Hơn 12 năm bền bỉ cống hiến, cô giáo Vân Nhi không ngừng khẳng định mình và là tấm gương sáng về lòng yêu nghề, ý chí vượt khó, khát vọng cống hiến. Mới đây, cô Vân Nhi được tôn vinh là điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.
Cô Nguyễn Vân Nhi được tôn vinh là điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. Ảnh: TTXVN phát
Hành trình gieo chữ nơi vùng sâu
Năm 2012, khi vừa tốt nghiệp ngành Sư phạm Mỹ thuật tại Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang, cô Vân Nhi (khi ấy chỉ 23 tuổi) nhận quyết định công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tô Hiệu (xã Cư San, huyện M’Drắk). Đây là một trong những địa bàn khó khăn nhất của tỉnh Đắk Lắk, nằm cách trung tâm huyện hơn 50km, đường đồi núi hiểm trở, giao thông vô cùng khó khăn. Lần đầu đến trường, cô Vân Nhi đã không giấu nổi sự xúc động trước những khó khăn của học sinh nơi đây. Với tâm huyết của một giáo viên trẻ và lòng yêu nghề, cô đã vượt qua mọi khó khăn, bền bỉ gieo chữ trên vùng đất nghèo.
Cô Vân Nhi chia sẻ, với vai trò giáo viên Mỹ thuật kiêm Tổng phụ trách Đội, nhận thấy học sinh nơi đây còn nhiều hạn chế, thương các em, cô thường xuyên tổ chức các hoạt động, cuộc thi, hội thi để học sinh rèn luyện kỹ năng sống. Với những em có hoàn cảnh khó khăn, cô thường xuyên đến tận nhà vận động các em trở lại lớp. Những lần băng qua con đường đất đỏ trơn trượt vào mùa mưa, hay những buổi trò chuyện dài để thuyết phục phụ huynh cho con tiếp tục đến trường, tất cả đều là minh chứng rõ nét cho sự kiên trì của cô. Với học sinh bán trú, cô quan tâm, chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, động viên các em học hành...
“Bản thân tôi rất thương trẻ em vùng sâu, nên khi được về công tác đúng nơi yêu thích đã tạo động lực giúp tôi vượt qua tất cả gian khó ấy. Càng khó khăn thì tôi càng muốn chinh phục. Các em học sinh nơi đây rất ngoan, hồn nhiên, ngây thơ và chịu nhiều thiệt thòi. Tôi muốn đến vùng sâu một phần giúp các em có thay đổi về nhận thức, tiến bộ hơn trong suy nghĩ, học tập”, cô Vân Nhi chia sẻ.
Em Ma Văn Chương, dân tộc Mông (sinh năm 2002), tại thôn 9, xã Cư San là một trong rất nhiều học sinh được cô giáo Vân Nhi giúp đỡ, hỗ trợ. Em Chương cho biết, thời gian học tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tô Hiệu, cô Vân Nhi luôn động viên, gần gũi và định hướng cho em cố gắng học tập. Khi lên bậc trung học phổ thông, cô hỗ trợ để em được ở tại nhà bố mẹ cô tại thị trấn M’Drắk. Nhờ những giúp đỡ của cô, hiện em Ma Văn Chương là sinh viên năm thứ tư của Trường Đại học Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Cô giáo Nguyễn Vân Nhi vận động nhà hảo tâm hỗ trợ học bổng, tặng quà động viên tinh thần cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo vượt khó. Ảnh: TTXVN phát
Em Ma Văn Chương chia sẻ: “Điều kiện như vậy quá tốt với em vì gia đình em cũng không dư dả gì. Cô hỗ trợ nhà ở miễn phí, giúp em trong quá trình học tập, chỉ dẫn cho em những định hướng trong từng bước đường để em có được như ngày hôm nay. Em rất biết ơn vì những hỗ trợ của cô đã giúp em có hướng đi đúng đắn trong học tập, mở ra tương lai mới…".
Nuôi dưỡng những ước mơ
Sau 9 năm công tác tại trường vùng sâu, năm 2021, cô Vân Nhi được điều động về công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Võ Nguyên Giáp (xã Cư Króa, huyện M’Đrắk) - một địa bàn khó khăn khác của huyện.
Những lúc rảnh rỗi, cô thường xuống khu nhà bán trú để chăm lo cuộc sống thường ngày cho học sinh. Chứng kiến các em có bữa sáng quá sơ sài, cô kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ bữa sáng cho toàn thể học sinh bán trú, góp phần mang ánh sáng đến ngay trên mảnh đất mà cô gắn bó. Từ năm 2019, cô vận động nhà hảo tâm tặng bữa sáng cho học sinh bán trú cải thiện đời sống, trung bình mỗi tháng có 200 em học sinh bán trú được hỗ trợ, tổng trị giá 9 triệu đồng/tháng.
Không chỉ vậy, từ năm 2015 đến nay, cô đã tích cực vận động các nhà hảo tâm tặng hàng ngàn suất học bổng, quà tặng; hơn 50 chiếc xe đạp cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh vượt khó học tốt; 4 tivi cho học sinh bán trú; kinh phí xây dựng công trình vui chơi - thể dục thể thao; học bổng tiếp sức đến trường… với tổng trị giá hơn 200 triệu đồng. Những suất học bổng, quà tặng đó là nguồn hỗ trợ, động viên tinh thần rất lớn cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo vượt khó ở những ngôi trường bán trú mà cô công tác.
Cô giáo Nguyễn Vân Nhi thường xuyên đến nhà vận động các học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường. Ảnh: TTXVN phát
Với những cống hiến nhiệt tình của mình, cô đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen về “Thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục học sinh dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa” năm 2019; Trung ương Đoàn tặng Bằng khen “Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Trung ương năm 2019”; Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tặng Bằng khen về “Thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ” năm 2019; Tỉnh đoàn Đắk Lắk tặng Bằng khen và giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu tỉnh Đắk Lắk lần I năm 2020”. Mỗi năm học cô đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, danh hiệu Lao động tiên tiến, được UBND huyện M'Drắk tặng giấy khen...
Thầy Ngô Hồng Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Võ Nguyên Giáp đánh giá, cô Vân Nhi là hình mẫu của một người giáo viên tận tâm, luôn nhiệt huyết với nghề, chăm lo cho học sinh bằng tất cả tình yêu thương. Mặc dù bản thân còn nhiều khó khăn về gia đình, con cái nhưng từ những việc nhỏ nhất, cô đều làm bằng tất cả trách nhiệm và tình yêu nghề, yêu học trò. Cô có chuyên môn vững vàng, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Với cô giáo trẻ Vân Nhi, hành trình mang tri thức đến với các em học sinh vùng khó khăn vẫn chưa dừng lại. Cô luôn trăn trở về việc làm sao để ngày càng nhiều học sinh được tiếp cận với một nền giáo dục chất lượng hơn, làm sao để những “mầm xanh” hôm nay có thể lớn lên, vươn xa hơn trong tương lai. Tấm gương sáng của cô giáo Vân Nhi không chỉ là câu chuyện về lòng yêu nghề mà còn là minh chứng cho tinh thần trách nhiệm, sự kiên định và khát khao mang lại sự thay đổi tích cực cho cộng đồng. Những đóng góp thầm lặng của cô chính là ánh sáng dẫn đường, giúp những đứa trẻ vùng cao nuôi dưỡng ước mơ và hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn.
Nguyên Dung (TTXVN)