Học Bác rèn luyện sức khỏe

  Gần như chiều nào, dù nắng hay mưa, các thành viên CLB Dân vũ vui khỏe Phúc Xuân (TP. Thái Nguyên) cũng tham gia luyện tập để rèn luyện sức khỏe.

Với phương châm “Học Bác rèn luyện sức khỏe”, “Có sức khỏe là có tất cả” nên gần như buổi chiều nào, bất kể trời mưa hay nắng, các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Dân vũ vui khỏe Phúc Xuân (TP. Thái Nguyên) đều cùng nhau tập luyện. Điều đáng nói, hầu hết các gia đình thành viên CLB đều làm nông nghiệp, các thành viên có độ tuổi từ 55 đến gần 70 tuổi nhưng vẫn sắp xếp công việc đồng áng để dành thời gian tham gia luyện tập TDTT.

Ông Nguyễn Đào Thuyên, Chủ nhiệm CLB thông tin: CLB Dân vũ vui khỏe Phúc Xuân đi vào hoạt động được hơn 1 năm nay, ban đầu chỉ có 4-5 thành viên. Khi thấy phong trào sôi nổi, nhiều người đã đăng ký tham gia, hiện nay, số thành viên đã nâng lên 20 người. Các bài nhảy của CLB đều có chủ đề ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước; Bác Hồ kính yêu…

Để hoạt động hiệu quả, các thành viên CLB Dân vũ vui khỏe Phúc Xuân cũng đóng góp quỹ để sử dụng trong mỗi đợt liên hoan và thuê trang phục biểu diễn khi có chương trình giao lưu với các đội bạn trong và ngoài thành phố.

Không chỉ Phúc Xuân mà ở khắp các xã, phường trên địa bàn TP. Thái Nguyên phong trào luyện tập TDTT vào các sáng sớm và buổi chiều khá sôi nổi với nhiều bộ môn, như: Bóng chuyền hơi, Cầu lông, Bóng bàn, đi bộ, chạy bộ…

Bà Nguyễn Thị Hải, ở tổ 15, phường Phan Đình Phùng, cho biết: Trên địa bàn phường có đường vòng quanh hồ Xương Rồng và hồ Hoàng Ngân nên bà con thường xuyên đi bộ hoặc đạp xe đạp. Nếu không, chúng tôi ra các khu tập thể dục để tập các máy chuyên dụng, như xoay eo, hông… Nhờ thường xuyên tập thể dục nên dù đã gần 70 tuổi nhưng tôi thấy sức khỏe vẫn tốt.

  

Một buổi tập của CLB Thể dục dưỡng sinh TP. Thái Nguyên. Ảnh: T.L

Để phong trào TDTT được phát triển rộng khắp, khích lệ sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, thời gian qua, TP. Thái Nguyên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, trách nhiệm của các địa phương, gia đình, nhà trường đối với việc phát triển giáo dục thể chất nói riêng, phong trào TDTT nói chung.

Vì vậy, các chỉ số phát triển TDTT quần chúng trên địa bàn thành phố ngày càng tăng. Đến nay đã có khoảng 60% dân số thành phố tham gia tập luyện TDTT thường xuyên; 100% xã, phường, đơn vị, trường học đều có CLB hoặc điểm tập luyện TDTT…

Nhằm tạo điều kiện cho người dân luyện tập TDTT, TP. Thái Nguyên luôn chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 2 sân vận động, 1 trung tâm thi đấu thể thao (đủ các điều kiện thi đấu các giải thể thao cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc) và một số hạng mục dành cho TDTT khác.

Cùng với đó có 5 sân quần vợt, 12 nhà tập luyện thể thao đa năng, 21 bể bơi có diện tích từ 22 đến trên 50m2, 22 sân bóng đá cỏ nhân tạo, 29 sân cỏ tự nhiên, 22 nhà tập và thi đấu thể thao, 164 phòng tập, 115 bàn bóng bàn, trên 300 sân cầu lông, 40 sân điền kinh…

Cơ sở vật chất hoàn thiện, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân đã góp phần xây dựng, thúc đẩy phong trào TDTT trên địa bàn ngày càng phát triển.

TP. Thái Nguyên cũng thường xuyên tổ chức các giải thi đấu TDTT (hằng năm tổ chức từ 8-10 giải), thu hút hàng nghìn vận động viên tham gia. Qua đó đã lựa chọn được nhiều vận động viên xuất sắc tham gia các giải cấp cao.

Hàng năm, các đội tuyển của thành phố tham gia thi đấu các giải thể thao của tỉnh luôn đạt thứ hạng cao và là đơn vị dẫn đầu trong toàn tỉnh về các bộ môn, như: Võ thuật, Bóng đá, Bóng chuyền, Điền kinh…

Để phong trào TDTT trên địa bàn tiếp tục phát triển, thời gian tới, thành phố sẽ huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng các cơ sở tập luyện TDTT, quan tâm phát triển TDTT ở những nơi còn khó khăn; xây dựng mô hình điểm về cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động TDTT tại các xóm, tổ dân phố...

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website