Hạnh phúc vô bờ khi được chụp ảnh với Bác

Bức ảnh ngày 25/1/1961 - cậu bé Kim Nam ngày ấy được ngồi trong lòng Bác. Ảnh tư liệu

Trong ngôi nhà ngói giản dị với nhiều khung cửa sổ tràn ánh nắng… ông Kim Nam lại mang bức ảnh được chụp với Bác Hồ ngày ấy ra khẽ lau những lớp bụi; thi thoảng những ký ức vẫn ùa về ngào ngạt vị lạnh cắt ngọt của tháng Chạp năm ấy.

Bức ảnh được ông cất kỹ, thậm chí chụp lại bằng chiếc điện thoại để khi nhớ… là có thể được chiêm ngưỡng vị lãnh tụ kính yêu! Lớp thời gian phủ đầy, mỗi năm, mỗi tháng đến ngày sinh của Bác - những bài ca vang vọng về Người được loa đài từ trong mọi ngõ phố vang lên thì kỷ niệm được gặp Bác, ngồi trong lòng Bác lại thấm đượm trong ông!.

Ngắm nhìn hai bức ảnh, ông Nam ánh lên niềm vui, ông kể cho chúng tôi nghe: “Tôi vinh dự được hai lần chụp ảnh với Bác khi Bác về thăm Vĩnh Phúc, lần thứ nhất vào ngày 25/1/1961 và lần thứ hai vào ngày 2/3/1963, nhưng ấn tượng khắc ghi trong tim tôi đó là ngày 25 tháng 1 năm 1961. Khi ấy vào khoảnh khắc trưa lạnh mùa Đông, sau thời gian thăm Hợp tác xã Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, Bác về Tỉnh ủy.

Ở đây, Bác đi quanh một vòng rồi vào thăm hai gia đình - nhà ông Hồ Ngọc Thu, Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh và gia đình tôi, cha tôi - cụ Kim Ngọc (lúc đó đang ở cương vị Bí thư Tỉnh ủy). Bác thấy có hai ngôi nhà ngói nhỏ, cửa khép - Bác hỏi đây là nhà gì? Cả đoàn thưa Bác - “Đây là nhà của gia đình đồng chí Bí thư và Chủ tịch”.

Ngôi nhà hai gian ngói giản dị thấp thoáng những hàng cây phía sau; khi cánh cửa được mở, Bác quan sát và phê bình vui - “Nhà lộn xộn quá”, cả ông Thu và cha tôi phân trần - “Thưa Bác, nhà có đến năm, sáu người con nên không tránh khỏi lộn xộn ạ!”; Bác đi quanh nhà thăm khu ăn uống rồi đến thăm khu vệ sinh.

Bác - vị lãnh tụ của dân tộc, nhưng Người lại quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ hay sinh hoạt hằng ngày của người dân, gia đình nào Bác đến. Ở Hợp tác xã Lạc Trung cũng vậy, khi Bác về đó biểu dương tinh thần trồng cây của người dân, Bác cũng đi thăm khu vệ sinh của nhiều gia đình để xem cuộc sống của từng hộ ra sao, Bác quan tâm từng chi tiết nhỏ nhất…, từng nhịp sống hằng ngày của người dân dù ở nơi xa xôi, xóm làng…

Khi ấy, tôi đang học lớp 3 Trường tiểu học Ngô Quyền, tôi được thầy giáo cho về khi hay tin Bác Hồ về Vĩnh Phúc. Nói đến đây, ông dừng lại mỉm cười - nụ cười “lém lỉnh” như cậu bé tám tuổi ngày ấy vinh dự được chạy về gặp Bác, trong khi các bạn cùng trang lứa không có cơ hội được gặp.

Bức ảnh ngày 2/3/1963 - cậu bé Kim Nam ngày ấy lần thứ 2 được chụp chung với Bác Hồ. Ảnh tư liệu. ( Trong ảnh, cậu đội chiếc mũ bịt tai).

Ông nói thêm: “Lúc ấy, tôi chạy nhanh lắm, như hay tin mẹ đi chợ về có quà. Nhớ lại ngày ấy cũng như bây giờ, khi kể về Bác, tôi nhiều cảm xúc vô cùng, cảm xúc vui vẻ, hân hoan ngập tràn của đứa trẻ được gặp Cụ Hồ kính yêu hay nỗi nhớ mong của một người ở độ tuổi "thất thập cổ lai hy" được một lần quay trở về với Bác… gần gần, xa xa cứ bồi hồi trong tim!”.

Ông tiếp lời: “Khi tôi vào nhà, tay còn cầm tấm mía và khi nhìn thấy Bác - khuôn mặt Bác hiền từ, Bác mặc chiếc áo bông giản dị, tôi chạy theo Bác và bị những người cảnh vệ bên cạnh ngăn lại, nhưng Bác vẫy tôi, thế là tôi được Người “đặc cách” cho tới gần.

Có lẽ sự ấm áp nơi Bác đã khiến tôi cảm thấy gần gũi, Bác nhìn tôi mỉm cười trìu mến. Sau đó, mọi người quây quần bên Bác để chụp tấm ảnh kỷ niệm; lúc này tôi đã được ngồi trọn trong lòng Bác với tình yêu ấm áp, Bác đặt tay lên xoa đầu tôi, cảm giác lúc này với Bác thật gần, thật yêu thương như ông nội của mình… và người chụp ảnh đã chớp được khoảnh khắc tuyệt vời đó. Chỉ có ít phút được nhìn thấy Bác, được Bác dành cho những tình cảm yêu thương… tôi mãi mãi không bao giờ quên!.

Sau này trong suốt những tháng năm chiến đấu ở chiến trường, tôi vẫn mang theo tấm hình được ngồi lòng Bác như một niềm tin cho tôi sức mạnh và chiến thắng… Và đến giờ, bức ảnh ấy vẫn mãi là một kỷ vật vô giá để tôi thêm trân trọng những tháng ngày lịch sử, quá khứ, truyền thống gia đình cũng như Bác, như cha tôi đã để lại…

Chia tay Bác hôm đó, sau này tôi được nghe lại, buổi trưa muộn hôm đó, Bác ăn cơm chay tại chùa Hà Tiên, thành phố Vĩnh Yên bây giờ. Bác vốn giản dị, đi đâu cũng không muốn phô trương, nhất là chuyện ăn uống, Người đạm bạc vô cùng, không cần những thức ăn cao sang, không phiền để cán bộ tỉnh phải tiếp đón, Bác chọn cảnh đẹp thanh tao, yên bình nơi ngôi chùa nhỏ lúc bấy giờ để làm nơi nghỉ ngơi, ăn trưa. Sự giản dị đến cao cả đó sau này tôi cũng như nhiều người mới được biết, để càng thêm cảm phục tấm lòng yêu nước, thương dân cũng như yêu các cháu nhi đồng của Bác…

Bác rất vĩ đại nhưng cũng thật gần gũi, Bác hiện lên thật đẹp đẽ qua những câu hát của các em thiếu niên nhi đồng - “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng…, ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam…”.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website