Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng

 Bác Hồ trên đường đi Chiến dịch Biên giới năm 1950.
(Ảnh Tư liệu: TTXVN)

Trong hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc được bản Luận cương của Lê-nin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa trên Báo Nhân đạo (L'Humanité) của Pháp. bản Luận cương là cơ sở, nền tảng, ngọn đuốc soi sáng con đường giải phóng của các dân tộc bị áp bức, đồng thời đáp ứng được mong mỏi thiết tha của Người đối với đất nước là độc lập cho dân tộc, tự do cho đồng bào. Người tìm thấy phương hướng, đường lối cơ bản cho phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở Bản Luận cương, đó là: kết hợp đấu tranh giai cấp với đấu tranh dân tộc, độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, tinh thần yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản cao cả. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc đã tập trung mọi nỗ lực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam, chuẩn bị những tiền đề về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của một đảng cách mạng tiền phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc - Đảng Cộng sản Việt Nam. Ðặc biệt, Người luôn quan tâm, chăm lo cho phong trào đấu tranh của quần chúng và không ngừng xúc tiến tìm đường về Tổ quốc để trực tiếp lãnh đạo cách mạng, giải phóng dân tộc.

Tháng 9/1939, Chiến tranh thế giới lần thứ Hai bùng nổ, phát xít Nhật ráo riết chuẩn bị tiến công Đông Dương và Đông Nam Á. Tại Việt Nam, thực dân Pháp mở rộng cuộc khủng bố trắng, phong trào cách mạng gặp muôn vàn khó khăn, Đảng ta buộc phải rút vào hoạt động bí mật. Hai tháng sau khi Chiến tranh thế giới nổ ra, Hội nghị lần thứ 6 Trung ương Đảng tiến hành tại Gia Định (06/11/1939) nhận định: con đường sống duy nhất của các dân tộc Đông Dương là đánh đổ thực dân Pháp, giải phóng dân tộc, giành lấy quyền độc lập. Hội nghị quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược và phương pháp đấu tranh đối với cách mạng Việt Nam, tập trung mọi lực lượng của dân tộc vào nhiệm vụ chống chiến tranh đế quốc, chống phát xít xâm lược, đánh đổ thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Hội nghị cũng chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc thay cho Mặt trận dân chủ không còn phù hợp, giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa vũ trang. Như vậy, ngay từ cuối năm 1939, Đảng ta nhận thấy sự cần thiết phải thay đổi phương pháp đấu tranh cách mạng và cần phải tổ chức khởi nghĩa vũ trang.

Ngày 22/6/1940, Chính phủ tư sản Pháp đầu hàng vô điều kiện quân Đức, thực dân Pháp ở Đông Dương hoang mang, bối rối. Biết tin quân Pháp bại trận, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gấp rút họp Ban cán sự của Đảng ở nước ngoài đánh giá tình hình và xác định nhiệm vụ cho phong trào cách mạng trong nước, Người nhận định: “Việc Pháp bại trận là cơ hội thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ là có tội với cách mạng”1. Người căn dặn đội ngũ cán bộ phải vận động nhân dân, khi họ đã giác ngộ cao, lúc đó ắt sẽ có vũ khí. Mặc dù đang hoạt động tại Trung Quốc, nhưng Người đã tính đến việc xây dựng khu căn cứ làm chỗ dựa chỉ đạo và phát triển phong trào cách mạng. Thực hiện ý định này, Người chỉ thị cho đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp không đi học chính trị và quân sự tại Diên An, đồng chí Lê Thiết Hùng lập tức rời khỏi hàng ngũ của Quốc dân đảng Trung Hoa về nước chuẩn bị lực lượng, đón thời cơ, giành chính quyền.

Khi phát xít Nhật đánh chiếm Lạng Sơn (23/9/1940), thực dân Pháp “quỳ gối” dâng Việt Nam cho Nhật, nhân dân ta một cổ hai tròng, đời sống gặp muôn vàn khó khăn, vất vả. Dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, nhân dân ở khắp nơi đã nổi dậy đấu tranh với khí thế mạnh mẽ, quy mô rộng lớn chưa từng có, điển hình là Khởi nghĩa Bắc Sơn. Tuy các cuộc khởi nghĩa không giành được kết quả như mong muốn, nhưng đã thể hiện tinh thần quật cường, bất khuất của dân tộc, báo hiệu thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam. Tình hình trong nước lúc này hết sức sôi động, nhân dân nổi dậy đấu tranh vũ trang giành chính quyền, các đội du kích vũ trang cũng được thành lập - đây chính là lực lượng nòng cốt cùng nhân dân đấu tranh. Hội nghị lần thứ 7 Trung ương Đảng (06/11/1940) nhận định: đế quốc Pháp thỏa hiệp, mở đường cho phát xít Nhật vào Đông Dương, gây ra bao tai họa không kể xiết đối với nhân dân ta. Để chống lại, nhân dân ta đã thực hiện nhiều hình thức cao của đấu tranh chính trị và bắt đầu kết hợp với đấu tranh vũ trang. Tuy những hình thức đấu tranh ấy chưa phổ biến và chưa quyết liệt, nhưng một cao trào mới sẽ bùng lên. Do vậy, “Đảng phải chuẩn bị để gánh lấy sứ mệnh thiêng liêng, lãnh đạo các dân tộc bị áp bức ở Đông Dương vũ trang bạo động giành lấy quyền tự do, độc lập”2.

Khi biết tin về phong trào đấu tranh cách mạng ở trong nước, nhất là cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ sắp nổ ra, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập Hội nghị cán bộ tại Quế Lâm (Trung Quốc). Người phân tích: “Tình hình chung trên thế giới và Đông Dương ngày càng có lợi cho ta, nhưng thời cơ chưa đến, chưa thể khởi nghĩa được. Song nay khởi nghĩa đã nổ ra rồi, thì cần tổ chức rút lui cho khéo để duy trì phong trào cách mạng”3. Người gấp rút thảo ngay một bức điện gửi xứ ủy Nam Kỳ đề nghị hoãn cuộc Khởi nghĩa, nhưng rất tiếc bức điện không kịp đến nơi. Nhận thấy vấn đề đoàn kết toàn dân, giải phóng dân tộc ngày càng quan trọng, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dự định lập một hình thức mặt trận có thành phần rộng rãi, tên gọi phù hợp, nhằm tập hợp được đông đảo nhân dân. Người cùng với các đồng chí: Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp biên soạn tài liệu “Con đường giải phóng” và mở lớp tập huấn, đào tạo lớp thanh niên thuộc các dân tộc Cao Bằng đang ở Trung Quốc (trốn sự truy lùng, khủng bố của thực dân Pháp) thành những cán bộ cốt cán trở về nước củng cố và mở rộng cơ sở quần chúng, thành lập các đoàn thể cứu quốc.

Ngày 28/01/1941, sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng với các đồng chí Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Hoàng Văn Lộc, Thế An, Đặng Văn Cáp vượt qua cột mốc 108 (tại xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) trên biên giới Việt - Trung trở về nước. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam, thời kỳ chuẩn bị mọi mặt cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

Trước những biến động sâu sắc của cách mạng thế giới và trong nước, Người nhận thấy thời cơ đang đến, đòi hỏi phải có những quyết sách kịp thời, chỉ đạo sát sao, nhạy bén và tập trung hơn nữa để thúc đẩy phong trào quần chúng, tập hợp cho được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu giải phóng dân tộc khi thời cơ chín muồi. Với danh nghĩa đại diện Quốc tế Cộng sản, tháng 5/1941, Nguyễn Ái Quốc quyết định triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8. Điểm nổi bật của Hội nghị là thay đổi đường lối chiến lược cách mạng của Đảng, đưa ra một số quyết sách quan trọng, trước hết là chuyển hướng chiến lược cách mạng, tập trung giải quyết một cách đúng đắn, khoa học mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp. Nghị quyết Hội nghị xác định rõ: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, sự tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi lại được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì không những toàn thể quốc gia dân tộc chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”4. Vấn đề này không những khắc phục quan điểm về đấu tranh giai cấp, mà còn mang lại thắng lợi cho cách mạng Việt Nam.

Hội nghị cũng tiếp nhận sáng kiến của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất chống thực dân Pháp và phát xít Nhật ở Việt Nam, lấy tên là Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Để thực hiện nhiệm vụ này, Người liên tiếp mở các lớp huấn luyện cán bộ; chỉ đạo soạn thảo các văn kiện, như: Tuyên ngôn, Chương trình, Ðiều lệ; thí điểm xây dựng Mặt trận Việt Minh ở Cao Bằng, từ đó kiểm nghiệm, bổ sung, hoàn thiện trước khi mở rộng ra cả nước. Việc thành lập Mặt trận Việt Minh là một sáng tạo mang tính chiến lược của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhằm đoàn kết các lực lượng cứu nước, giải phóng dân tộc. Chính Mặt trận Việt Minh đã lôi cuốn, tập hợp sức mạnh quần chúng cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, góp phần quyết định sự thành công của Cách mạng Tháng Tám.

Với tư tưởng phải tích cực xây dựng lực lượng cách mạng về mọi mặt, ngay từ những ngày đầu về nước, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, Người chỉ thị thành lập đội du kích tập trung đầu tiên ở Pác Bó (11/1941). Sớm nhận thấy vai trò chiến lược của bộ đội chủ lực, Người chủ trương lập đội Quân Giải phóng, vạch ra những nét chính từ tổ chức đến phương châm hành động và vấn đề cung cấp lương thực, vũ khí, đạn dược; lựa chọn cán bộ, đội viên từ các đội tự vệ chiến đấu, du kích địa phương, v.v.

Ngày 22/12/1944, Người ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng ngày nay. Theo Người: “… Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta”5. Thực tiễn đã chứng minh, với những chủ trương, chỉ đạo của Người về phương thức đấu tranh và tổ chức lực lượng vũ trang là hoàn toàn đúng đắn. Quân đội ta từ một lực lượng nhỏ bé, vũ khí, trang bị thô sơ đã vươn lên thành một đội quân hùng mạnh, đánh bại quân xâm lược và bè lũ tay sai có vũ khí, trang bị hiện đại, xứng đáng là Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân chiến đấu, xây đắp nên truyền thống vẻ vang: trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

Năm 1945, phong trào chống giặc, cứu nước phát triển mạnh mẽ, Mặt trận Việt Minh có thêm hàng triệu hội viên, đội quân chính trị ở thành thị và nông thôn phát triển nhanh chóng, lực lượng vũ trang cách mạng mở rộng các vùng căn cứ, khởi nghĩa từng phần bùng nổ ở nhiều địa phương, hoạt động du kích cũng xuất hiện ở nhiều nơi. Trước tình hình đó, tháng 4/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định thống nhất chỉ huy các chiến khu, tổ chức tự vệ và tự vệ chiến đấu ở khắp nơi; hợp nhất hai tổ chức quân sự: Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân; thành lập Ủy ban quân sự cách mạng để chỉ huy các chiến khu miền Bắc Đông Dương; đẩy mạnh khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa.

Ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng tại Tân Trào, dưới sự chủ trì của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa trong cả nước và cử ra Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc để chỉ đạo phong trào đấu tranh của nhân dân. Ngày 16/8/1945, Quốc dân đại hội được tiến hành dưới sự chủ trì của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đại hội đã cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam tức Chính phủ lâm thời do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc làm Chủ tịch. Chính phủ lâm thời đã đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các đảng phái yêu nước và những nhân sĩ tiến bộ trong cả nước để đưa con thuyền cách mạng đi đến thắng lợi. Điều này thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của nhà cách mạng thiên tài, đồng thời thể hiện sự nhất quán trong tư tưởng, chủ trương hành động của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Quyết định trở về Tổ quốc và trực tiếp đưa ra những chỉ đạo chiến lược đối với cách mạng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, cơ sở, tiền đề,  vững chắc, chỗ dựa cho toàn dân tộc đứng lên làm cuộc cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Thắng lợi đó đã đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội.

__________

1 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam - Sự nghiệp và tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb QĐND, H. 1990, tr. 55.

2 - Sđd, tr. 57.

3 - Võ Nguyên Giáp - Từ nhân dân mà ra, Nxb QĐND, H. 1964, tr. 39.

4, 5 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 113, 357

TRẦN TOÀN

Theo http://tapchiqptd.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website