Học Bác, cán bộ ngành tư pháp thêm gần dân, hiểu dân, trọng dân

Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của ngành về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.

 

Người dân làm thủ tục, hồ sơ liên quan đến lĩnh vực tư pháp tại
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu, thiết thực, phù hợp với nhiệm vụ chính trị của ngành, hằng năm Đảng bộ Sở Tư pháp luôn chú trọng lựa chọn nội dung phong trào thi đua gắn với triển khai học tập, làm theo nội dung các chuyên đề bảo đảm sát với nhiệm vụ chuyên môn của từng phòng, đơn vị trực thuộc, của từng CBĐV, công chức. Đồng thời, phát huy truyền thống của ngành, nỗ lực thực hành tư pháp theo phương châm gần dân, giúp dân, học dân; chú trọng đẩy mạnh cải cách tư pháp. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của mỗi CBĐV, công chức, đặc biệt là vai trò “đầu tàu” của người đứng đầu các phòng, đơn vị trực thuộc.

Nổi bật về lĩnh vực này phải kể đến Phòng Hành chính tư pháp. Qua nhiều năm, tập thể phòng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của ngành và của tỉnh. Ông Ngô Đức Mậu, Trưởng phòng Hành chính tư pháp cho biết: Trong công tác tư pháp, các TTHC liên quan trực tiếp đến người dân phần lớn tập trung ở lĩnh vực hành chính, bổ trợ tư pháp. Đa phần người dân đến bộ phận “một cửa” ở địa phương và Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để làm các thủ tục hồ sơ: đăng ký hộ tịch, giao dịch bảo đảm, lý lịch tư pháp, nhận con nuôi, quốc tịch, chứng thực…

Để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, thời gian qua CBĐV, công chức của ngành thường xuyên rà soát và phối hợp với các ngành liên quan rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, rút gọn những TTHC không cần thiết, tạo thuận lợi tối đa cho người dân. Với những TTHC thuộc thẩm quyền của địa phương (không cần đến sự phối hợp với các cấp, ngành liên quan) được cán bộ tư pháp trả kết quả ngay trong buổi, để người dân không mất thời gian chờ đợi, đi lại nhiều lần, qua đó góp phần từng bước xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Với những công việc cần tiếp xúc trực tiếp với người dân, CBĐV, công chức Phòng Hành chính tư pháp luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đặt mục tiêu đáp ứng tốt mọi yêu cầu của nhân dân lên hàng đầu.

Bà Phan Thị Phương, Chuyên viên Phòng Hành chính tư pháp, làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh chia sẻ: Thường xuyên tiếp xúc với nhân dân nên CBĐV, công chức tư pháp không chỉ giữ thái độ chuyên nghiệp, làm việc có trách nhiệm mà còn phải thực sự gần dân, hiểu dân. Khối lượng công việc tiếp dân liên quan đến lĩnh vực hành chính tư pháp lớn, áp lực công việc cao nhưng yêu cầu ứng xử văn minh, phục vụ tận tình luôn phải đặt lên hàng đầu, từ hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ đến giới thiệu những tiện ích của dịch vụ công trực tuyến. Điều đáng mừng là, sau khi được hướng dẫn, nhiều người dân (kể cả người lớn tuổi) đều tiếp cận khá nhanh, thực hành thành thạo các bước nộp hồ sơ trực tuyến và nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Từ đầu năm đến cuối tháng 5/2020, Sở Tư pháp tiếp nhận, giải quyết 2.510 hồ sơ (trong đó, sử dụng dịch vụ bưu chính công ích một chiều là 851 hồ sơ, hai chiều là 254 hồ sơ), tăng 5% so với cùng kỳ năm 2019, qua đó góp phần hiện đại hóa nền hành chính, giúp tiết kiệm thời gian, công sức, kinh phí cho người dân, doanh nghiệp.

Cùng với Phòng Hành chính tư pháp, các phòng, đơn vị thuộc Sở Tư pháp cũng có những việc làm cụ thể, thiết thực trong học tập và làm theo Bác. Với CBĐV, công chức Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật, sau khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát, các báo cáo viên phối hợp cùng trợ giúp viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh lại tiếp tục với công việc “cõng luật” về các xã, phường, thôn, tổ phố, kịp thời tư vấn, giải đáp vướng mắc về pháp luật cho người dân. Ông Lữ Mai Thanh Tùng, Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật cho hay: Đặc thù công việc phải tiếp xúc nhiều với nhân dân, đặc biệt là đối tượng chính sách, người nghèo, người khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn, nhận thức pháp luật chưa đầy đủ. Vì vậy, chúng tôi luôn nỗ lực nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, tận tụy, giữ thái độ hoà nhã, lịch sự trong quá trình giao tiếp. Đồng thời linh hoạt, chủ động áp dụng những hình thức tuyên truyền, phổ biến phù hợp, dễ hiểu, dễ nhớ, qua đó góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội. Từ đầu năm đến nay, ngoại trừ thời gian thực hiện quy định giãn cách xã hội, phòng tư pháp các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức 6 buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật. Nội dung chủ yếu được lựa chọn đều là những vấn đề “nóng” đang được xã hội quan tâm, gần sát, thiết thực với đời sống người dân, như: trật tự an toàn giao thông, phòng chống bạo lực gia đình, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý đất đai...

Ông Vũ Minh Hậu, Phó Giám đốc Sở Tư pháp nhấn mạnh: Bác Hồ dạy: “Tư pháp có tốt thì xã hội mới tốt”. Thấm nhuần và thực hiện lời Bác dạy, mỗi CBĐV, công chức Sở Tư pháp đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, tự giác nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ. Nhiệm kỳ qua, 100% CBĐV, công chức chấp hành tốt nội quy, quy chế của cơ quan, của ngành; không có CBĐV, công chức tư pháp, hộ tịch nào vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật; hàng chục lượt CBĐV, công chức được các cấp tuyên dương, khen thưởng về thành tích xuất sắc trong học tập, làm theo Bác. Đây chính là tiền đề, động lực quan trọng để CBĐV, công chức ngành tư pháp thêm tự tin, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng tổ chức đảng, đơn vị vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…

 Thanh Vân

Theo https://www.baohanam.com.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website