Ngành Giáo dục Than Uyên làm theo Bác

Vận dụng quan điểm tư tưởng của Bác: “Giáo dục là một trong những phương tiện quan trọng nhất để nâng cao năng lực và phẩm chất của con người, mà trước hết là nâng cao lòng yêu nước và hoàn thiện nhân cách”. Cấp ủy Chi bộ Phòng GD&ĐT huyện chú trọng tổ chức cho cán bộ, đảng viên thực hiện học tập và làm theo Bác gắn với việc nâng cao chất lượng giáo dục. Bám sát từng chuyên đề hằng năm, Chi bộ xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ các nội dung học tập gắn với nhiệm vụ chuyên môn và các phong trào thi đua. Chủ động triển khai các kế hoạch về giáo dục, giao chỉ tiêu phù hợp cho từng đơn vị; chỉ đạo các trường đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện các quyết định, kế hoạch về đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.

Anh Trịnh Ngọc Hải – Bí thư Chi bộ, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Than Uyên cho biết: “Mỗi cán bộ, đảng viên, viên chức luôn nêu cao ý thức về việc học tập và làm theo Bác từ đó xác định trách nhiệm của bản thân, rèn luyện, tu dưỡng về đạo đức, chuyên môn, tác phong, đặc biệt coi trọng việc đổi mới công tác quản lý, dạy học. Mỗi năm học, đối với cán bộ quản lý thực hiện đăng ký làm chuyển biến một việc, đối với giáo viên thực hiện mỗi giờ học có một đổi mới sáng tạo. Để làm được điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên, viên chức phải thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá về bản thân, thấy những hạn chế của bản thân để xác định phương hướng, biện pháp cụ thể để khắc phục hạn chế”.

Làm theo Bác, Phòng chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó làm tốt công tác huy động tối đa số trẻ trong độ tuổi ra lớp với việc thực hiện hiệu quả tuyên truyền, vận động đến các bậc phụ huynh. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn với việc xây dựng kế hoạch cụ thể theo từng năm học. Ở bậc giáo dục mầm non triển khai các chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” và tăng cường tiếng Việt cho trẻ; tổ chức cho trẻ tham gia các hình thức trải nghiệm mới, tạo môi trường cho trẻ làm quen với tiếng Anh.

 

 Trường Tiểu học thị trấn Than Uyên ứng dụng công nghệ vào dạy học kết nối trong năm học 2020-2021.

Đối với giáo dục phổ thông tiếp tục đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; tích cực dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực phẩm chất người học. Tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng lớp cuối cấp, chất lượng học sinh bán trú; điều chỉnh nội dung, kế hoạch dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá... Tổ chức hoạt động ngoại khóa, lồng ghép trong buổi chào cờ, trong các môn học giáo dục công dân, lịch sử, ngữ văn về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, Phòng tổ chức triển khai các phong trào thi đua theo hướng dân chủ, khách quan, công bằng, lấy chất lượng hiệu quả giáo dục làm tiêu chí đánh giá, bình xét thi đua. Nghiêm túc thẳng thắn đấu tranh, phê bình những biểu hiện lệch lạc, bệnh hình thức, nói không đi đôi với làm. Phòng chỉ đạo các nhà trường thường xuyên tổ chức cuộc thi viết về “Gương người tốt, việc tốt”; tấm gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước, trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, nhân rộng gương điển hình tiên tiến trong việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.

Từ việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong ngành Giáo dục đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, các mô hình hay, cách làm sáng tạo. Điển hình Ban Giám hiệu Trường Tiểu học thị trấn Than Uyên đã đầu tư nghiên cứu các nền tảng hỗ trợ họp trực tuyến miễn phí vào dạy học kết nối như: Zoom, Meet google, zavi, Team microsoft... Tất cả các ứng dụng hỗ trợ hội thảo trực tuyến đều được thử nghiệm trong dạy học online, họp nhà trường và sinh hoạt chuyên môn theo chuyên đề. Trước đó, trong thời gian nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19 năm học 2019-2020 và 2020-2021, nhà trường tiến hành nhiều hoạt động dạy học trực tuyến (dạy học online) đồng bộ trên tất cả các lớp với tỉ lệ học sinh tham gia học trên 80%.

Cô giáo Nguyễn Lệ Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Than Uyên chia sẻ: “Trường khuyến khích thầy cô tự trang bị các thiết bị hiện đại (máy chiếu, thiết bị trợ giảng) ứng dụng công nghệ vào dạy học kết nối. Việc dạy học kết nối giúp giáo viên truyền tải đầy đủ nội dung, kiến thức bài học tới học sinh ở các điểm cầu; học sinh được chia sẻ kiến thức, cách học và giao lưu mở rộng nội dung bên ngoài khuôn khổ bài học, tạo được nhiều hứng khởi”.

Qua việc thực hiện Chỉ thị 05, công tác giáo dục của huyện không ngừng phát triển với quy mô tinh gọn, hiệu quả; chất lượng đội ngũ và giáo dục được nâng lên, xóa dần khoảng cách về chất lượng giữa vùng khó khăn với vùng thuận lợi; chất lượng chăm sóc trẻ đạt 94,3%, tỷ lệ học sinh tiểu học hoàn thành các môn học và hoạt động giáo dục đạt 99,9%, học sinh THCS xếp loại học lực trung bình trở lên đạt 95,7%. Có 25/35 trường đạt chuẩn quốc gia.

Có thể thấy, việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo Bác đã và đang trở thành động lực để ngành Giáo dục huyện Than Uyên nỗ lực phấn đấu, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Uyên Linh

Theo https://baolaichau.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website