Noi gương Bác, sản xuất giỏi

Ông Đặng Tâm Dung, hội viên Hội Nông dân xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc đã phủ kín 2 ha đất bãi bằng các loại cây ăn quả.

Trong cuộc gặp gỡ với ông Dung, ấn tượng ban đầu của chúng tôi là sự gần gũi, chất phác, thật thà. Thế nhưng, khi tìm hiểu, tham quan trang trại, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, khâm phục ý chí làm giàu, tinh thần lạc quan, ham học hỏi của người nông dân đã ngoài 60 tuổi vừa được UBND tỉnh khen thưởng nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm tỉnh Vĩnh Phúc vì đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Dẫn chúng tôi tham quan trang trại trồng cây ăn quả theo hướng VietGap rộng 2ha, ông chia sẻ: “Hồng Châu vốn là xã vùng bãi thuần nông, đất nông nghiệp thì nhiều nhưng chưa được quy hoạch bài bản, dẫn đến sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, năng suất cây trồng chưa cao.

Trước thực trạng đó, tôi luôn trăn trở làm thế nào để làm giàu bằng sản xuất nông nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình. Nghĩ là làm, năm 2009, tôi mạnh dạn thuê lại 2ha đất sản xuất nông nghiệp của địa phương. Thay vì trồng các loại cây truyền thống như ngô, khoai, tôi đầu tư cải tạo đất đai và trang bị hệ thống tưới tiêu để chuyển sang trồng bưởi diễn, chuối ghép phôi để phát triển kinh tế gia đình”.

Là một trong những hộ dân đầu tiên ở địa phương thực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất bãi, thời gian đầu, ông Dung gặp không ít khó khăn, nhất là về kinh nghiệm và kỹ thuật canh tác.

Song với tinh thần học và làm theo Bác từ những điều nhỏ nhất, không nản chí trước khó khăn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm; đồng thời, ông chủ động tìm tòi, nghiên cứu kiến thức trên sách, báo cũng như tham khảo, học tập kỹ thuật chăm sóc cây từ những mô hình đã thành công để áp dụng trong trang trại của gia đình.

Đất không phụ công người, vùng bãi ven sông nay đã trở thành vườn cây ăn quả trù phú. Theo tính toán của ông, bưởi diễn thu hoạch 1 vụ trong năm, mỗi cây cho từ 200 - 300 quả.

Đối với cây chuối, mỗi cây cho 1 buồng, trung bình mỗi buồng cho từ 10 -12 nải. Nhờ đó, mô hình trồng bưởi diễn, chuối ghép phôi không chỉ đem lại doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm mà còn tạo việc làm ổn định cho khoảng 5 lao động địa phương.

Khi vườn cây cho nguồn thu ổn định, ông lại nghĩ đến cần phải nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Trong quá trình canh tác, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được hạn chế tối đa, thay vào đó là sử dụng các loại phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học để sản xuất với một quy trình sạch, chuyên nghiệp.

Ông Dung bật mí, để tạo độ ngọt, thơm ngon cho quả bưởi, ông sử dụng đậu tương ủ để bón cho cây; đồng thời, tận dụng rơm rạ và các loại phân hữu cơ để đắp vào gốc bưởi. đây cũng là một trong những mô hình đầu tiên của xã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Bên cạnh việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Dung luôn sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm trồng cây ăn quả cho các hội viên nông dân trong xã để cùng nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Từ những thành công bước đầu, thời gian tới, ông tiếp tục duy trì xây dựng và phát triển, nhân rộng mô hình. Ông cũng mong muốn các cấp chính quyền tiếp tục có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ cho bà con về đất đai, phân bón, cây giống cũng như KHKT để áp dụng vào sản xuất, góp phần tăng năng suất cây trồng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website