tác xã kinh doanh Thương mại và Dịch vụ xã Thượng Trưng.
Với tinh thần học hỏi không ngừng, ông Thọ nghiên cứu nhiều tài liệu, văn bản của các cấp và nắm bắt tình hình của địa phương để năm 2001, ông tham gia cùng Công ty Tư vấn xây dựng nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc xây dựng Đề cương chi tiết “Dự án xây dựng mô hình phát triển nông thôn mới xã Thượng Trưng - Vĩnh Tường” được UBND tỉnh phê duyệt và chọn Thượng Trưng là 1 trong 3 xã điểm xây dựng nông thôn mới năm 2002.
Dự án được Chính phủ đánh giá cao, nhưng sau đó vì nhiều yếu tố khách quan nên sau 1 năm phải dừng lại, tuy nhiên, dự án vẫn phát huy tác dụng khi qua đó, xã Thượng Trưng được đầu tư hơn 400 triệu đồng xây dựng Trường tiểu học Thượng Trưng, chùa, nghĩa trang xã… Đây cũng là nền tảng để Thượng Trưng thuận lợi phát triển như hiện nay.
Ông Bùi Văn Thọ bảo quản hàng trăm cuốn sách Hán Nôm tại đình Thượng Trưng. Ảnh: Trà Hương
Cùng với công tác chuyên môn, ông Thọ rất đam mê đọc sách và viết báo, viết văn, viết thơ. Tháng 4/2004, hưởng ứng cuộc thi viết về “Âm vang Điện Biên” nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Thọ đã viết bài về ông Nguyễn Văn Bạch (người cùng công tác trước đây) là chiến sĩ công binh đặt bộc phá trên trên đồi A1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954. Bài viết đăng trên Báo Vĩnh Phúc đã giúp ông Nguyễn Văn Bạch được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và ông Thọ được nhận Bằng lưu niệm của Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam...
Năm 2005, sau khi nghỉ hưu, ông Thọ tiếp tục tham gia nhiều hoạt động đoàn thể tại địa phương. Với vai trò là Tổ trưởng Tổ liên gia tự quản số 1, Chi hội phó Chi hội Người cao tuổi thôn Thạch Ngõa, ông đã tiếp cận, tìm hiểu đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cập nhật tình hình kinh tế-chính trị-xã hội để tuyên truyền, vận động các hộ gia đình thực hiện nghiêm túc, góp phần đưa thôn Thạch Ngõa trở thành 1 trong 4 thôn văn hóa cấp tỉnh; tham gia tư vấn và cung cấp tư liệu lịch sử về mảnh đất, con người Thượng Trưng để đề nghị các cấp có thẩm quyền xếp hạng nhiều di tích của xã như cây gạo lịch sử thôn Tiền Đình, đền Phú Hạnh, đình Thượng Trưng...
Ông Thọ còn là thành viên Hội thơ xã Thượng Trưng với những bài thơ ca ngợi sự đổi mới, phồn thịnh của quê hương, đất nước... Với mong muốn bảo vệ, giữ gìn, lưu truyền di sản văn hóa Hán Nôm của dân tộc, ông Thọ cùng nhiều cao niên ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vĩnh Tường mở và duy trì lớp học chữ Hán Nôm từ năm 2016 tại đình Thượng Trưng.
Hiện nay, ông Thọ là thành viên Câu lạc bộ Hán-Nôm tỉnh. Ông tích cực hỗ trợ, giúp đỡ những học viên mới của lớp; truyền dạy cho trẻ em địa phương yêu thích học chữ Hán Nôm; giúp bà con trong thôn, xã viết các bài cúng, lá sớ dâng lên đền cầu bình an. Không chỉ vậy, ông còn sưu tầm, lưu giữ, bảo quản hàng trăm cuốn sách viết bằng chữ Hán Nôm và nói về di sản Hán Nôm tại tủ sách đình Thượng Trưng.
Ông Thọ cho biết: “Chữ Hán Nôm là di sản văn hóa quý giá, là sợi dây liên kết quá khứ với hiện tại và là nguồn tư liệu quan trọng giúp các thế hệ tìm hiểu về cội nguồn lịch sử, văn hóa của dân tộc. Vì vậy, tôi muốn góp sức mình bảo tồn, giữ gìn di sản văn hóa này".
Trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, ông Thọ là Chủ tịch Hội đồng Bùi tộc, Cộng đồng họ Bùi huyện Vĩnh Tường; Phó Chủ tịch Hội đồng gia tộc, Trưởng Ban nghiên cứu lịch sử - Ban Khuyến học, khuyến tài dòng họ Bùi Thủ Chân xã Thượng Trưng.
Những năm qua, ông cùng các thành viên trong cộng đồng dòng họ chú trọng tuyên truyền, giáo dục các thế hệ con cháu phát huy truyền thống văn hóa, truyền thống hiếu học của dòng họ, nỗ lực học tập, phấn đấu thành tài, đóng góp công sức vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương; vận động xây dựng Quỹ Khuyến học dòng họ được gần 200 triệu đồng để khen thưởng, hỗ trợ, tặng quà con em có thành tích trong học tập nhằm khích lệ tinh thần phấn đấu vươn lên của mỗi thành viên…
Đến nay, dòng họ Bùi Thủ Chân luôn là một trong những dòng họ tiêu biểu của tỉnh được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng Bằng khen “Dòng họ khuyến học tiêu biểu toàn quốc” và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng Bằng khen “Dòng họ khuyến học xuất sắc”.
Với những nỗ lực của mình, ông Thọ được Cộng đồng Bùi tộc tỉnh khen thưởng vì có thành tích liên kết phát triển cộng đồng dòng họ; Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tặng Bằng khen “Tuổi cao gương sáng”; Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng học bổng “Học không bao giờ cùng”.
Minh Hường
Theo http://baovinhphuc.com.vn