Lan tỏa lối sống đẹp, cách làm hay trong đời sống xã hội

Bìa sách “Người tốt, việc tốt - nét đẹp từ những điều giản dị, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang biên soạn, phát hành.

Bác chỉ rõ tầm quan trọng của sách: “Những gương người tốt, làm việc tốt muôn hình, muôn vẻ là vật liệu quý để các chú xây dựng con người. Lấy gương tốt trong quần chúng nhân dân và cán bộ, đảng viên để giáo dục lẫn nhau còn là một phương pháp lấy quần chúng giáo dục quần chúng rất sinh động và có sức thuyết phục rất lớn”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định: “Người tốt, việc tốt nhiều lắm. Ở đâu cũng có. Ngành nào, giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có”.

Đối với các dân tộc phương Đông thì “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới.

Nhằm kịp thời tuyên truyền, lan tỏa những tấm gương trong cuộc sống đời thường, những công việc thầm lặng nhưng thực sự mang ý nghĩa lớn lao, có sự truyền cảm hứng, sức cổ vũ, lay động lòng người và có ảnh hưởng sâu sắc trong toàn xã hội, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang vừa xuất bản cuốn sách “Người tốt, việc tốt - nét đẹp từ những điều giản dị (tôn vinh các điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2022)”.

Nội dung cuốn sách gồm hai phần. Phần thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Kết luận số 01-KL/TW gắn với Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 4 khóa XIII. Phần thứ hai, lan tỏa những “bông hoa việc tốt”, tiêu biểu, điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Những tập thể, cá nhân được vinh danh là những điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác trên các lĩnh vực xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; quốc phòng, an ninh; thi đua lao động, sản xuất phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... Đó là những tấm gương về sự gương mẫu, trách nhiệm, tinh thần dám nghĩ, dám làm, nỗ lực vươn lên mọi khó khăn, gắng sức để cống hiến cho lợi ích cộng đồng, sự ổn định của xã hội, sự phát triển của tỉnh…

Đó là những nghĩa cử cao đẹp của cô Nguyễn Hồng Xuân - cán bộ Hội Chữ thập đỏ phường An Bình, TP. Rạch Giá; chị Đinh Thị Thanh Thúy, ngụ khu phố 2, phường Dương Đông, TP. Phú Quốc; nông dân Nguyễn Văn Lẹ (80 tuổi), ngụ ấp Mương Chùa, xã Tây Yên A , huyện An Biên; ông Nguyễn Văn Ngọ, ngụ ấp Kinh Làng Đông, xã Đông Thái, huyện An Biên; doanh nhân Vũ Duy Thành, ngụ xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp; Thượng tọa Thích Đạo Chấn, xã Đông Hưng, huyện An Minh… đã tự nguyện đóng góp và vận động hàng tỷ đồng cùng địa phương thực hiện công tác an sinh xã hội.

Hay hình ảnh những cán bộ, đảng viên truyền cảm hứng cho mọi người bằng việc nêu gương, ngoài hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, dân vận… còn luôn hướng về cộng đồng, vì người dân bằng những việc làm, nghĩa cử cao đẹp.

Đó là cô giáo Nguyễn Thị Mai, Trường Tiểu học An Thới 1, TP. Phú Quốc; thầy Dương Văn Bình, Trường Trung học cơ sở Kiên Lương 1, huyện Kiên Lương; Thiếu tá Nguyễn Tấn Đậu - Công an huyện Giồng Riềng; đồng chí La Minh Nhòa - Đồn Biên phòng Thổ Châu, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang; đồng chí Phạm Thị Cẩm Hà - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện An Minh;

Đồng chí Lưu Văn Quang - Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Rạch Giá; đồng chí Trần Thị Tuyết Nhung - cán bộ trẻ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Kiên Giang; y sĩ Nguyễn Trung Kiên - Trung tâm Y tế huyện Giang Thành; đồng chí Đỗ Văn Thân - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Dương Tơ, TP. Phú Quốc…

Đó còn là những mô hình, cách làm hay, sáng tạo của tập thể cơ quan, đơn vị, địa phương như viên chức Báo Kiên Giang trích từ tiền lương hàng tháng góp phần nhận phụng dưỡng đến cuối đời hai Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Chi bộ ấp Bãi Thơm, xã Bãi Thơm, TP. Phú Quốc luôn lấy phương châm đảng viên đi trước để nêu gương trong vận động người dân xây dựng nông thôn mới.

Các đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh lan tỏa việc làm vì dân bằng các mô hình như nắm gạo tình thương, Tết quân - dân; tiếp bước em đến trường, tấm lòng chiến sĩ. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện U Minh Thượng với mô hình quỹ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, thoát nghèo. Đội thiện nguyện ấp Kinh Xuôi, xã Ngọc Thành, huyện Giồng Riềng tự nguyện góp nhiều công sức xây dựng nhà cho người nghèo, xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn…

Họ chính là những bài “diễn văn tuyên truyền” thuyết phục, ấn tượng, sinh động nhất, lan tỏa lối sống đẹp, cách làm hay trong đời sống xã hội.

Bác Hồ kính yêu từng nói “càng có nhiều người làm việc tốt thì những hành động cá nhân chủ nghĩa như lười biếng, tham ô, lãng phí, quan liêu, bè phái, thiếu dân chủ, làm việc tản mạn không có kế hoạch... sẽ ngày càng ít đi”. Và theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 13-1-1969, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 168-CT/TƯ về việc bồi dưỡng và noi gương người tốt, việc tốt.

Chỉ thị ghi rõ: “Việc noi gương và cổ vũ người tốt, việc tốt không những có ý nghĩa động viên mọi người hoàn thành các nhiệm vụ cách mạng trước mắt mà còn là một trong những biện pháp cơ bản để xây dựng Đảng và các lực lượng nòng cốt của cách mạng, xây dựng con người mới và cuộc sống mới”.

Ngày 5-1-2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn số 682-CV/TU về phát hiện, xây dựng, biểu dương, nhân rộng kịp thời các điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công văn nhấn mạnh nhằm tiếp tục đưa việc học tập và làm theo Bác ngày càng thiết thực, hiệu quả, tiếp nối tư tưởng của Bác về việc tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng những tấm gương người tốt, việc tốt trong tỉnh thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức Đảng chỉ đạo phát hiện, xây dựng, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng kịp thời mô hình, điển hình trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Mỗi tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị phải xây dựng, duy trì và nhân rộng từ 1-2 điển hình về học tập và làm theo Bác, trong đó có ít nhất 1 điển hình là lãnh đạo cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Mỗi địa bàn dân cư (khu phố, ấp) có ít nhất 2 điển hình trong học tập và làm theo Bác; trên cơ sở đó nhân rộng, lan tỏa sâu rộng, tích cực... 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website