(HCM.VN) - Những năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Đảng bộ Nghĩa Hưng (Nam Định) đã đi vào chiều sâu, trở thành công việc thường xuyên của các tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Trong phong trào thi đua học và làm theo Bác đã xuất hiện nhiều tấm gương, tập thể, cá nhân điển hình, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Để thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị "về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" một cách thiết thực, hiệu quả, Ban Thường vụ Huyện ủy Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện. Trong đó, các tổ chức đảng đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác thành nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác hàng năm, gắn với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, theo phương châm học tập đi đôi với làm theo, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên.
Bằng những việc làm thiết thực, cụ thể trong học tập và làm theo Bác, 5 năm qua đã có nhiều gương tiêu biểu của tập thể, cán bộ, đảng viên gương mẫu vì công việc chung, đi đầu trong các phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), hiến đất mở đường, đóng góp công sức, tiền của xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được duy trì, phát triển; các gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến nhân tố mới có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Điển hình như ở chi bộ Khang Lâm (xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng), để thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo Bác, chi bộ này đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời thực hiện nghiêm túc việc học tập chuyên đề toàn khóa và chuyên đề hàng năm gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, giải quyết những vấn đề trọng tâm của đơn vị và phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cấp ủy chi bộ. Ban chi ủy đã quan tâm, sâu sát, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân; vận động đảng viên và nhân dân thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM và NTM nâng cao.
Chị Nguyễn Thị Hải (thứ 3 từ phải sang) giới thiệu các sản phẩm của cơ sở đan lát thủ công, kinh doanh hàng cói xuất khẩu Hùng Tiến, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021). Ảnh: TL
Do làm tốt công tác tuyên truyền vận động cùng với sự gương mẫu, đi đầu trong công việc của từng cán bộ, đảng viên trong chi bộ, nhân dân xóm Khang Lâm đã đồng thuận, tự nguyện đóng góp tiền của, ngày công, đất đai để xây dựng nhà văn hóa xóm, trường học, làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng. Trong đó đã đóng góp, ủng hộ 260 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa xóm; 145 triệu đồng đổ bê tông đường trục chính và các đường dong với tổng chiều dài 2,6km; đóng góp kinh phí làm đường điện thắp sáng trục đường chính; tự nguyện hiến trên 2.000m2 đất ruộng để làm đường ra đồng. Nhân dân trong xóm tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thực hiện quy ước nếp sống văn hóa, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan môi trường NTM ngày càng khang trang sạch đẹp.
Với những kết quả đạt được, chi bộ Khang Lâm nhiều năm liền được Đảng ủy xã Nghĩa Lâm, Huyện ủy Nghĩa Hưng đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Ban TVTU tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị giai đoạn 2016-2021.
Còn với chị Nguyễn Thị Hải ở xã Nghĩa Lâm, việc học và làm theo Bác rất giản dị và cụ thể là không ngừng nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, giúp đỡ nhiều lao động địa phương có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống. Là vùng quê thuần nông, người dân Nghĩa Lâm không có nghề phụ, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Năm 1992, sau khi đi tham quan các mô hình sản xuất tại tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa..., đồng thời nhận thấy tại Nông trường quốc doanh Rạng Đông (Nghĩa Hưng) có vùng trồng cói, chị đã cùng gia đình đứng ra thu mua nguyên liệu, thành lập cơ sở đan lát thủ công, kinh doanh hàng cói xuất khẩu Hải Tiến.
Thời điểm mới thành lập, cơ sở sản xuất có 9 lao động. Trải qua những khó khăn, vất vả ban đầu, với sự năng động, nhạy bén của chị Hải, cơ sở không ngừng mở rộng được quy mô sản xuất, sản phẩm khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Mỗi năm cơ sở sản xuất được trên 20 nghìn mét thảm cói, trên 160 nghìn sản phẩm xuất khẩu là các loại: túi, làn, bì, hộp…; tạo việc làm cho gần 100 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 100-150 nghìn đồng/người/ngày, lao động quen việc có thể đạt mức thu nhập 180-250 nghìn đồng/người/ngày… Lợi nhuận thu được hàng năm của cơ sở Hải Tiến khoảng 350-400 triệu đồng.
Các sản phẩm của cơ sở được tiêu thụ, phân phối chủ yếu trên địa bàn các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định và một phần được xuất khẩu tại các thị trường Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc…
Để tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống, chị đã liên hệ với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm dạy nghề huyện và Hội Phụ nữ xã Nghĩa Lâm mở các lớp dạy nghề cho phụ nữ. Sau khi học nghề, các chị đều được cơ sở sản xuất của chị Hải tạo điều kiện giúp đỡ sản xuất tại nhà. Đến nay, đã có gần 300 hộ gia đình với khoảng 700 lao động được ký kết gia công các sản phẩm đan lát thủ công ở 8 xã trong huyện.
Không chỉ là chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, chị Hải còn là đại biểu HĐND xã, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ số 11 luôn năng nổ, tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, xã hội từ thiện với tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, gia đình hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn ở địa phương. Là tấm gương điển hình phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi, năm 2020, chị Nguyễn Thị Hải được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về “Mô hình sản xuất hiệu quả và ổn định, giúp đỡ hộ nông dân xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định”.
Những tập thể, cá nhân điển hình trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo động lực và sức lan tỏa sâu rộng tiếp tục nhân lên những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng./.
Hoàng Thị Tư