Làm theo lời Bác, Học viện Biên phòng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “… phải ra sức xây dựng Quân đội ta thành một Quân đội nhân dân hùng mạnh, một Quân đội cách mạng tiến lên chính quy và hiện đại”1 và lời Bác dạy đối với Bộ đội Biên phòng: “Đoàn kết, cảnh giác; liêm, chính, kiệm, cần; hoàn thành nhiệm vụ, khắc phục khó khăn, dũng cảm trước địch, vì nước quên thân, trung thành với Đảng, tận tụy với dân”2, những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Biên phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo lời Bác gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực. Theo đó, các hoạt động dạy - học, quản lý, rèn luyện được tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc; công tác phối hợp đào tạo được mở rộng; nội dung, chương trình đào tạo được rà soát, điều chỉnh, cập nhật, bổ sung, bảo đảm sát với thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được kiện toàn, cơ bản đủ số lượng, bảo đảm chất lượng và từng bước chuẩn hóa; công tác nghiên cứu khoa học đi vào nền nếp, có chiều sâu3. Hằng năm, các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn tại Học viện luôn có 100% học viên đủ điều kiện tốt nghiệp; trong đó có 80% - 86% khá, giỏi. Học viên tốt nghiệp ra trường có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.


Thủ trưởng Học viện trao bằng tốt nghiệp cho học viên các khóa đào tạo. Ảnh: qdnd.vn

Hiện nay, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, trên cơ sở quán triệt Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương; Nghị quyết số 776-NQ/ĐU, ngày 24/3/2023 của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng về đổi mới công tác giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện xác định tiến hành đồng bộ, toàn diện các giải pháp; trong đó, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả việc học tập, làm theo lời Bác gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo là giải pháp trọng tâm, tạo động lực để Học viện thực hiện thắng lợi nhiệm vụ.

Quán triệt và thực hiện lời dạy của Bác: “tư tưởng thông suốt thì làm tốt, tư tưởng nhùng nhằng thì không làm được việc”4, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện coi trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ về mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới, nhất là nhận thức, trách nhiệm của cán bộ chủ trì, người đứng đầu các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị về mục đích, ý nghĩa, nội dung, yêu cầu của việc học và làm theo Bác gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Để đạt hiệu quả cao, Học viện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, bảo đảm linh hoạt, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, như: thông qua sinh hoạt, các thiết chế văn hóa, trên website, trong quá trình giảng dạy, tập huấn,... của Học viện. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp nắm, quản lý, định hướng tư tưởng, kịp thời phê bình, uốn nắn những nhận thức sai trái, lệch lạc, bệnh hình thức trong giáo dục, đào tạo. Tiếp tục phát huy vai trò Ban Chỉ đạo 35, lực lượng 47,... trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và bồi dưỡng cho cán bộ, học viên bản lĩnh chính trị, kỹ năng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Qua đó, xây dựng động cơ phấn đấu, quyết tâm hoàn thành tốt nội dung, chỉ tiêu giáo dục, đào tạo, góp phần xây dựng cho học viên sau khi ra trường có bản lĩnh chính trị vững vàng, không sa ngã trước mọi cám dỗ.

Nhận thức sâu sắc lời dạy của Bác: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”5, “… nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục”6, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Bên cạnh việc gửi cán bộ, giảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng ở các nhà trường trong và ngoài Quân đội, Học viện thường xuyên tổ chức các hội thi cán bộ, giảng viên dạy giỏi; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ biên phòng, phương pháp sư phạm, ngoại ngữ, tin học để nâng cao trình độ, năng lực toàn diện; coi trọng việc xây dựng phẩm chất, đạo đức “liêm, chính, kiệm, cần” cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Động viên, khuyến khích tinh thần tự học tập, tự nghiên cứu, tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi để mỗi cán bộ, giảng viên phấn đấu vươn lên; quan tâm chế độ, chính sách, thu hút cán bộ có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn về công tác. Đồng thời, tiến hành rà soát, thực hiện luân chuyển, đưa cán bộ, giảng viên đi thực tế cơ sở, nhất là tham gia giải quyết các “điểm nóng” xảy ra trên địa bàn, phối hợp với các lực lượng trong phòng, chống ma túy, v.v. Nhờ đó, trình độ, kiến thức thực tiễn của cán bộ, giảng viên không ngừng được nâng lên, tạo cơ sở để Học viện phấn đấu đến năm 2030 có 100% nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn theo quy định, trên 85% đã qua thực tế ở cơ sở; 30% giáo viên và 10% cán bộ quản lý giáo dục có trình độ tiến sĩ; 15 đến 20 phó giáo sư, nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân7. Đây là nguồn lực quan trọng, làm nòng cốt để Học viện đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong giai đoạn mới.

Thấm nhuần lời dạy của Bác: “kết hợp chặt chẽ giữa học và hành, lý luận gắn liền với thực tiễn”8, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện thường xuyên chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa”. Thực hiện phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị”, Học viện chủ trương “đưa biên giới vào trong lòng Học viện, đưa nội dung huấn luyện ở nhà trường sát với thực tiễn công tác, chiến đấu của Bộ đội Biên phòng trên các tuyến biên giới”; triển khai hiệu quả việc “dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất”. Nội dung, chương trình đào tạo các đối tượng thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung theo hướng giảm thời gian lên lớp lý thuyết, tăng thời gian huấn luyện thực hành, huấn luyện đêm, sát thực tiễn nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng; kiên quyết đưa ra khỏi chương trình đào tạo những đơn vị kiến thức đã lạc hậu, thông tin không thiết thực, xa thực tiễn9. Bên cạnh đó, Học viện mời chuyên gia tham gia giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm; phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh cử cán bộ về Học viện báo cáo chuyên đề, nhằm trang bị thêm kiến thức thực tiễn cho cán bộ, giảng viên và học viên. Thông qua đó, gắn liền công tác giáo dục, đào tạo của Học viện sát với thực tiễn quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo lên một bước mới.

Khắc ghi lời Bác: “Quyết tâm đi sâu vào khoa học - kỹ thuật và nghiệp vụ, phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ra sức học tập và vận dụng tốt sáng kiến và kinh nghiệm tiên tiến”10, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện thường xuyên đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Để đạt hiệu quả, Học viện thường xuyên kiện toàn, phát huy vai trò của các hội đồng khoa học; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; liên kết chặt chẽ với các trường, cơ sở nghiên cứu khoa học trong và ngoài Quân đội. Công tác nghiên cứu khoa học trong Học viện được xây dựng, triển khai chặt chẽ đến từng cán bộ, giảng viên, học viên; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy với kết quả nghiên cứu của đơn vị mình. Các cơ quan, khoa giáo viên tích cực, chủ động nghiên cứu, ứng dụng thành tựu về công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng, công nghệ số,... vào quá trình giáo dục, đào tạo. Qua đó, từng bước xây dựng Học viện thông minh, hiện đại, có hệ thống phát triển bảo đảm tương xứng, hiệu quả, trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học có uy tín của Bộ đội Biên phòng và Quân đội.

Thực hiện lời dạy của Bác: “Văn hóa giáo dục phải phát triển mạnh để phục vụ yêu cầu của cách mạng”11, Học viện chú trọng xây dựng môi trường văn hóa sư phạm mẫu mực và luôn xem đó là cơ sở, động lực để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Để làm được điều đó, Học viện thường xuyên chăm lo xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp, lành mạnh, nhất là sự đoàn kết chân thành, giúp đỡ nhau giữa cấp trên với cấp dưới, giữa giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục với học viên. Kết hợp chặt chẽ việc học và làm theo Bác với phong trào Thi đua Quyết thắng, các cuộc vận động, phong trào của các cấp, ngành. Duy trì hiệu quả các phong trào, mô hình như: “Giờ giảng mẫu”; “Bài giảng mẫu”; “Tuần dạy học kiểu mẫu”; “Tuổi trẻ Học viện Biên phòng rèn đức, luyện tài, xung kích, sáng tạo, quyết thắng; xây dựng Học viện chính quy, tiên tiến, mẫu mực”, v.v. Bên cạnh đó, Học viện tập trung nguồn lực đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo; khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống giảng đường, thao trường, trung tâm điều hành huấn luyện, thư viện điện tử vào dạy, học, nghiên cứu khoa học, quản lý, điều hành huấn luyện; củng cố cảnh quan xanh, sạch, đẹp,... góp phần xây dựng môi trường văn hóa sư phạm lành mạnh, Học viện chính quy, mẫu mực.

Học tập và làm theo Bác gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở Học viện Biên phòng không chỉ là một chủ trương, giải pháp mà đã, đang trở thành phong trào hành động sâu rộng, thiết thực, hiệu quả. Qua đó, góp phần quan trọng xây dựng Học viện vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ Bộ đội Biên phòng “Vì nước quên thân, trung thành với Đảng, tận tụy với dân” như lời Bác Hồ dạy.

___________________        

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 11, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 585.

2 - SđdTập 7, tr. 407.

3 - 100% giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ đại học trở lên, trong đó, có 10 phó giáo sư, 72 tiến sĩ, 174 thạc sĩ; 100% có trình độ A về ngoại ngữ, tin học. Từ năm 2016 đến nay, Học viện có trên 550 đề tài khoa học các cấp được nghiệm thu, trong đó có 01 đề tài cấp Nhà nước.

4 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 9, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 390.

5 - SđdTập 5, tr. 309.

6 - SđdTập 10, tr. 345.

7 - Nghị quyết số 415-NQ/ĐU, ngày 26/5/2023 của Đảng ủy Học viện Biên phòng về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

8 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 26.

9 - Riêng năm học 2023 - 2024, Học viện đã bổ sung, điều chỉnh nội dung 16 chương trình; xây dựng chuẩn đầu ra 10 chương trình đào tạo đại học, đào tạo theo chức vụ; dự thảo 03 chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.

10 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011,  tr. 111.

11 - Sđd, Tập 12, tr. 647.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website