Hà Tĩnh thực hiện Chỉ thị 05 từ 3 khâu đột phá

Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã lựa chọn 3 đột phá đó là: Đề cao trách nhiệm “nêu gương” của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; thực hành dân chủ, kỷ cương trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thực hiện Chỉ thị 05 gắn với các phong trào thi đua yêu nước. Từ các phong trào, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu. Theo đó, hơn qua 3 năm, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã vinh danh 904 gương điển hình tiên tiến gồm 273 tập thể, 631 cá nhân xuất sắc về học và làm theo Bác.

Trong việc “nêu gương” cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp; Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành Quy định số 890-QĐ/TU, về trách nhiệm “nêu gương” của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ và người đứng đầu các cấp. Đưa nội dung các quy định vào chương trình kiểm tra, giám sát; sinh hoạt chi bộ, đảng bộ, hướng dẫn cán bộ, đảng viên đăng ký nội dung “nêu gương”. Việc học Bác về phong cách làm việc khoa học hiệu quả, Hà Tĩnh đã tập trung thực hiện cải cách hành chính đồng bộ trên tất cả các nội dung: Thể chế, quy chế; tổ chức bộ máy; đội ngũ cán bộ; thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa; thành lập và đưa vào hoạt động và 13 trung tâm hành chính cấp huyện giảm bớt phiền hà, thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian chi phí cho nhân dân, tạo môi trường cho phát triển kinh tế - xã hội... Chỉ đạo các huyện, thành, thị ủy trực thuộc xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở từng cơ quan, đơn vị với phương châm “sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện” . Cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc, người đứng đầu các cấp thực hiện các quy định nêu gương gắn với kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên và lấy phiếu tín nhiệm; xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm. Việc thực hiện trách nhiệm “nêu gương” đã tác động tích cực đến việc rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, tư cách của cán bộ, đảng viên, ý thức trách nhiệm, chất lượng giải quyết công việc được nâng cao, giải quyết khiếu nại tố cáo, hạn chế tình trạng đơn thư vượt cấp. Hoạt động đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền được tăng cường, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nắm bắt những vướng mắc, bức xúc để kịp thời giải quyết.

Khâu “đột phá” thứ hai chính là việc thực hành dân chủ kỷ cương công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tỉnh ủy, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định về công tác cán bộ phù hợp với tình hình mới. Quy định cán bộ được bổ nhiệm, giới thiệu, ứng cử giữ các chức vụ thuộc diện Ban Thường vụ quản lý phải có chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí công tác. Thực hiện quy trình đề bạt, luân chuyển điều động, bổ nhiệm cán bộ bảo đảm dân chủ công khai, minh bạch, khách quan theo đúng quy trình 5 bước; nhằm khắc phục tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền” trong công tác cán bộ. Việc đánh giá cán bộ được thực hiện nghiêm túc, có nhiều điểm mới, nhất là đánh giá cán bộ xuyên suốt, đa chiều, từng bước nâng cao chất lượng tại cơ sở. Ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa, Quy định về “Phát huy vai trò nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ... Thường xuyên tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, nhất là việc giải quyết, xử lý những vấn đề xúc, các kiến nghị hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Các vấn đề bức xúc, trọng tâm, nổi cộm được Tỉnh ủy tập trung giải quyết như sự cố môi trường biển, được xử lý kịp thời, hạn chế phức tạp. Tăng cường công tác chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc; thực hiện tốt Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành, đổi mới tác phong lề lối làm việc, đề cao tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử của cán bộ, công chức đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Chú trọng việc trau dồi, rèn luyện bản thân, nâng cao phẩm chất, năng lực, ý thức, thái độ phục vụ nhân dân; chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định của cơ quan; chăm lo xây dựng đoàn kết thống nhất nội bộ, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đột phá thứ 3 trong thực hiện Chỉ thị số 05 là gắn phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; giảm nghèo bền vững; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xây dựng văn hóa, con người Việt Nam; đấu tranh ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội. Hằng năm, các địa phương, đơn vị đã tổ chức phát động phong trào thi đua yêu nước với chủ đề xuyên suốt, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nỗ lực phấn đấu thi đua, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng cường củng cố quốc phòng- an ninh, giữ gìn trật tự xã hội. Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, Hà Tĩnh là 1 trong 13 tỉnh thành được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất giai đoạn 2010-2015, đến cuối năm 2018, toàn tỉnh đã có 158 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các huyện như Nghi Xuân, Can Lộc đạt và sắp cán đích huyện nông thôn mới; Thành phố Hà Tĩnh đạt chuẩn đô thị loại 2; Thị xã Hồng Lĩnh, Thị xã Kỳ Anh phấn đấu là đô thị loại 3. Trong 10 năm, tỉnh đã huy động được 143 tỷ đồng từ các nguồn tài trợ để xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đặc biệt, Hà Tĩnh triển khai thực hiện tiêu chí thứ 20 về khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu. Toàn tỉnh hiện có 238 thôn và 3.380 vườn mẫu đạt chuẩn; có hơn 1.200 vườn mẫu doanh thù từ 500 triệu đồng trở lên, trong đó có hơn 260 vườn doanh thu hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Các đơn vị được giao đỡ đầu, tài trợ đã có nhiều cách làm chủ động, sáng tạo như: Tư vấn phương pháp, cách làm, trực tiếp tài trợ hoặc huy động nguồn tài trợ bên ngoài giúp các địa phương về vật chất, ngày công huy động từ 165.187 hộ, hiến 7.120.998 m2 đất trị giá gần 1 tỷ đồng... Nông thôn mới Hà Tĩnh trở thành điểm sáng cho cả nước, tính đến cuối năm 2019, tỉnh đã có 188 xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới tiêu chuẩn. Thông qua việc làm theo Bác trong xây dựng nông thôn mới, đội ngũ cán bộ các cấp nhất là cơ ở ngày càng được rèn luyện tích cực, tự giác chủ động thực hiện các nhiệm vụ; người dân hiểu rõ trách nhiệm quyền lợi của mình, tự giác, tự nguyện tham gia, ý thức chấp hành pháp luật được nâng cao, tình làng nghĩa xóm được củng cố bền vững. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được cấp ủy các cấp xác định là nhiệm vụ thường xuyên. Các địa phương, đơn vị luôn quan tâm xây dựng, ban hành quy chế làm việc của cấp ủy; quy chế quản lý tài chính trong các lĩnh vực sử dụng như: Xăng xe, điện, nước, điện thoại, quy định về tổ chức kỷ niệm các ngày lễ, truyền thống... Do đó, tỷ lệ các hộ cận nghèo của Hà Tĩnh hiện nay giảm thấp hơn so với bình quân chung so với toàn quốc.

 

 Thành phố Hà Tĩnh hôm nay.

Để đạt kết quả trên là do cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng của Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã đưa nội dung kiểm tra, giám sát việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào các chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa, hằng năm gắn công tác phòng chống tham nhũng và những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Từ năm 2016 đến nay, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 3.712 tổ chức đảng, 3.121 đảng viên; giám sát chuyên đề 2.730 tổ chức đảng, 2.826 đảng viên. Các tổ chức đảng có  thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật 1.993 đảng viên, 24 tổ chức đảng, trong đó khiển trách: 1.567 đảng  viên, 18 tổ chức đảng; cảnh cáo 279 đảng viên, 6 tổ chức đảng; cách chức 49 đảng viên; khai trừ 98 trường hợp. Tiếp tục duy trì 13 đoàn công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát tại địa phương, cơ sở do các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn, các đồng chí trưởng, phó các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh làm thành viên. Trong 3 năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập 15 đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ thị, nghị Quyết. Các huyện, thành phố, thị xã cũng thành lập các đoàn công tác của Ban Thường vụ cấp ủy, gắn nội dung kiểm tra, giám sát với việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết. Công tác triển khai các chuyên đề hằng năm, các chương trình, kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kết quả thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Các đoàn công tác đã giúp địa phương, cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình kiểm tra, giám sát; tham gia cuộc họp, các buổi giao ban, làm việc với các tổ chức chính trị các cấp... Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng chọn những nội dung cốt lõi, trọng tâm của địa phương, đơn vị, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, nhất là người đứng đầu để kiểm điểm tự phê bình và phê bình; chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm; nguyên nhân và trách nhiệm tập thể, cá nhân; đặc biệt bàn giải pháp để khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Cùng với việc xem xét, lựa chọn các nội dung gợi ý kiểm điểm đối với 31 tập thể theo tinh thần nghị quyết Trung ương 4, khóa XII; phân công các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp dự, chỉ đạo hội nghị kiểm điểm, sau kiểm điểm ban hành Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả kiểm điểm của từng đơn vị để các tập thể, cá nhân sửa chữa khắc phục. Với việc xác định trọng tâm 3 khâu đột phá trong thực hiện Chỉ thị 05, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 05 gắn với thực hiện Nghị quyết TW 4 khóa XII đã giúp Đảng bộ Hà Tĩnh đạt được mục tiêu, hiệu quả trong thực hiện Chỉ thị 05 và xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh./.

 

Mai Phương

Theo http://ubkttw.vn

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website