Vận dụng và phát huy những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, Vĩnh Phúc đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và phúc lợi cho nhân dân, đảm bảo mọi người đều được hưởng những thành quả của sự phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan thăm, động viên trẻ em tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí, phường Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên. Ảnh: Khánh Linh
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. Sinh thời, Bác từng nhắc nhở: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy, cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân”.
Trước lúc đi xa, Người căn dặn trong di chúc: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân...". Khắc ghi lời dạy của Người về công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân và lời căn dặn khi Bác về thăm Vĩnh Phúc “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”, bên cạnh những nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế, công tác an sinh xã hội luôn được Vĩnh Phúc xác định là nhiệm vụ trọng tâm, với mục tiêu nhất quán, xuyên suốt là cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, tăng phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và không để bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau.
Ngay sau khi tái lập tỉnh (năm 1997), một trong những chủ trương lớn đầu tiên của Vĩnh Phúc là xây dựng nghị quyết về việc thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, đưa công tác này trở thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.
Qua các thời kỳ, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, công tác an sinh xã hội, nâng cao chất lượng sống cho nhân dân ngày càng được tỉnh chú trọng và đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; hệ thống các chính sách an sinh xã hội của tỉnh ngày càng đồng bộ và hoàn thiện trên các lĩnh vực, nguồn lực không ngừng tăng.
Năm 2019, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 33 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Theo đó, chính sách an sinh xã hội được tỉnh triển khai đồng bộ trên cả 3 mặt: Giúp các đối tượng thụ hưởng tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng (y tế, giáo dục, dạy nghề...); hỗ trợ sản xuất (thông qua các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bảo đảm việc làm...); phát triển cơ sở hạ tầng cho các địa phương.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nêu rõ một trong những định hướng phát triển của Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2025 là: “Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội".
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân trên địa bàn tỉnh, ngày 12/2/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12 về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến 2030 với quan điểm: Không ngừng cải thiện, nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng bộ, chính quyền, của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh và toàn xã hội...
Cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về công tác an sinh xã hội, từ khi tái lập tỉnh đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 30 nghị quyết về an sinh xã hội và hiện nay có 15 nghị quyết còn hiệu lực, đang được triển khai, thực hiện trên toàn tỉnh.
Các nghị quyết về an sinh xã hội do HĐND tỉnh ban hành phù hợp với từng đối tượng, từng vùng miền, điều kiện thực tiễn của tỉnh, có tính đột phá riêng, diện bao phủ ngày càng mở rộng và đi vào cuộc sống. Qua đó, đã tạo điều kiện để người dân cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao thu nhập.
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Vĩnh Phúc vẫn luôn ưu tiên nguồn lực cho các chính sách an sinh xã hội và chương trình giảm nghèo, tập trung cho khu vực nông thôn và vùng dân tộc thiểu số, mở rộng các chính sách hỗ trợ đối tượng cận nghèo và mới thoát nghèo.
Hiện nay, mức chuẩn trợ giúp xã hội của tỉnh cao hơn 1,24 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội do Trung ương quy định và nằm trong 4 tỉnh, thành phố có mức chuẩn trợ giúp xã hội cao nhất cả nước. Toàn tỉnh có hơn 43.800 đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng; hơn 1.600 người cao tuổi từ đủ 70 đến 80 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, không có lương hưu được hưởng trợ cấp hằng tháng.
Trung bình mỗi năm, tỉnh giải quyết việc làm mới cho hơn 24.000 lượt lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh nguồn vốn ưu đãi theo hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, tỉnh thực hiện ủy thác nguồn vốn từ ngân sách địa phương để thực hiện các chương trình an sinh xã hội…
Vận dụng và phát huy những giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm không ngừng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân; quan tâm dành nguồn lực và đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực an sinh xã hội; xây dựng hệ thống an sinh xã hội đồng bộ, nhất là các chính sách về tạo việc làm, bảo đảm thu nhập cho người dân, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho các đối tượng và vùng đặc thù…
Lê Mơ
Theo http://baovinhphuc.com.vn