Đồng chí Nguyễn Thị Khá trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Mặc dù Đảng và Nhà nước triển khai nhiều chủ trương, chính sách đầu tư, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, nhưng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh vẫn còn một bộ phận người dân có mức sống thấp, người neo đơn có hoàn cảnh khó khăn rất cần sự sẻ chia, góp sức của cộng đồng.
Đồng chí Nguyễn Thị Khá, sinh năm 1955, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đang sinh hoạt đảng tại Chi bộ ấp Giồng Chùa, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long. Học Bác về lòng yêu thương con người, đồng chí Khá thấy bản thân cần phải có trách nhiệm, quan tâm đến đời sống của nhân dân, giúp người dân vượt qua khó khăn, yên tâm trong cuộc sống. Theo đồng chí, các chương trình, dự án hỗ trợ giải quyết đất ở và việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn được triển khai đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn của tỉnh và cải thiện đáng kể đời sống nhân dân.
Ấp Giồng Chùa, xã Phương Thạnh có đông đồng bào Khmer sinh sống. Tỷ lệ hộ nghèo có giảm, nhưng một bộ phận người dân nơi đây có mức sống thấp, nhất là hộ có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn. Với lòng yêu thương con người, nhiều năm qua, đồng chí Khá trích 4 triệu đồng/tháng từ lương hưu của mình để mua gạo, các nhu yếu phẩm thiết yếu hỗ trợ cho 7 hộ là đồng bào Khmer nghèo, người cao tuổi có hoàn cảnh neo đơn trên địa bàn.
Ngoài ra, đồng chí cũng tích cực vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần cho nhân dân, nhất là hỗ trợ nhu yếu phẩm thường ngày cho hộ người cao tuổi không có điều kiện lao động, còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Hoạt động hỗ trợ, chăm sóc người già neo đơn của đồng chí Nguyễn Thị Khá có ý nghĩa giáo dục, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng; đồng thời, tạo ra sức lan tỏa cho mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ xã Phương Thạnh học tập, noi gương, cùng thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với phương châm của Chính phủ “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thượng tọa Thạch Rây, Trụ trì chùa Khmer ấp Ba So, xã Hiệp Hòa, Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Cầu Ngang luôn thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình, có nhiều đóng góp trong các phong trào thi đua yêu nước, xóa nghèo, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Là người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Thượng tọa Thạch Rây tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chính sách an sinh xã hội, thắt chặt thêm khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Học Bác về lòng yêu thương con người, nhiều năm qua, Thượng tọa triển khai hiệu quả mô hình “Hạt gạo nghĩa tình” tại chùa Khmer ấp Ba So, xã Hiệp Hòa.
Thượng tọa cùng với các vị sư, ban quản trị chùa vận động các tổ chức, cá nhân góp gạo cấp phát cho người nghèo. Bên cạnh đó, nhà chùa còn trích một phần tiền phật tử cúng viếng mua thêm các suất quà tặng người nghèo. Đến nay, chùa Khmer ấp Ba So đã trao bốn tấn gạo cho hàng trăm lượt hộ gia đình khó khăn. Cứ vào các ngày rằm, ngày 30 hằng tháng, chùa tổ chức cấp phát gạo cho những hộ có hoàn cảnh thật sự khó khăn đang cần sự giúp đỡ. Với vai trò là Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Cầu Ngang, Thượng tọa Thạch Rây luôn triển khai thực hiện tốt công tác phật sự, cùng với hội vận động xây và trao nhiều căn nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương cho hộ khó khăn về nhà ở.
Trong tu hành, Thượng tọa Thạch Rây giữ gìn nếp sống chuẩn mực đáng kính, có tấm lòng giúp đỡ phật tử, người dân gặp khó khăn xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Mô hình “Hạt gạo nghĩa tình” không chỉ hỗ trợ người nghèo về vật chất mà còn mang ý nghĩa tinh thần, lan tỏa ý thức, tư tưởng sống tốt, biết yêu thương giúp đỡ mọi người.
Ngoài ra, Thượng tọa còn tuyên truyền, vận động các chùa trong huyện xây dựng, củng cố hoạt động của tủ sách pháp luật tại chùa với các loại sách khoa học kỹ thuật, lịch sử, pháp luật. Quan trọng nhất là những cuốn sách, mẩu chuyện hay về tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trưng bày trang trọng để nhiều người cùng xem, học tập.
Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Ngũ Lạc Lữ Thị Thi cho biết, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải hiện có 4.538 hộ dân với 18.198 nhân khẩu, trong đó đồng bào Khmer chiếm 63,8%. Các mô hình ngân hàng bò sinh sản, tổ nhường cơm sẻ áo, câu lạc bộ nghĩa tình của Hội Chữ thập đỏ xã đã góp phần chia sẻ khó khăn, động viên người nghèo nỗ lực vượt khó, vươn lên.
Học Bác về lòng yêu thương con người, tháng 3/2015, chị Thi được Đảng ủy xã tạo điều kiện thành lập Tổ nhường cơm sẻ áo với mong muốn góp sức cùng chính quyền địa phương chung tay hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, người già yếu neo đơn, bệnh tật không nơi nương tựa; người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em mồ côi, học sinh không có điều kiện đến trường. Từ năm 2015 đến nay, tổ đã vận động hơn 2,8 tỷ đồng để hỗ trợ cho hàng nghìn hộ gia đình, cá nhân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Các thành viên trong tổ còn góp tiền, gạo để giúp đỡ bệnh nhân nghèo, trẻ mồ côi với mỗi phần quà gồm gạo, đường, nước tương quy ra tiền là 150.000-200.000 đồng. Hiện Tổ nhường cơm sẻ áo xã Ngũ Lạc đã thu hút được 75 thành viên tham gia.
BÀI VÀ ẢNH: MINH KHỞI
Theo https://nhandan.vn