Khắc ghi lời Bác dạy: “Suy - Nghĩ - Kỹ”
.
 
 
<span style="color:#000099;"><img alt="<span style=&quot;color:#000099;&quot;><img hideimage=&quot;hidemobile&quot; data-cke-saved-src=&quot;https://baonamdinh.vn/file/e7837c02816d130b0181a995d7ad7e96/032023/anh_dai_dien_20230322144120.jpg&quot; src=&quot;https://baonamdinh.vn/file/e7837c02816d130b0181a995d7ad7e96/032023/anh_dai_dien_20230322144120.jpg&quot; style=&quot;float: center;width: 2133px;&quot;></span>" hideimage="hidemobile" src="https://baonamdinh.vn/file/e7837c02816d130b0181a995d7ad7e96/032023/anh_dai_dien_20230322144120.jpg" style="float: center;width: 2133px;"></span>
 

Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Kim Liên vinh dự 4 lần được gặp Bác Hồ. Bà cũng là người ngâm bài thơ chúc Tết cuối cùng của Hồ Chủ tịch (năm 1969); được cố Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Xuân Thủy tặng bài thơ “Đóa sen hồng” với những câu thơ: “Kim Liên như đóa sen hồng/ Nam Hà như nước hồ trong mùa hè...”. Bên ấm trà xanh chiều đầu xuân Quý Mão, chúng tôi lại được nghe NSND Kim Liên thể hiện khúc ngâm "Chào Xuân 69" của Hồ Chủ tịch rưng rưng xúc động, tự hào: "... Tiến lên chiến sĩ, đồng bào/ Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn".

BÁC HỒ BẮT NHỊP BÀI CA KẾT ĐOÀN

 

Trò chuyện với chúng tôi, nghệ sĩ Kim Liên xúc động nhớ lại: “Lần đầu tiên tôi được gặp Bác, đó là ngày 21-5-1963, khi Bác về thăm Nam Định, tôi vào vai Tâm trong trích đoạn chèo “Cuộc đời theo Đảng” (vở chèo “Chị Tâm bến Cốc” của tác giả Tào Mạt) diễn cho Bác và đoàn công tác xem. Lần thứ hai vào ngày 21-12-1968 tại Phủ Chủ tịch, khi ấy tôi đã ngâm các đoạn trích “Kiều gặp Kim Trọng”, “Kiều ở lầu Ngưng Bích” cho Bác nghe. Lần thứ ba, may mắn hơn nữa là tôi lại được Bác chọn là người ngâm bài thơ chúc Tết Kỷ Dậu 1969 của Người phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam với lý do “giọng Kim Liên trong sáng, thể hiện đúng ý thơ của Bác”. Lần cuối cùng vào ngày 16-7-1969, tôi vinh dự được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người và được ăn cơm cùng với Bác”.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với diễn viên Đoàn Văn công tỉnh Nam Định, ngày 21-5-1963.

 

Với NSND Kim Liên, để có niềm vinh dự được Bác Hồ chọn ngâm bài thơ chúc Tết "Chào Xuân 69" là cả một quá trình sự không ngừng rèn luyện, phấn đấu, gìn giữ chất giọng "thiên phú", vươn lên trong lao động sáng tạo nghệ thuật. Bà chia sẻ: Tháng 5-1963, Bác Hồ về thăm Nam Định. Tỉnh ủy chỉ đạo Đoàn Văn công nhân dân biểu diễn phục vụ Bác trích đoạn “Cuộc đời theo Đảng” trong vở chèo “Chị Tâm bến Cốc” của Tào Mạt; nghệ sĩ Kim Liên thủ vai cô Tâm. Kết thúc đoạn diễn, Bác Hồ tặng Kim Liên bó hoa, khen chị đóng vai cô Tâm rất giỏi và Người gọi chị là “Đóa sen vàng”. Người dặn: “Bác mong cháu cố gắng để làm được như cô Tâm!”.

 

Phân đoạn trong bộ phim sân khấu "Trần Quốc Toản ra quân" của đạo diễn Bạch Diệp năm 1971.

 

Những kỷ niệm sâu sắc một thời cứ ùa về trong nỗi bồi hồi. Bà kể tiếp: Đầu năm 1966, sau khi hợp nhất hai tỉnh Nam Định và Hà Nam thành tỉnh Nam Hà, Đoàn Chèo Nam Hà chính thức được ra đời. Vở chèo "Trần Quốc Toản ra quân" là vở diễn đầu tiên của tập thể diễn viên Đoàn mới. Vở chèo với đề tài lịch sử, được dàn dựng biểu diễn trong bối cảnh đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất nên không chỉ có chủ đề tư tưởng mà cả tính thời sự sâu sắc. 

 

Năm 2015, NSNS Kim Liên vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”.
Năm 2015, NSND Kim Liên vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lúc này, chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước. Tất cả chúng ta hãy đoàn kết nhất trí, triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, ngày 22-3-1965, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động phong trào phụ nữ “Ba đảm nhiệm” với nội dung: Đảm nhiệm sản xuất, công tác, thay thế cho nam giới đi chiến đấu; đảm nhiệm gia đình, khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu; đảm nhiệm phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết. Sau đó phong trào đã được Bác Hồ đổi tên thành “Ba đảm đang”. Tại Nam Định, phong trào "Ba đảm đang" đã nhanh chóng phát triển thành cao trào cách mạng sôi nổi, rộng lớn, huy động được hết thảy chị em từ nông thôn tới thành thị, trên mọi lĩnh vực hoạt động, công tác hưởng ứng. Chính vì vậy, khi dàn dựng vở diễn “Trần Quốc Toản ra quân”, đạo diễn Đoàn Bá đã quyết định chọn các nữ nghệ sĩ để đóng vai chính và nhân vật trung tâm (các vai nam) nhằm cụ thể hoá phong trào “Ba đảm đang”, cổ vũ kịp thời tinh thần kháng chiến vệ quốc, góp phần giành thắng lợi trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất. Hai nhân vật chính của vở chèo là Trần Quốc Toản và Thế Tử do hai nữ diễn viên trẻ Thuý Ngân và Kim Liên thể hiện. Thế Tử là nhân vật phản diện, đối lập với tính cách, phẩm chất anh hùng nguyện xả thân vì Tổ quốc của Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản. Để thể hiện tốt vai diễn này, đòi hỏi các nữ diễn viên phải có giọng hát khoẻ, sáng, đài từ đẹp, lối diễn sáng tạo, linh hoạt nhằm lột tả “cái hồn” tính cách nhân vật khác giới và chủ đề tư tưởng của vở diễn. Nhận vai diễn, ngoài sự chỉ bảo ân cần của đạo diễn, nghệ sĩ Kim Liên và Thuý Ngân quyết tâm luyện tập, dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận tìm ra cách diễn phù hợp, hiệu quả. 

 

NSND Kim Liên (vai Thế Tử) trong bộ phim sân khấu "Trần Quốc Toản ra quân" của đạo diễn Bạch Diệp năm 1971.

 

Vở chèo “Trần Quốc Toản ra quân” ra mắt công chúng đã gây tiếng vang lớn; được đi biểu diễn phục vụ bộ đội, nhân dân các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Ninh Bình, Thái Bình, Cao Bằng, Quảng Ninh… Ngày 20-12-1968, bốn nữ diễn viên của Đoàn Chèo Nam Hà là Kim Liên (vai Thế Tử), Thuý Ngân (vai Trần Quốc Toản), Hồng Lê (vai Cô gái làng Vân), Thuý Nga (vai Hề đồng) với trích đoạn trong vở chèo “Trần Quốc Toản ra quân” đã vinh dự được biểu diễn phục vụ Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Dịp này, nghệ sĩ Kim Liên đã ngâm các trích đoạn "Kiều gặp Kim Trọng", "Kiều ở lầu Ngưng Bích". 4 ngày sau, nghệ sĩ Kim Liên cùng nghệ sĩ Linh Nhâm, Trần Thị Tuyết được mời đến Đài Tiếng nói Việt Nam tập luyện và thu âm bài thơ “Chào Xuân 69” của Bác. Nghệ sĩ Kim Liên được Bác Hồ khen "Giọng Kim Liên trong sáng và đạt được ý thơ của Bác". Trong thời khắc thiêng liêng đón Giao thừa năm ấy, cả dân tộc háo hức lắng nghe lời chúc Tết của Bác. Nghệ sĩ Kim Liên ứa nước mắt trong niềm vui khôn xiết khi nghe lời chúc Tết "Chào Xuân 69" của Bác bằng chính giọng ngâm của mình trên sóng phát thanh. 

 

NSND Kim Liên kể chuyện 4 lần vinh dự được gặp Bác Hồ cho các em học sinh THCS Lương Thế Vinh, thành phố Nam Định.

Tháng 7-1969, sau khi hoàn thành chuyến lưu diễn tại Pháp, nghệ sĩ Kim Liên được chọn cùng với 5 người khác trong đoàn thuộc các bộ môn nghệ thuật khác vào Phủ Chủ tịch để nhận Huy hiệu của Người. Đó là buổi sáng 16-7-1969. NSND Kim Liên rất cảm động khi Bác Hồ vẫn nhớ và nhắc tới tên của hai con gái của mình là Hồng và Ngọc; bà được Bác mời ăn cơm tại Phủ Chủ tịch vào ngày 17-7-1969; chính tay Người chan canh cua vào bát cơm, ân cần hỏi thăm gia đình… Sau bữa cơm, NSND Kim Liên được Bác dẫn đi thăm ngôi nhà sàn nơi Người ở trong Phủ Chủ tịch. Trên bàn làm việc của Bác có hai chồng tài liệu được chặn bằng quả cân và chiếc thước kẻ gỗ to bản. "Tôi đang ngơ ngác nhìn quanh thì bất ngờ Bác lấy chiếc thước gỗ đưa cho tôi. Người mỉm cười, giọng trìu mến: “Đó là một kỷ vật đã theo Bác sau bao năm bôn ba hoạt động cách mạng. Bác tặng lại cho Kim Liên làm kỷ niệm". Thấy trên chiếc thước gỗ Bác khắc ba chữ cái “SNK”, tôi ngơ ngác không hiểu nghĩa là gì. Bác giải thích “Đây là ba chữ “Suy - Nghĩ - Kỹ” trước khi đưa ra một quyết định gì. Còn quả cân Bác dùng để luôn luôn phải “Cân nhắc” khi giải quyết công việc” - NSND Kim Liên xúc động kể.

 

 

Bà luôn khắc ghi lời dạy đó của Bác. Năm 1971, nghệ sĩ Kim Liên cùng các diễn viên tham gia bộ phim sân khấu "Trần Quốc Toản ra quân" của đạo diễn Bạch Diệp. Trong hoàn cảnh đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt, ê kíp dựng phim đã làm việc không kể ngày đêm. Diễn viên Thuý Ngân phải mang theo con gái đầu lòng mới 4 tuổi lên tận nơi làm phim tại Cổ Loa, Đông Anh (Hà Nội). Nghệ sĩ Kim Liên có hai con nhỏ, chồng đi bộ đội, công việc quay phim lại thường diễn ra vào ban đêm vì phải lồng tiếng trực tiếp mới đảm bảo được chất lượng âm thanh. Để quay được mỗi cảnh phim có độ dài từ 2 đến 5 phút, các diễn viên phải tập luyện hàng chục lần với đạo diễn và kỹ thuật viên âm thanh. Năm 1971, bộ phim hoàn thành, được công chiếu phục vụ nhân dân, nhất là những nơi “túi bom, vựa đạn”, chiếu dưới hầm, trong địa đạo phục vụ bộ đội. Những bức thư từ chiến trường gửi ra cho Đoàn Chèo Nam Hà và cho diễn viên Kim Liên, Thuý Ngân ngày càng nhiều.

 

NSND Kim Liên kể chuyện vinh dự 4 lần được gặp Bác Hồ tại Lễ Tuyên dương “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2023”.
NSND Kim Liên kể chuyện vinh dự 4 lần được gặp Bác Hồ tại Lễ Tuyên dương “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2023”.

Nhớ về những năm tháng hoạt động nghệ thuật thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, NSND Kim Liên kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện cảm động. Trong đó, có một bức thư trở thành “kỷ vật” vô giá đối với nghệ sĩ. Nội dung bức thư có đoạn: “…Chị Kim Liên quý mến! Em là Nguyễn Thị Toan, quê ở Tĩnh Gia, Thanh Hoá. Sau khi xem bộ phim “Trần Quốc Toản ra quân”, em rất thích nhân vật Thế Tử do chị đóng. Bộ phim đã cho em nhiều suy nghĩ. Chị ơi, đất nước có chiến tranh, Tổ quốc đang cần thế hệ thanh niên chúng em ra trận, cầm súng đánh quân thù. Em là con gái út, có hai anh trai tình nguyện vào Nam chiến đấu. Xem chị diễn, em càng căm phẫn trước thái độ hèn kém của nhân vật Thế Tử chỉ “thích đọc sách ở nhà, ăn một con gà, ăn ba bát miến” và khâm phục tinh thần yêu nước của người anh hùng tuổi nhỏ tài cao Trần Quốc Toản. Em quyết định làm đơn đi thanh niên xung phong. Tổ quốc thiêng liêng đang vẫy gọi chúng em…”.

 

 

Thấm nhuần lời dạy của Hồ Chủ tịch, NSND Kim Liên luôn tâm niệm nguyện cống hiến mọi khả năng của mình để phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc; góp phần nhỏ bé của mình vào thắng lợi to lớn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại ấy./.

Bài: Việt Thắng
Đồ họa: Trường Vinh