Học tập và làm theo gương Bác trong hành trình xây dựng Đảng ta

Học và làm theo Bác trong hành trình xây dựng Đảng

Việc nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Đảng ta thực hiện từ rất sớm, dưới nhiều hình thức. Hầu hết các văn kiện Đại hội Đảng từ Khóa II trở đi đều nhắc đến việc cần thiết phải học tập tư tưởng, tác phong và đạo đức của Người.

 

Không chỉ là một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh
còn rất đỗi giản dị, khiêm tốn, gần gũi với nhân dân.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2/1951), Đảng ta yêu cầu: “Toàn Đảng hãy ra sức học tập đường lối chính trị, tác phong và đạo đức của Hồ Chủ tịch”. Nhắc lại điều đó, trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 70 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 19/5/1960), Tổng Bí thư Trường Chinh đã kêu gọi: “Nhân dịp này, chúng ta hãy ôn lại tiểu sử và sự nghiệp của Hồ Chủ tịch; tìm hiểu và học tập tư tưởng, đạo đức và tác phong của Người để phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân được tốt hơn”.

Đặc biệt, đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng học tập, làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay sau khi Người qua đời được triển khai sâu rộng bằng một chỉ thị và một nghị quyết. Khi đó, ngay sau khi Bác mất, ngày 3/9, Ban Chấp hành Trung ương tổ chức phiên họp bất thường và đã ra Lời kêu gọi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân, đồng bào cả nước hãy biến đau thương thành hành động cách mạng, dũng cảm tiến lên, tiếp tục sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện thắng lợi lý tưởng hoài bão của Người.

Cụ thể hóa quyết tâm học tập Di chúc của Bác, ngày 29/9/1969, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 173-CT/TW về đợt sinh hoạt chính trị: "Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch”; ngày 26/9/1969, Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Nghị quyết số 189-CP về viêc mở đợt sinh hoạt chính trị “Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch”.

Chỉ thị 173 nêu rõ “Để cho đợt hành động cách mạng này đạt được những kết quả thiết thực, mỗi khu uỷ, thành uỷ, tỉnh uỷ, mỗi ban, đảng đoàn và đảng uỷ trực thuộc trung ương phải nghiên cứu và đề ra mục tiêu hành động cụ thể cho từng ngành, từng địa phương,… sao cho mỗi đơn vị tập trung sức làm thật tốt một số công việc trọng tâm trước mắt. Cần có kế hoạch hành động chung cho toàn thể quần chúng trong địa phương, đơn vị và có kế hoạch hành động riêng của chi bộ đảng, của các đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính quyền.

… Các cấp uỷ đảng, các ban, các đảng đoàn cần nghiên cứu kỹ Di chúc của Hồ Chủ tịch, tìm biện pháp tăng cường đoàn kết nội bộ, phát huy dân chủ, tăng cường ý thức tập thể, cải tiến công tác lãnh đạo và lề lối làm việc, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chính sách, chế độ, tích cực thanh toán những khuyết điểm về tư cách và sinh hoạt. Đối với đảng viên, cần có biện pháp tiếp tục nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng theo tinh thần của đợt sinh hoạt chính trị nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của Hồ Chủ tịch năm nay.

… Đợt sinh hoạt chính trị này chỉ là bước đầu. Các cấp, các ngành cần có kế hoạch lâu dài thực hiện Di chúc của Hồ Chủ tịch”.

Đợt sinh hoạt chính trị "Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch" có tác dụng rất quan trọng đối với việc phát huy tình cảm và ý chí cách mạng của cán bộ, đảng viên và quần chúng, tăng cường đoàn kết và nâng cao sức chiến đấu của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, biến đau thương thành hành động cách mạng, thúc đẩy hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ công tác trước mắt. Đợt sinh hoạt này không chỉ tác động mạnh mẽ lên sự nghiệp cách mạng nước ta lúc bấy giờ, mà còn có giá trị thực tiễn với cách mạng nước ta sau này.

Đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa V (1983), Đảng ta đã yêu cầu: "Đề cao việc học tập đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đôi với giáo dục, nâng cao ý chí chiến đấu và đạo đức, phẩm chất cách mạng cho cán bộ, đảng viên, nhân viên nhà nước trong tất cả mọi cấp, mọi ngành". Văn kiện Đại hội VI (1986) nêu rõ: "Mỗi người cộng sản chúng ta cần phải suốt đời học tập, noi gương đạo đức, tác phong của Bác Hồ...". Đại hội VII (1991) khẳng định: "Tiếp tục bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những quan điểm, đường lối của Đảng...".

Tiếp đến, ngày 27/3/2003, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 23-CT/TW “về đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới”, Chỉ thị nêu bật một cách toàn diện những thành tựu và hạn chế trong công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh từ Đại hội VII đến năm 2003, từ đó yêu cầu toàn Đảng tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh.

Từ đó đến nay, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được Đảng ta triển khai thực hiện liên tục và sâu rộng, từ Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 7/11/2006 của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Chỉ thị số 03 năm 2011 về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Chỉ thị số 05 năm 2016 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Qua mỗi kỳ tổng kết thực hiện các Chỉ thị, chúng ta đều thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm.  Những Chỉ thị sau có cách làm phù hợp với thực tiễn hơn, bổ sung những điểm còn khiếm khuyết để việc học và làm theo Bác ngày càng đi vào thực chất, đạt kết quả cao nhất. Việc học và làm theo Bác không chỉ dừng lại ở xây dựng chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đạo đức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, mà đã thể hiện quyết tâm phòng chống tham nhũng, lãng phí và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đặc biệt khi thực hiện Chỉ thị 05, Đảng ta còn nhấn mạnh tính nêu gương, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.

Chỉ thị 05 ghi dấu ấn trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Chỉ thị 05-CT/TW ra đời gắn liền với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Mục tiêu là thực hiện một cách hiệu quả việc vừa “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; vừa “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, có sự tương hỗ giữa hai nhiệm vụ “xây” và “chống”, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội.

Cô giáo Lã Thị Thanh Huyền vượt núi mang chữ đến trường Nà Ngoi (Kỳ Sơn - Hà Tĩnh)

4 năm qua, để thực hiện tốt Chỉ thị, Đảng ta đã đề ra các chuyên đề học tập hàng năm, trong đó năm 2016 là “Những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, năm 2017 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; năm 2018 “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, năm 2019 “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống cho Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và năm 2020 là “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Căn cứ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, nhiều địa phương, bộ, ngành đã xây dựng kế hoạch tiếp tục thực hiện nghiêm túc, bài bản các nội dung về chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đưa nội dung học tập và làm theo Bác vào chương trình hành động, gắn kết chặt chẽ với thực hiện nhiệm vụ chính trị, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc trong xã hội mà nhân dân quan tâm; các cán bộ, đảng viên xây dựng chương trình hành động, kế hoạch làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nghiêm túc, sát với tình hình thực tế của bản thân.

Có thể thấy rằng, việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị thời gian qua đã để lại nhiều dấu ấn, ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu, trở thành ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của mỗi tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, của từng cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Các hình thức tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phong phú, đa dạng. Việc thực hiện Chỉ thị đã góp phần chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, từ đó, tạo ra những chuyển biến khá rõ nét về kỷ luật, kỷ cương hành chính; chống bệnh “thành tích”, bệnh “hình thức”; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhũng nhiễu, tiêu cực; nâng cao tinh thần trách nhiệm, “nói đi đôi với làm”. Xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt, mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong học tập và làm theo Bác ngày càng phong phú, đa dạng tạo sức hấp dẫn, lôi cuốn, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trc Ban Bí thư trao gii Đặc bit
cho đại din các tác gi, tác phm đot Gii thưởng giai đon 2011-2020. nh: Hin Hòa/CPV

Năm 2019, nhân dịp sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ đã tặng bằng khen cho 71 tập thể, 150 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện Chỉ thị 05, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã tổ chức Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhờ đó đã kích thích trí sáng tạo của hàng nghìn văn nghệ sĩ cả nước sáng tác các tác phẩm về đề tài này, bày tỏ tình cảm, lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng những tác phẩm có chất lượng tốt, giàu tính nghệ thuật, tính tư tưởng, đặc biệt ấn tượng, có tác động tích cực và lan tỏa, nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (5/2020), Ban tổ chức giải thưởng đã trao tặng 2 giải đặc biệt, 11 giải A, 42 giải B, 74 giải C, 99 giải khuyến khích; khen thưởng đối với 42 tập thể, 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động quảng bá.

Mười ba chương trình giao lưu các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức (2017 - 2020), mang đậm tính chân thực, sâu sắc, lắng đọng, gây xúc động, truyền cảm hứng, tạo sức lan tỏa từ các điển hình tiêu biếu ra toàn xã hội.

Nhìn lại tiến trình gần 70 năm đó để thấy rằng Đảng ta đã đúng đắn và sáng suốt khi xác định phải triển khai học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính tấm gương đạo đức ngời sáng của Người đã làm lay động biết bao con tim trên toàn thế giới, tạo nên sức thuyết phục khi Đảng ta nêu gương để toàn Đảng, toàn dân có ý chí để nhân lên những con người nhân cách đẹp đẽ - Hồ Chí Minh. Tiếp tục thực hiện học và làm theo Bác là một việc làm vô cùng cần thiết nhằm khơi dậy khát vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực không ngừng, vượt qua khó khăn, biến “nguy” thành “cơ”, giúp chúng ta tiếp tục có những bước đi vững chắc trong xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website