Nghề y và những thách thức trong thời đại công nghệ số

Ngành Y tế thực hiện lời Bác dạy

Cách đây 68 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Hội nghị cán bộ y tế tổ chức tại Thủ đô Hà Nội (27/2/1955), bức thư được đăng trên báo Nhân Dân ngày 27/2/1955. Trong bức thư, Người căn dặn các cán bộ y tế những lời hết sức giản dị mà sâu sắc: “Trước hết, phải thật thà đoàn kết”; Thương yêu người bệnh “lương y phải như từ mẫu” và Xây dựng nền y học nước nhà”. Thấm nhuần và thực hiện lời dạy của Người, 68 năm qua, Ngành Y tế và các thế hệ thầy thuốc luôn coi đây là phương châm hành động cao cả, là trách nhiệm đối với nhân dân khi được Đảng và Bác Hồ giao cho. Ngành y tế Việt Nam đã không ngừng phát triển và trưởng thành về mọi mặt, từ tổ chức mạng lưới đến chất lượng trong công tác khám, chữa bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, xây dựng nền y học ngày càng hiện đại, đồng bộ, rộng khắp. Các y bác sĩ đã không ngừng tu dưỡng, phấn đấu rèn luyện nâng cao y đức, đạo đức nghề nghiệp, khắc phục khó khăn, làm chủ nhiều kỹ thuật y – dược hiện đại đạt trình độ thế giới, nêu cao tinh thần trách nhiệm để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hết lòng vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ảnh tư liệu

Từ đó, Ngành y tế nước nhà đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào: từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, tuổi thọ thấp, Việt Nam trở điểm sáng thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, thực hiện vượt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao hàng năm về số giường bệnh và tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế, tuổi thọ bình quân tăng. Chất lượng dân số cũng từng bước được cải thiện và nâng cao.

Đặc biệt trong thời đại số với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, ngành y tế của ta cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội để chuyển mình bứt phá, tạo nên một cuộc cách mạng về khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Việc nhanh chóng tiếp cận, ứng dụng những thành tựu của khoa học đã giúp những thành tựu của ngành y tế tiệm cận với thành tựu của y tế thế giới, mang lại những lợi ích vô cùng to lớn đối với nhân dân. Máy móc giúp công việc của bác sĩ nhẹ nhàng hơn, thuận lợi, hiệu quả hơn, chủ động hơn, nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh cho nhân dân. Nhưng đi cùng với đó là thách thức không nhỏ đối với các y bác sĩ, cả trong công tác chuyên môn lẫn y đức.

Y đức và những thách thức trước sự phát triển của khoa học công nghệ

Trên thế giới và tại Việt Nam, trình độ khoa học công nghệ y tế tạo ra những thuận lợi và cả những thách thức trong thực hành các hoạt động y tế. Nếu trước đây, rất nhiều căn bệnh mà y học “bất lực”, không thể chữa trị được thì nay với sự giúp sức của công nghệ, đã biến điều “không thể” trở thành “có thể”, thậm chí trở thành “đơn giản” nhờ việc ứng dụng các liệu pháp điều trị sử dụng tế bào gốc; kỹ thuật phẫu thuật xâm nhập tối thiểu; các máy ghi hình cộng hưởng từ; kỹ thuật thay khớp cảm biến; phát triển nội tạng người...

Cũng từ đây, người thầy thuốc phải đối mặt với những thách thức mới: làm thế nào để nắm được hết các công nghệ mới, kỹ năng điều khiển, trong phát hiện và điều trị bệnh. Nếu trước đây, các bác sĩ khám, chữa bệnh, phẫu thuật ngoài việc giỏi lâm sàng, có kinh nghiệm, có kỹ năng xử lý tình huống, có bàn tay vàng, thì nay, phải học cả kỹ năng lập trình, xử lý, điều khiển robot, máy móc. Các bác sĩ ngoài việc phải học tập kiến thức khám chữa bệnh truyền thống, đồng thời phải nắm được nguyên tắc và đặc tính của kỹ thuật cao, thích ứng với thời đại khoa học công nghệ số; làm sao để làm chủ máy móc, làm chủ thiết bị; chỉ định thực hành cho đúng công suất, tần suất; sử dụng tối đa những tính năng, công dụng của máy móc.

Nhiều máy móc hiện đại giúp các y, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhanh chóng, chính xác. Ảnh minh họa

Thời đại công nghệ cũng dễ khiến các y bác sĩ dễ phụ thuộc, lệ thuộc vào máy móc, dẫn đến chủ quan, bỏ qua, thậm chí xa rời bệnh nhân. Mặc dù công nghệ tự động hóa có tính chính xác cao, tuy nhiên không nghĩa là thiết bị, máy móc hoàn toàn thay thế con người, bởi nó do con người lập trình và điều khiển. Trong các hoạt động khám và điều trị bệnh, những biến cố, biến chứng, diễn tiến bất thường có thể xảy ra. Chỉ có các y bác sĩ mới có đủ sự nhạy cảm, tinh tế để cảm nhận, cảm thấy, biến ứng linh hoạt trước diễn biến sức khỏe của người bệnh mà máy móc không thể làm thay. Bên cạnh đó, máy móc cũng không thể thay thế y bác sĩ khi hàng ngày thăm khám, động viên, đưa ra những chỉ định, lời khuyên dành cho người bệnh – những yếu tố tinh thần vô cùng quan trọng trong công tác khám chữa bệnh. Nếu không nhận thức được điều đó, bản thân các y bác sĩ dần dần cũng biến thành những “cỗ máy” chữa bệnh, “y đức” cũng từ đó mà không còn.

Trong thời buổi kinh tế thị trường, có những y bác sĩ “bỏ quên lời thề” chạy theo cám dỗ vật chất như kê đơn bừa bãi, mở phòng khám tư mà chểnh mảng công việc ở bệnh viện; giới thiệu người bệnh ra phòng khám bên ngoài...; thì không hiếm người lạm dụng máy móc, công nghệ kỹ thuật cao, chỉ định cho người bệnh các xét nghiệm không cần thiết nhằm tăng doanh thu khiến người bệnh phải chịu thêm nhiều chi phí, thậm chí còn phải chịu những hóa chất, tia xạ độc hại vào người. Họ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, đang làm xấu đi hình ảnh những y bác sĩ do không giữ được bản lĩnh, uy tín và chưa biết trân trọng sự nghiệp mình hằng theo đuổi.

Nghề Y là một nghề rất đặc biệt và cao quí trong xã hội. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cũng đã nhận định: “Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người. Không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”. Không phải tự nhiên, nghề y luôn được gắn cùng “y đức” bởi đây là phẩm chất tốt đẹp, là giá trị cốt lõi của người thầy thuốc. Và những người bệnh, chắc hẳn sẽ nhớ đến những thầy thuốc tận tâm, tốt bụng hơn là những thầy thuốc giỏi mà vô cảm trước người bệnh.

Giữa bộn bề khó khăn thách thức, hàng ngàn, hàng vạn y bác sĩ đang ngày đêm tích cực học tập, lao động, cống hiến. Chính những y bác sĩ giỏi, có y đức đã và đang tạo dựng nên niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống. “Y đức” – hai chữ thiêng liêng ấy đã mang lại giá trị tinh thần, giá trị xã hội và giá trị đạo đức mà bất cứ thời đại nào, xã hội nào cũng cần và đang hướng đến.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website