Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là vấn đề mang tính động lực, tạo sức mạnh tổng hợp để từng cơ quan, đơn vị vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đối với Lữ đoàn Đặc công Biệt động 1 - đơn vị làm “công tác đặc biệt” thì thực hiện tốt nội dung này nói chung, trong nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu nói riêng càng có ý nghĩa quan trọng, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả.
Lữ đoàn Đặc công Biệt động 1 (tiền thân là Tiểu đoàn Đặc công Biệt động 1) được thành lập ngày 15/4/1968 và trở thành một trong ba lực lượng nòng cốt của Binh chủng Đặc công, đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức lực lượng và nghệ thuật tác chiến của Bộ đội Đặc công, đáp ứng đòi hỏi bức thiết của nhiệm vụ tác chiến trong giai đoạn mới. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải có cố gắng đặc biệt... Bất kỳ nhiệm vụ gì, bất kỳ nhiệm vụ đặc biệt nào cũng phải hoàn thành và hoàn thành cho tốt”1, suốt chặng đường 55 năm xây dựng, chiến đấu và phát triển, với cách đánh “xuất quỷ, nhập thần”, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn luôn phát huy tinh thần cách mạng tiến công, đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động, kiên cường bám trụ địa bàn, chủ động, mưu trí, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước tin tưởng, nhân dân quý mến, bạn bè kính trọng, kẻ thù khiếp sợ. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Lữ đoàn được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2008), Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (năm 2023) và nhiều phần thưởng cao quý2.
|
Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Binh chủng trao Cờ của Bộ Quốc phòng tặng danh hiệu “Đơn vị huấn luyện Giỏi” năm 2022 cho Lữ đoàn |
Hiện nay, trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ của Lữ đoàn có sự phát triển, nhất là nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu theo các phương án A2; phòng, chống khủng bố, bảo vệ những mục tiêu trọng yếu cùng các sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, v.v. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn chủ trương: đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên tất cả các mặt công tác, tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đơn vị; trong đó, tập trung đột phá học tập và làm theo Bác về nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu là nội dung rất quan trọng, cần được triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả.
Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn học tập có kết quả tốt thì phải có thái độ đúng”3, Lữ đoàn tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ đối với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Theo đó, các cơ quan, đơn vị chú trọng giáo dục, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ các nghị quyết, chỉ thị, chỉ lệnh của trên về công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Qua đó, thống nhất nhận thức, xây dựng quyết tâm, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn Lữ đoàn về điều kiện hoạt động đặc thù của lực lượng Đặc công Biệt động với đối tượng huấn luyện có độ tuổi không đồng đều, nội dung huấn luyện nhiều, cường độ huấn luyện cao, một số chuyên ngành tính chất phức tạp, nguy hiểm, vừa phải huấn luyện, vừa thực hiện nhiệm vụ trong môi trường khắc nghiệt, diễn ra cả trên bộ và trên không. Hiện nay, thực hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn của trên, Đơn vị đẩy mạnh quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo; tăng cường giáo dục cho bộ đội nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; nắm chắc đặc điểm nhiệm vụ, nội dung, chương trình, chỉ tiêu, yêu cầu cần đạt được. Trong quá trình thực hiện, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị chú trọng đổi mới mạnh mẽ hình thức, phương pháp giáo dục theo hướng thực chất, hiệu quả, phù hợp với đối tượng, nhiệm vụ, địa bàn tác chiến. Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục cơ bản với giáo dục theo chuyên đề, chủ đề; giáo dục thường xuyên với giáo dục nhiệm vụ huấn luyện từng tháng, giai đoạn và nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, nhiệm vụ đột xuất; giáo dục với quản lý, định hướng tư tưởng cho bộ đội; thường xuyên nắm chắc chất lượng chính trị của các đối tượng huấn luyện; giải quyết kịp thời, thấu đáo những vấn đề nảy sinh. Đồng thời, tiến hành tốt hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu,... tạo môi trường văn hóa lành mạnh, dân chủ để bộ đội yên tâm công tác, tâm huyết, trách nhiệm, gắn bó xây dựng đơn vị. Từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm đúng đắn, xây dựng quyết tâm, niềm tin chiến thắng cho cán bộ, chiến sĩ; tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức và hành động; khắc phục khó khăn, vượt qua nguy hiểm, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trọng tâm: huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Làm theo lời Bác: “Bất cứ làm gì cũng đều phải chuẩn bị cho tốt”4, Lữ đoàn hết sức coi trọng công tác chuẩn bị, bảo đảm phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng đặc biệt và luôn xem đó là vấn đề quan trọng hàng đầu. Để thực hiện tốt nội dung này trong điều kiện trang bị kỹ thuật chưa đồng bộ, thao trường huấn luyện chật hẹp, cán bộ trực tiếp huấn luyện có thời điểm còn thiếu, kinh nghiệm chưa nhiều, yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi cao,... Lữ đoàn đã chủ động đầu tư mua sắm, tu sửa, nâng cấp, làm mới các loại vật chất, học cụ huấn luyện đúng, đủ số lượng theo quy định. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với đơn vị bạn, địa phương để bảo đảm thao trường, bãi tập cho các đơn vị huấn luyện theo yêu cầu của từng nội dung, khoa mục. Tăng cường kiểm tra, kiểm định, giám sát chất lượng các loại trang bị kỹ thuật theo tiêu chuẩn, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong huấn luyện. Cùng với công tác chuẩn bị vật chất, thao trường huấn luyện, chuẩn bị yếu tố con người được Lữ đoàn xác định là khâu then chốt. Do vậy, Lữ đoàn coi trọng kiện toàn tổ chức biên chế các đơn vị trước và trong suốt quá trình huấn luyện, phù hợp điều kiện tác chiến mới, ưu tiên đơn vị huấn luyện theo nhiệm vụ chống khủng bố. Thực hiện tốt việc luân chuyển cán bộ giữa cơ quan và đơn vị, phân công cán bộ huấn luyện quân sự, giảng dạy chính trị chặt chẽ, phù hợp theo khả năng từng người. Trong đó, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ trực tiếp huấn luyện có trình độ, năng lực toàn diện; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực huấn luyện, quản lý, duy trì đơn vị sẵn sàng chiến đấu cho đội ngũ cán bộ trước khi bước vào huấn luyện, nhất là cán bộ trực tiếp huấn luyện, cán bộ mới ra trường. Nội dung tập huấn, bồi dưỡng tập trung vào các vấn đề chưa thống nhất, nội dung, khoa mục mới, khó, nguy cơ mất an toàn cao, v.v. Nhờ đó, 100% cán bộ huấn luyện được theo phân cấp, trong đó 80% cán bộ đội (đại đội), 75% cán bộ mũi (trung đội) đạt khá, giỏi (trên 50% giỏi).
Khắc ghi lời Bác Hồ dạy: huấn luyện “Cốt thiết thực chu đáo hơn tham nhiều”5, Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực đổi mới nội dung, chương trình, tổ chức và phương pháp huấn luyện. Hằng năm, bám sát “Chương trình huấn luyện cơ bản các đơn vị Đặc công”, các cơ quan, đơn vị xác định nội dung, chương trình huấn luyện bảo đảm toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát đối tượng, địa bàn tác chiến trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Vận dụng và phát triển sáng tạo nghệ thuật tác chiến đặc công nói chung, Đặc công Biệt động nói riêng trong từng khoa mục; tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện chống khủng bố, huấn luyện theo nhiệm vụ, lấy huấn luyện tổ, mũi làm trung tâm, huấn luyện cán bộ là khâu then chốt. Tổ chức huấn luyện cho các đối tượng theo đúng phương châm “Cơ bản - Thiết thực - Vững chắc”, vận dụng linh hoạt các quan điểm, nguyên tắc, mối kết hợp trong huấn luyện, tăng cường huấn luyện thực hành, huấn luyện đêm; tập trung huấn luyện nâng cao khả năng cơ động trong điều kiện dã ngoại dài ngày; kết hợp giữa huấn luyện với rèn luyện thể lực, cường độ cao qua các loại địa hình, phù hợp với tổ chức, biên chế và trang bị kỹ thuật, chức năng và yêu cầu nhiệm vụ của từng đơn vị, nhằm nâng cao khả năng sinh tồn, sát thực tế chiến đấu cho bộ đội. Qua huấn luyện, diễn tập, cán bộ, chiến sĩ đều khai thác, sử dụng, làm chủ các loại trang bị kỹ thuật trong biên chế; nắm chắc và thuần thục kỹ thuật, chiến thuật đặc công, giỏi về nghiệp vụ biệt động, kỹ thuật cá nhân về bắn súng, võ, điều lệnh, thể lực, hành quân xa mang vác nặng, hiệp đồng trong đội hình cấp trên được nâng lên. Hằng năm, kết quả kiểm tra 100% các nội dung, đề mục đạt yêu cầu, có trên 75% đạt khá, giỏi (trên 50% giỏi), bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và trang bị kỹ thuật. Ba năm liên tục (từ năm 2020 đến năm 2022), Lữ đoàn được Bộ Quốc phòng tặng danh hiệu “Đơn vị huấn luyện Giỏi”.
Cùng với tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống. Thấu triệt chỉ huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “phải luôn luôn nâng cao cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu, đập tan mọi âm mưu của địch”6, Lữ đoàn thường xuyên quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ thị, mệnh lệnh sẵn sàng chiến đấu của cấp trên. Chủ động hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt công tác nghiên cứu, nắm chắc tình hình địa bàn, khu vực mục tiêu tác chiến được giao; thường xuyên kiểm tra, rà soát, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung kịp thời kế hoạch, phương án tác chiến theo các nhiệm vụ và tổ chức luyện tập đạt chất lượng tốt. Các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm túc, chặt chẽ, có nền nếp chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chuyên môn; thường xuyên tổ chức luyện tập các phương án, chống khủng bố, phòng, chống cháy nổ; duy trì các kíp tuần tra, canh gác, bảo đảm an toàn khu vực đơn vị đóng quân, nhất là trong các ngày nghỉ, dịp lễ, Tết, các sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước, Quân đội và các hoạt động đối ngoại. Qua kiểm tra của cấp trên, Lữ đoàn được đánh giá đủ khả năng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ khi có tình huống.
Phát huy kết quả đã đạt được, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công Biệt động 1 tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực; góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tạo cơ sở vững chắc để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Lữ đoàn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, không bị động bất ngờ trong mọi tình huống.
_______________
1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 319 - 320.
2 - Lữ đoàn và 03 tập thể, 04 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 07 Huân chương Quân công, 02 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, v.v.
3 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 116.
4 - Sđd, tr. 684.
5 - Sđd, Tập 6, tr. 357.
6 - Sđd, Tập 14, tr. 179.
Đại tá TẠ THÀNH TRUNG, Lữ đoàn trưởng
Theo http://tapchiqptd.vn