Học Bác qua những câu chuyện cảm động, ý nghĩa

Những câu chuyện ý nghĩa

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung và hình thức thể hiện, 32 thí sinh đại diện cho 26 tổ chức cơ sở Đảng trong Khối đã mang đến hội thi những cảm xúc sâu lắng, làm nổi bật tình yêu thương bao la và những đức tính tốt đẹp của Bác.

 

 Các thí sinh chụp hình lưu niệm cùng Ban tổ chức Hội thi. Ảnh: Phan Lài

Là thuyết minh viên của Bảo tàng tỉnh, thí sinh Nguyễn Thị An (Đảng bộ Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) có phong cách tự tin, giọng kể truyền cảm, ấn tượng. Thí sinh mang đến hội thi câu chuyện “Diệt sâu mới cứu được cây” có nội dung về việc tử hình Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu vì tội tham ô. Câu chuyện đề cập công tác phòng-chống tham nhũng từ năm 1950 và quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xử lý những cán bộ tha hóa, biến chất. Trong phần thi của mình, thí sinh Nguyễn Thị An đã trình chiếu nhiều hình ảnh, tư liệu quý về Bác. Màn phụ họa của các ca sĩ, diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San làm cho phần thi thêm ấn tượng.

Từ câu chuyện kể, thí sinh Nguyễn Thị An liên hệ thực tiễn công tác phòng-chống tham nhũng, lãng phí của Đảng và Nhà nước trong thời gian gần đây bằng những số liệu cụ thể. Chị Nguyễn Thị An chia sẻ: “Câu chuyện là bài học về thái độ người cán bộ, đảng viên khi đứng trước cái xấu, phải kiên quyết loại trừ những loài sâu đục khoét. Thời gian gần đây, nhiều vụ việc liên quan đến tham nhũng, lạm quyền được các cơ quan chức năng phát hiện, chỉnh đốn. Thông qua phần thi kể chuyện của mình, tôi muốn truyền tải thông điệp: Việc học và làm theo Bác là hết sức cần thiết, phòng-chống tham nhũng làm cho dân tin hơn vào sự lãnh đạo của Đảng”.

Với chất giọng truyền cảm, thí sinh Trần Thị Hồng Thi (Đảng bộ Báo Gia Lai) thể hiện khá thành công với câu chuyện “Chủ tịch nước cũng không có đặc quyền”. Câu chuyện đề cập đến việc Bác luôn tôn trọng quyền bầu cử, tuân thủ nội quy ở chùa hay chấp hành đúng Luật Giao thông đường bộ. Câu chuyện gửi đến khán giả thông điệp: Là lãnh tụ của đất nước nhưng Bác luôn có phong cách làm việc rất dân chủ, coi dân chủ làm trọng. Người cán bộ không được quan liêu, lúc nào cũng phải gương mẫu trước Nhân dân.

Từ câu chuyện về Bác, thí sinh Trần Thị Hồng Thi liên hệ việc học tập và làm theo Bác của người dân làng Lợk, xã Lơ Ku, huyện Kbang. Đó là anh Đinh A Lăng-Bí thư Chi bộ làng Lợk đã cho người dân vay 100 triệu đồng không tính lãi, không ký giấy nợ hay việc bán rẻ 1 sào đất để 10 hộ dân trong làng có chỗ an cư; đóng góp 15 triệu đồng để làm đường bê tông. Đồng thời, thí sinh cũng liên hệ với thực tiễn công việc chuyên môn, luôn rèn mình, sửa mình từ lời nói, cử chỉ mỗi ngày để tiến bộ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. “Tôi rất vinh dự và tự hào khi được tham gia hội thi lần này. Bởi đây là cơ hội để lan tỏa những câu chuyện về tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác. Hội thi đã mang đến một sân chơi ý nghĩa và bổ ích, giúp tôi học tập Bác nhiều hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian đến”-thí sinh Trần Thị Hồng Thi bày tỏ.

Học Bác lòng ta trong sáng hơn

Tất cả các thí sinh đều thể hiện tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm khi có sự chuẩn bị chu đáo phần thi của mình. Từ những câu chuyện về Bác, các thí sinh còn chú trọng phân tích ý nghĩa sâu sắc, những bài học về nhân cách sáng ngời của Người.

Phần thi của thí sinh Nguyễn Thị An (Đảng bộ Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch). Ảnh: Đức Thụy

Ban tổ chức đã trao 18 giải gồm: 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 12 giải khuyến khích cho các thí sinh có giọng kể chuyện truyền cảm, diễn xuất tốt, câu chuyện có ý nghĩa, xúc động và có phần liên hệ thực tiễn phù hợp. Trong đó, giải nhất thuộc về thí sinh Đặng Thị Hoài Thương (Đảng bộ Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh) với câu chuyện “Bác là ánh mặt trời”. 

Noi gương Bác, nhiều tấm gương tiêu biểu trong cuộc sống đời thường cũng được tái hiện qua lời kể của các thí sinh. Đó là ông Nguyễn Xuân Thủy-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê trao tặng hàng ngàn suất quà cho những mảnh đời da cam; bà Phạm Thị Vân-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa) đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, thi đua dân vận để từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà địa phương đang mắc phải. Cùng với đó là tấm gương hiến đất làm đường, xây dựng các công trình phúc lợi; biết lắng nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin…

Thí sinh Đặng Thị Hoài Thương (Đảng bộ Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh) tâm sự: “Thế hệ chúng tôi chỉ biết về Bác Hồ qua những câu chuyện kể, sách báo, những thước phim tư liệu. Đọc những câu chuyện về Bác, tôi càng hiểu rõ hơn tình cảm của Người với đồng bào thật bao la. Qua những câu chuyện về Bác, tôi phải tự nhìn lại, soi lại mình, phấn đấu học tập và làm theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Người”.

Còn thí sinh Võ Văn Cường (Đảng bộ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh) thì chia sẻ: “Chúng tôi kể chuyện về Bác bằng tình cảm kính yêu, sự trân trọng và tự hào. Qua mỗi câu chuyện, chúng tôi mong rằng những tình cảm, lời dạy của Bác đều được mọi người tiếp thu và học tập, làm theo trong cuộc sống hàng ngày. Hy vọng những hội thi ý nghĩa như thế này sẽ được tổ chức thường xuyên hơn, để những câu chuyện về nhân cách cao đẹp của Bác ngày càng được lan tỏa”.

Đánh giá về hội thi, ông Dương Dã-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, Trưởng ban giám khảo-khẳng định: Nhờ nắm chắc đề cương, bối cảnh xã hội của câu chuyện kể về Bác nên các thí sinh bình tĩnh, tự tin, trình bày khá tự nhiên, sinh động, truyền cảm, tạo xúc động cho người nghe. Đa số bài thi đều có trình chiếu slide hình ảnh, video tư liệu trực quan sinh động, giàu tính lịch sử. Các cấp ủy, lãnh đạo đơn vị có sự quan tâm, giúp đỡ về tinh thần, lực lượng để thí sinh vững vàng, tự tin tham gia hội thi. Vì thế, thí sinh tham gia hội thi năm nay đồng đều hơn, đạt và vượt kỳ vọng của Ban tổ chức. Thành công của hội thi đã tạo sự lan tỏa di sản của Bác để chúng ta học tập, làm theo mỗi ngày.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website