Lan tỏa những tấm gương điển hình tiên tiến làm theo lời Bác

Cựu chiến binh Lê Đức Vinh (người cầm loa), Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Phú Vinh ở thôn Đam Khê Ngoài, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư giới thiệu mô hình "Dân vận khéo" hệ thống Trạm cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân. Ảnh: Đức Lam

Trung tá Trần Quang Cảnh: "Ngọn hải đăng" giữa biển khơi

Trên những nẻo đường biên giới, nơi sóng vỗ rì rào, có những con người âm thầm lặng lẽ góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Trung tá Trần Quang Cảnh, Hải đội trưởng Hải đội 2 (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) là một trong những tấm gương sáng như thế.

Tâm sự với chúng tôi, Trung tá Trần Quang Cảnh cho biết: Thực hiện nhiệm vụ ở cửa biển Kim Sơn có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn bởi các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng vừa làm nhiệm vụ tuần tra đối phó với những chuyến tàu chở hàng lậu vượt biên qua đường biển, vừa đấu tranh với hiện tượng tàu nước ngoài vi phạm chủ quyền Tổ quốc…

Có những lúc đơn vị phải thực hiện nhiệm vụ đột xuất, bí mật, trong điều kiện đêm tối, khí hậu thời tiết, thủy văn khắc nghiệt, hiểm nguy. Trong khi đó, trên địa bàn đơn vị quản lý vẫn còn xảy ra các vụ việc phức tạp như: tranh chấp khu vực nuôi trồng thủy sản; tệ nạn trộm cắp, đánh bạc…

Những khó khăn đó không cho phép người lính biên phòng, nhất là người chỉ huy được phép nản chí, phải không ngừng tự học, tự rèn luyện, bảo đảm thông thạo luật pháp quốc tế về biển, nâng cao khả năng lãnh đạo, tổ chức, ra quyết định nhanh chóng trong những tình huống phức tạp.

Trong thực hiện nhiệm vụ được giao, Trung tá Trần Quang Cảnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng cấp ủy, Ban Chỉ huy Hải đội 2 tham mưu với thủ trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trong lãnh đạo, chỉ huy, tổ chức quản lý bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới vùng biển của tỉnh, xử lý hiệu quả, kịp thời các vụ việc xảy ra.

Trong 10 năm qua, Hải đội trưởng Hải đội 2 Trần Quang Cảnh đã trực tiếp chỉ huy hàng chục biên đội tuần tra trên 10.000 hải lý, đấu tranh hiệu quả với tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền.

Đặc biệt, trong những tình huống khẩn cấp như tìm kiếm cứu nạn, anh luôn là người đi đầu, không ngại khó khăn, hiểm nguy, đã cùng với đồng đội kịp thời cứu nạn thành công hàng chục vụ, đảm bảo an toàn về người, hỗ trợ chủ phương tiện đưa tàu về bờ khắc phục hỏng hóc, giảm thiểu thiệt hại.

Trung tá Cảnh và đồng đội không chỉ thực hiện nhiệm vụ canh giữ biển trời của Tổ quốc mà còn là người bạn đồng hành của ngư dân. Anh thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, động viên bà con yên tâm bám biển, cùng lực lượng chức năng đấu tranh bảo vệ chủ quyền, góp phần bảo vệ ngư trường, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh.

Trung tá Trần Quang Cảnh (ngoài cùng bên trái) triển khai nhiệm vụ tổ tuần tra trên biển của Hải đội 2. Ảnh: Trường Giang.

 Trên cương vị là người chỉ huy, anh luôn quan tâm, động viên, tạo điều kiện để cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị phát huy hết khả năng của mình. Nhờ vậy, Hải đội 2 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được cấp trên và Nhân dân địa phương đánh giá cao.

Với những thành tích nổi bật trong công tác, năm 2019, Trung tá Trần Quang Cảnh đã vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2019. Ngoài ra, anh cũng nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của UBND tỉnh, huyện Kim Sơn và của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh.

Chia sẻ về kinh nghiệm công tác, Trung tá Trần Quang Cảnh cho biết: Học tập và làm theo Bác về tư tưởng "lấy dân là gốc", tôi luôn tâm niệm rằng, tất cả những việc mình làm, trong nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Tổ quốc đều xuất phát từ cuộc sống của Nhân dân. Lấy dân là gốc, tạo được lòng tin tuyệt đối ở Nhân dân là yếu tố quan trọng để cán bộ, chiến sĩ biên phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ. "Khiêm nhường, giản dị, gần gũi nhưng cũng rất quyết đoán" là những nhận xét của đồng đội dành cho đồng chí Hải đội trưởng Hải đội 2.

Với ngư dân ở vùng biển Kim Sơn, Trung tá Trần Quang Cảnh như một ngọn hải đăng giữa biển khơi, giữ trọn niềm tin nơi đồng đội và người dân, góp phần tô đẹp thêm truyền thống vẻ vang của người lính quân hàm xanh.

 Cựu chiến binh Lê Đức Vinh: Ý chí sắt thép, tấm lòng vàng

Trong các điển hình tiên tiến làm theo lời Bác có những câu chuyện rất cảm động. Đó là câu chuyện về ý chí, nghị lực của cựu chiến binh (CCB) Lê Đức Vinh, một tấm gương sáng về tinh thần tự lực, tự cường và lòng yêu nước, đã có những đóng góp to lớn cho quê hương. Ông hiện là Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng Phú Vinh, ở thôn Đam Khê Ngoài, xã Ninh Hải (Hoa Lư).

CCB Lê Đức Vinh chia sẻ: Năm 1971, tôi nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường Lào và bị thương năm 1972. Đến năm 1976, tôi xuất ngũ về quê hương với tỷ lệ thương tật là 81%. Sau đó tôi lập gia đình, cuộc sống gặp nhiều khó khăn do đông con, bản thân sức khỏe hay đau yếu do vết thương cũ thường xuyên tái phát lúc trái gió trở trời, khó khăn chồng chất khó khăn. Song tôi luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ "Thương binh tàn nhưng không phế", phải là tấm gương sáng cho các con noi theo.

ợt lên thương tật và những gian truân, CCB Lê Đức Vinh luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế cho gia đình. Ông không nề hà bất cứ công việc gì để có thêm thu nhập, từ nghề thợ xây, rồi đến bán hàng ăn. Chăm chỉ, năng động cùng với sự trợ giúp của người vợ tảo tần, cuộc sống của gia đình ông dần ổn định.

Song với ý chí, nghị lực của người lính Cụ Hồ, CCB Lê Đức Vinh vẫn muốn thử sức mình ở lĩnh vực mới. Năm 1989, nắm bắt chủ trương của tỉnh về đầu tư các công trình nước sạch để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân vùng nông thôn, được sự hỗ trợ, giúp đỡ tạo điều kiện của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh và chính quyền địa phương, được nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, ông đã mạnh dạn đầu tư 20 triệu đồng để xây dựng Trạm cấp nước máy mi ni, trước là phục vụ sinh hoạt trong gia đình, sau là phục vụ một số hộ dân lân cận.

Sau này, khi nhu cầu sử dụng nước sạch cho sinh hoạt của người dân và phục vụ du lịch ngày càng cao, ông Vinh đã quyết định đầu tư vốn để nâng cấp Trạm cấp nước sinh hoạt. Đến nay, toàn bộ hệ thống đã được xây dựng hoàn chỉnh với mức đầu tư trên 35 tỷ đồng đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân xã Ninh Hải, một số thôn của 2 xã lân cận là Ninh Thắng, Ninh Vân và Trại giam Ninh Khánh. Hiện Công ty tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động và gần 30 lao động thời vụ với mức lương từ 7-8 triệu đồng/ người/tháng.

Với tinh thần "Tương thân, tương ái", "Lá lành đùm lá rách", hàng năm, CCB Lê Đức Vinh đều dành một phần kinh phí để thăm hỏi, tặng quà cho các hội viên CCB gặp khó khăn, hộ nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2020, với mong muốn được tri ân những người đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, ông cùng với một số doanh nghiệp trên địa bàn đã huy động quyên góp ủng hộ xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo Nghĩa trang Liệt sĩ xã Ninh Hải với kinh phí đầu tư trên 3 tỷ đồng (trong đó gia đình CCB Vinh ủng hộ 250 triệu đồng).

Từ một người lính mang trong mình những vết thương chiến tranh, CCB Lê Đức Vinh đã không ngừng nỗ lực vươn lên trở thành một doanh nhân thành đạt. Cuộc đời ông là một câu chuyện truyền cảm hứng về ý chí sắt đá và nghị lực phi thường, biến những thách thức thành cơ hội để thành công, là tấm gương sáng trong thực hiện lời dạy của Bác: "Thương binh tàn nhưng không phế".

Xóm 11, xã Kim Định: Ngôi làng đoàn kết, tươi đẹp

Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, câu chuyện về những tập thể, cá nhân điển hình luôn là nguồn cảm hứng lớn lao. Xóm 11, xã Kim Định, huyện Kim Sơn là một trong những điển hình tiêu biểu. Nơi đây, những người dân bình dị đã và đang viết nên những kỳ tích mới, xây dựng một ngôi làng đoàn kết, ấm áp và tươi đẹp.

Nằm cách xa trung tâm xã, với hơn 200 hộ dân chủ yếu sống bằng nghề nông, xóm 11 từng đối mặt với nhiều khó khăn do địa hình chia cắt bởi các sông, ngòi. Vì vậy nơi đây từng được đánh giá là một trong những đơn vị khó khăn của xã. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, người dân nơi đây đã không ngừng nỗ lực để kiến thiết quê hương, đưa xóm 11 trở thành miền quê đáng sống.

Bí thư chi bộ xóm 11 Nguyễn Văn Huyến chia sẻ: Học tập và làm theo lời Bác, cấp ủy, chi bộ đã quán triệt tinh thần đoàn kết, nêu gương, trách nhiệm từ mỗi đảng viên cho đến mỗi người dân. Điểm nhấn trong quá trình xây dựng nông thôn mới của xóm 11 chính là sự đồng lòng, nhất trí cao của Nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên, Nhân dân đều coi việc xây dựng quê hương là trách nhiệm của mình.

Cầu 20 - cầu nối hai bờ sông Quạt đã trở thành minh chứng sống động cho tình đoàn kết của người dân xóm 11, xã Kim Định (Kim Sơn). Ảnh: Đinh Ngọc

 Tinh thần đoàn kết của xóm 11 thể hiện rõ qua từng hành động, từ việc dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm đến xây dựng các công trình như đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, nhà văn hóa... Với phương châm "Lợi ích của mỗi người dân đều gắn liền với sự phát triển của cộng đồng", "Đặt lợi ích của cộng đồng lên hàng đầu, cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp", cấp ủy, Chi bộ xóm 11 đã tập trung lãnh đạo, huy động được sự tham gia của đông đảo nhân dân vào quá trình xây dựng nông thôn mới. Các đảng viên với tinh thần "đảng viên đi trước, làng nước theo sau" đã tiên phong trong các hoạt động hiến đất, hiến ngày công, kinh phí… để đầu tư cải tạo, nâng cấp các công trình phúc lợi. Hiện nay, 100% các tuyến đường giao thông của xóm được bê tông hóa, nhựa hóa; nhà văn hóa xóm được xây dựng khang trang; 100% số nhà đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng; xóm không có hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người tăng cao.

Một trong những thành công nổi bật của Chi bộ xóm 11 là việc xây dựng mô hình "Khu dân cư đáng sống". Từ sự đóng góp của cả cộng đồng, năm 2024, một khu tiểu công viên của xóm rộng trên 400 m2 đã được hình thành với không gian xanh, sạch, đẹp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đặc biệt, năm 2018, cán bộ, đảng viên, Nhân dân xóm 11 đã tự thiết kế, góp công, góp của xây dựng cây cầu nối hai bờ sông Quạt (cầu 20). Sau 72 ngày đêm thi công, từ một cây cầu nhỏ hẹp, cây cầu đã hoàn thành vào cuối năm 2018 trong niềm vui, hạnh phúc của người dân. Cây cầu có chiều rộng 5m, dài trên 24m, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và phát triển kinh tế, trở thành biểu tượng tinh thần đoàn kết của người dân xóm 11.

Xóm 11 giờ đây đã được công nhận là khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và thành công với mô hình "Khu dân cư đáng sống". Thành công của xóm 11 cho thấy, khi mỗi cá nhân đều chung tay góp sức, hoàn toàn có thể xây dựng nên những ngôi làng đẹp, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Câu chuyện về xóm 11 đã truyền cảm hứng cho nhiều địa phương trong hành trình xây dựng những làng quê thực sự trở thành miền quê đáng sống.

Những câu chuyện về Trung tá Trần Quang Cảnh, CCB Lê Đức Vinh và khu dân cư xóm 11 là những minh chứng sinh động cho sức lan tỏa từ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hành trình học và làm theo lời Bác của họ đã truyền cảm hứng cho cộng đồng để tiếp tục cổ vũ, khơi dậy khát vọng xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website