Tiêu biểu là anh Nguyễn Anh Kiệt (SN 1970), hội viên người mù ấp Gò Nổi, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh luôn nỗ lực vượt khó làm chủ số phận.
Trong những năm qua, lời dạy của Bác “tàn nhưng không phế” đã trở thành phương châm hoạt động của các cấp Hội Người mù trong tỉnh và là nguồn động lực, tiếp thêm ý chí cho những người khiếm thị vượt lên khó khăn hoà nhập cộng đồng. Tiêu biểu là anh Nguyễn Anh Kiệt (SN 1970), hội viên người mù ấp Gò Nổi, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành luôn nỗ lực vượt khó làm chủ số phận.
Anh Kiệt (thứ 2 từ trái qua) trao quà cho hội viên người mù trong huyện
Nỗ lực vươn lên nghịch cảnh
Năm 1991, anh Kiệt lập gia đình với chị Đặng Thị Oanh (SN 1973), dù cuộc sống khó khăn bữa đói, bữa no nhưng vợ chồng anh tâm đầu, ý hợp, dành hết tình yêu cho nhau, cùng vượt qua gian khó.
Năm 1998, tai hoạ giáng xuống gia đình khi anh Kiệt bị tai nạn làm mù hai mắt, cụt một tay. “Là trụ cột trong gia đình mà tật nguyền như thế chỉ làm khổ vợ, khổ con nên cứ vài ngày anh lại đòi chết”- chị Oanh vừa kể về chồng, vừa lau nước mắt.
Trước nghịch cảnh trớ trêu, chị Oanh vừa cố gắng làm lụng bất kể sớm khuya, vừa động viên thuyết phục anh vượt qua cảnh ngộ. Có được sự đồng cảm, yêu thương từ phía gia đình, anh Kiệt dần thoát khỏi tâm trạng mặc cảm, tự ti và bắt đầu có niềm tin vào cuộc sống. Anh tự nhủ, vợ con đã chịu nhiều thiệt thòi thì mình càng phải yêu thương nhiều hơn. Hàng ngày anh Kiệt cần mẫn chăm lo việc nhà cửa, bếp núc, giặt giũ quần áo, lúc rảnh anh cùng vợ ra đồng làm cỏ, vét mương.
Lúa được mùa, được giá, lại được Hội Người mù của huyện hỗ trợ một con bò cái sinh sản, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ dần ổn định. Hai vợ chồng có thói quen sống tiết kiệm, biết dành dụm, đến năm 2004, anh chị đã xây được nhà mới khang trang, có tiền cho các con ăn học và mua thêm đất sản xuất.
Hiện nay, gia đình anh chăn nuôi gần 100 con gà, vịt, chăm sóc 3 con bò và canh tác 1,2 ha trồng lúa mỗi năm hai vụ, mỗi vụ trừ chi phí còn lời từ 25-30 triệu đồng. Anh Kiệt vui mừng nói: “Thấy vợ khoẻ, con ngoan học giỏi là mình vui rồi, chỉ cầu mong mình có sức khoẻ để cùng vợ chăm lo cho các con”.
Anh Kiệt chia sẻ: “Trong thời gian sinh hoạt ở Hội Người mù của huyện, tôi đã được nghe câu chuyện Bác Hồ đến thăm những thương binh hỏng mắt vào Tết Bính Thìn 1956 và Bác nói “tàn nhưng không phế”. Nhờ đó, tôi hiểu được ý nghĩa, mục đích lời dạy của Bác và đã vượt qua số phận, cùng vợ con lao động, sản xuất tạo ra thu nhập để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay”.
Chung tay hỗ trợ
Trải qua những tháng ngày vất vả, để có được như ngày hôm nay, hơn ai hết, anh Kiệt thấu hiểu sự thiệt thòi của những người không còn được nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Nay con cái đã an bề gia thất, anh tìm niềm vui qua việc hỗ trợ cho những người cùng cảnh ngộ như mình.
Để ý nghĩ thành hiện thực, ngoài việc tiết kiệm từ sản xuất, chăn nuôi của gia đình, anh Kiệt vận động con gái và cô em gái có kinh tế khá giả cùng chung tay. Từ năm 2020 đến nay, vào các dịp lễ tết trong năm, anh hỗ trợ mỗi lần từ 30-50 phần quà cho hội viên Hội Người mù trong huyện, mỗi phần quà trị giá 400.000-500.000 đồng.
Ngoài ra, anh còn vận động các mạnh thường quân ủng hộ tiền mặt cho những hội viên đau bệnh, mỗi suất từ 200.000 đến 300.000 đồng. Anh Kiệt cho biết: “Nhờ chọn đúng đồi tượng nhận quà, trao quà công khai, minh bạch nên có nhiều mạnh thường quân luôn sẵn sàng gắn bó lâu dài với Hội”.
Ông Ngô Thanh Tuấn - Chủ tịch Hội Người mù huyện Châu Thành cho hay: “Những nỗ lực của anh Kiệt trong cuộc sống và tinh thần thiện nguyện của anh đã tiếp thêm nghị lực, niềm tin cho những người khiếm thị vượt qua hoàn cảnh bằng sức lao động của mình hoà nhập cộng đồng, đưa phong trào của Hội ngày càng phát triển”.
Hà Quang
Theo https://baotayninh.vn