Học và làm theo tấm lòng nhân ái cao cả của Bác Hồ

Bác Hồ chia quà Tết cho các cháu nhỏ ở Hợp tác xã Khe Cát, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh ngày 2/2/1965. Ảnh tư liệu

Bác Hồ - Tấm gương sáng về lòng nhân ái

Sinh thời, Bác Hồ đã chỉ rõ: Cộng đồng các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt, có chung giang sơn và chính phủ nên phải đoàn kết, thật sự bình đẳng, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số Miền Nam, Bác viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia lai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều la con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”(1). Bác kêu gọi các dân tộc anh em muốn tiến bộ, muốn phát triển văn hóa thì phải đoàn kết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau như anh em một nhà.

Bác là hiện thân của tinh thần đoàn kết, tấm lòng nhân ái, bao dung, yêu thương con người. Suốt cuộc đời, từ khi bôn ba ra nước ngoài tìm đường cứu nước đến trước khi vĩnh biệt thế giới này, Bác đều một lòng vì nước, vì dân. Trong thời gian ở nước ngoài, chứng kiến cảnh công nhân báp bức bóc lột, Bác nghĩ đến những người lao động nghèo khổ cùng cảnh ngộ ở đất nước mình. Bác nói: “Ở đời và làm người phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức”(2). Ngay ngày đầu Cách mạng Tháng Tám thành công, tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Bác đã nêu rõ mục tiêu của Nhà nước là: Làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân có học hành. Để làm được điều đó, Người đã đề ra nhiệm vụ cấp bách là diệt giặc đói và giặc dốt. Bác phát động chiến dịch tăng gia sản xuất, Người cũng viết thư kêu gọi đồng bào cả nước nêu cao tinh thần tương thân, tương ái “sẻ cơm nhường áo” để cứu dân nghèo. Phong trào “hũ gạo cứu đói” đã ra đời từ đó.

Những năm kháng chiến, Bác thường dành thời gian đến thăm các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người nghèo khổ. Thấy các cháu nhỏ sức khỏe không tốt, Bác đề nghị lãnh đạo địa phương phải chăm lo đến đời sống người dân từ việc nhỏ nhất. Những khi Tết đến Xuân về, dù không có nhiều tiền bạc, quà bánh để tặng những người nghèo khổ, Bác cũng dành thời gian đến với họ. Làm việc đêm khuya, có bát chè, Bác xẻ đôi cho người chiến sĩ bảo vệ cùng ăn. Đi chiến dịch biên giới, Bác không chịu một mình cưỡi ngựa. Bác bảo tất cả cùng đi bộ, để ngựa thồ hành lý cho anh em đỡ mệt. Thương nhân dân đời sống khó khăn, Bác nhắc nhở nhiệm vụ thường xuyên là xóa đói nghèo, làm cho kinh tế phát triển; người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu và người khá giàu thì giàu thêm. Kinh tế có phát triển, đời sống đồng bào có ấm no thì đất nước mới cường thịnh. Bác luôn căn dặn cán bộ, đảng viên, khi đã có chính quyền, phải xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh, đấu tranh với những biểu hiện quan liêu, hách dịch, nhũng nhiễu, xa dân; phải dựa vào dân, khơi dậy sức mạnh tiềm tàng trong nhân dân.

Nguyên Giám đốc Khu di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, ông Trần Viết Hoàn, người cận vệ năm xưa được vinh dự bên cạnh Bác những năm 1966 - 1969, đã kể lại với các nhà báo những câu chuyện giản dị, gần gũi, tràn đầy tình cảm ấm áp của Người: “Lòng nhân ái của Bác sâu thẳm như biển cả, thiết thực như hạt gạo. Anh em chúng tôi, những người đã từng sống bên Bác, từng được phục vụ bảo vệ Bác thì tình thương của Bác lớn lắm. Hàng ngày, Bác vẫn xuống kiểm tra xem xét việc học tập, ăn ở, tập luyện của anh em công an. Mỗi khi đi công tác xa về, Bác  đều nhớ mang quà về, lần cái kẹo, điếu thuốc, quả táo, vật tuy nhỏ nhưng lòng Bác lớn bao nhiêu”(3). Tiến sĩ Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, cũng kể lại: “Bác có tác phong nói đi đôi với làm, trong khi kêu gọi mọi người sẻ cơm nhường áo, 10 ngày nhịn 1 bữa, mỗi bữa 1 bơ, để giúp người  nghèo. Cả cơ quan Bác đều thực hiện như vậy. Có những bữa Bác được nước bạn mời dự tiệc, hôm sau về, Bác tự giác nhịn bữa đó để thực hiện đúng như mọi người”(4).

Lòng nhân ái, vị tha của Bác xuất phát từ lẽ sống “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” và dành tất cả cho mọi kiếp người. Quan điểm ấy là sự kết tinh từ những giá trị truyền thống của dân tộc, “tương thân tương ái”, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Lòng yêu thương con người là động lực thôi thúc hoạt động không mệt mỏi vì nước, vì dân của Người. Và trước lúc đi xa, Bác đã “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”; Bác cũng “gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”(5).

Lòng nhân ái được phát huy cao đ

 Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp nhận đóng góp của các bộ ngành, địa phương tại lễ ra mắt
Quỹ Vaccine Covid-19. Ảnh: Giang Huy/vnexpress.

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn phát huy lời dạy của Bác về tấm lòng nhân ái, đoàn kết trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Giữa lúc đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, có biết bao hành động nhân ái, nghĩa tình, những ứng xử có trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị  - xã hội. Chính điều đó đã giúp nhân dân vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức điều hành của Nhà nước, Chính phủ. Qua đó làm tăng thêm sức mạnh và tạo động lực to lớn để đất nước vượt qua khó khăn, hiểm họa, hướng đến một cuộc sống khỏe mạnh, an toàn.

Chứng kiến hàng vạn người dân nghèo rơi vào cảnh khốn khó do đại dịch Covid-19, một chủ doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh đã phát kiến ra “máy ATM” phát gạo từ thiện. Những người nghèo, người bán vé số, người lang thang cơ nhỡ trên địa bàn đã ấm lòng hơn trong mùa dịch. Mô hình ấy nhanh chóng lan rộng ra cả nước và được truyền thông quốc tế ca ngợi. Chỉ một thời gian ngắn, hàng trăm cây ATM đặc biệt đã được ra đời trên toàn quốc. Sự xuất hiện của những cây “ATM gạo” đã tiếp thêm sinh lực, động lực để những người yếu thế, dân nghèo, người cơ nhỡ vượt qua khó khăn, cùng đất nước tích cực phòng, chống đẩy lùi Covid -19. Những lời dạy và tấm gương sáng về lòng nhân ái của Bác thực sự đã được thấm nhuần, giữ gìn, vun đắp và phát huy cao độ trong cuộc chiến cam go chống dịch Covid-19.

Từ ngày xảy ra dịch bệnh đến nay, ở khắp nơi trên cả nước, từ nông thôn, miền núi tới thành thị, từ trẻ em đến người già đều lan tỏa những tình cảm yêu thương, ấm áp. Hàng trăm, hàng ngàn tấm lòng thơm thảo, nhân ái, nhiều hoạt động, việc làm chan chứa nghĩa tình, yêu thương với tinh thần “Một miếng khi đói, bằng một gói khi no”, được các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân thực hiện trong cuộc chiến với dịch bệnh. Có những cụ già trăm tuổi đã đem tiền dành dụm mừng tuổi nhiều năm, những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng sẵn sàng mang tiền chính sách hằng tháng, những em nhỏ mang tiền tiết kiệm để góp phần chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh. Với tinh thần tương thân, tương ái, nhiều cá nhân, tổ chức, các đoàn thiện nguyện ở các tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch giải cứu nông sản giúp người dân vùng dịch vượt qua khó khăn. Ngành nông nghiệp đã phối hợp với hội Nông dân, hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên đã thành lập các điểm hỗ trợ thu mua nông sản chất lượng cao cho nông dân tại nhiều địa phương.

Với quan điểm sức khỏe của nhân dân là quan trọng nhất, nhiệm vụ bảo vệ tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, tiêm vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược và quyết định để thoát khỏi đại dịch, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương đã huy động các nguồn lực của ngân sách Nhà nước và các nguồn lực xã hội để mua vaccine phòng Covid-19 cho toàn dân; đồng thời chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác với các nước để có thể sản xuất được vaccine phòng Covid-19 mang thương hiệu Việt Nam, nhằm sớm tạo được miễn dịch trong cộng đồng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã bố trí trên 13.000 tỷ đồng trong tổng dự toán 25.000 tỷ đồng chi cho chiến dịch mua vaccine phòng Covid-19. Số tiền để mua vaccine phòng Covid-19 còn có thể tăng lên nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì vậy, Chính phủ đã quyết định thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19.

Ngày 27/5, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19. Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gọi Quỹ vaccine phòng Covid-19 là “quỹ của tinh thần đoàn kết, sự nhân ái, niềm tin, trái tim, kết nối trái tim cùng nhau vượt qua khó khăn góp phần tạo nên Việt Nam chiến thắng, ghi danh vào lịch sử về một chiến thắng đại dịch Covid-19”(6). Quan điểm của Chính phủ là mọi khoản kinh phí đóng góp dù nhiều hay ít, mọi lời góp ý, mọi sự ủng hộ cho công cuộc phòng, chống Covid-19 nói chung và cho Quỹ vaccine phòng Covid-19 nói riêng đều được nâng niu, trân trọng. Đợt phát động này đã nhận được sự ủng hộ của hàng triệu đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ở nước ngoài, các doanh nghiệp, doanh nhân, mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, những người bạn, các đối tác quốc tế của Việt Nam.

Theo thông tin từ Ban quản lý Quỹ vaccine phòng Covid-19 cho biết, tính đến 15h ngày 07/6/2021, đã có 227.862 tổ chức và cá nhân tham gia đóng góp cho quỹ với tổng số tiền 1.417 tỷ đồng. Ngoài ra, Ban quản lý Quỹ vaccine phòng Covid-19 cũng cho biết, quỹ đã tiếp nhận 4.553,88 tỷ đồng nhà tài trợ đã cam kết. Tổng số tiền Quỹ đã nhận được và cam kết chuyển tiền là 5.978,88 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong danh sách cá nhân ủng hỗ Quỹ vaccine phòng Covid-19, có nhiều cá nhân đã ủng hộ số tiền rất lớn, tới 5 tỷ đồng(7).

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phát động Chương trình “Vaccine cho công nhân”, thông qua Quỹ xã hội từ thiện Tấm lòng vàng lao động, nhằm thu hút sự quan tâm, ủng hộ của toàn xã hội nhất là công nhân viên chức lao động và các cấp công đoàn đối với việc đóng góp kinh phí mua vaccine phòng Covid-19 cho công nhân lao động, với mong muốn toàn bộ người dân Việt Nam, đặc biệt công nhân, người lao động nghèo được tiêm vaccine phòng Covid-19. Tại Lễ phát động đã có gần 146 tỷ đồng được các cơ quan, doanh nghiệp đóng góp ủng hộ cho chương trình này(8).

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp tổ chức phát động chương trình nhắn tin “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19” trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400. Chương trình nhằm kêu gọi, vận động các tầng lớp nhân dân ủng hộ, đóng góp kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, huy động nguồn lực xã hội để người dân, trong đó có công nhân lao động có thể tiếp cận với vaccine sớm nhất, góp phần kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng của nhân dân(9).

Với truyền thống nhân ái, tương trợ, Việt Nam cũng đã có những hỗ trợ tích cực, kịp thời dành cho các nước trong khu vực và trên thế giới trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Việt Nam đã tặng các trang thiết bị y tế, cùng bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho Lào, Campuchia; trao vật tư y tế cho Australia, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan(10); tặng hàng tấn gạo cho nhân dân Cuba(11).… Đồng thời, Việt Nam tích cực chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, đề xuất giải pháp đẩy lùi đại dịch Covid-19. Đây là nghĩa cử cao đẹp, là biểu hiện sinh động của tinh thần đoàn kết quốc tế của Việt Nam.

Học tập và làm theo tấm lòng nhân ái cao cả của Bác Hồ, giờ đây, hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân cần không ngừng rèn luyện, tu dưỡng, xây dựng phẩm chất đạo đức, lối sống theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về lòng nhân ái để góp phần tích cực vào công cuộc dựng xây đất nước, trước mắt là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, bằng những hành động, việc làm cụ thể. Từ đó nhân lên những việc làm ý nghĩa, nhân văn để cho tình yêu thương và những điều tốt đẹp ngày càng lan tỏa trong cuộc sống./.

 Tài liu tham kho

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, T.6, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, tr.560

(2) Tài liệu đã dẫn, số 1

(3) http://quangngaitv.vn: Học theo Bác ở tấm lòng nhân ái. 18/05/2020 

(4) Tài liệu đã dẫn, số 3

(5) http://baochinhphu.vn: Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 21/8/2014

(6) https://tuoitre.vn: Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quỹ vaccine là quỹ của sự nhân ái, niềm tin, tinh thần đoàn kết. 05/6/2021

(7) http://thoibaotaichinhvietnam.vn: 227.862 tổ chức và cá nhân đóng góp vào Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19. 07/6/2021

(8) https://moh.gov.vn: Phát động chương trình nhắn tin ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19. 04/6/2021

(9) Tài liệu đã dẫn, số 8

(10) https://baodantoc.vn: Việt Nam tích cực hỗ trợ các quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19. 15/5/2021

(11) http://danvan.vn: Việt Nam tích cực hỗ trợ các quốc gia phòng, chống đại dịch COVID-19. 18/4/2020

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website