“Giữ lửa” truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

Được thành lập từ năm 2014, đến nay Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh có 193 hội viên. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tỉnh Bắc Ninh có hàng nghìn chiến sĩ cách mạng bị địch tra tấn dã man, khốc liệt. Để chống lại chế độ nhà tù hà khắc, những chiến sĩ cách mạng đã vượt qua những đòn tra tấn tàn bạo, thủ đoạn chiến tranh tâm lý nham hiểm của kẻ thù bằng tinh thần lạc quan, dũng cảm, mưu trí, biến nhà tù thành trường học cách mạng.

 Ông Vũ Văn Kim, Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh cho biết: “Khắc ghi lời Bác dạy “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và cần thiết”, những năm qua,  bằng tình cảm và trách nhiệm, Hội đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho cho các em học sinh vào dịp khai giảng năm học mới, ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12), Quốc khánh (2-9), ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4)... Từ năm 2020 đến nay, Hội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn, các trường học tổ chức hơn 40 buổi nói chuyện truyền thống cho hơn 20.000 lượt học sinh tại các trường: THPT Ngô Gia Tự, THPT Lý Thái Tổ, THCS Tam Sơn, THCS Hương Mạc (Từ Sơn); THPT Nguyễn Đăng Đạo, THCS Tân Chi, THCS Nguyễn Đình Xô (Tiên Du); THCS Song Liễu (Thuận Thành); THCS Lê Văn Thịnh, THCS Đại Lai (Gia Bình)...

 

 Người dân tham quan khu trưng bày “Sáng mãi người chiến sĩ cách mạng tỉnh Bắc Ninh bị địch bắt tù đày” tại Trung tâm Văn hóa Luy Lâu (Thuận Thành).

Các câu chuyện lịch sử được những người lính từng “vào sinh ra tử” kể lại chân thực, xúc động và tự hào về những ngày tháng gian lao tại  nhà tù Côn Đảo và Phú Quốc-Nơi được ví như “Địa ngục trần gian”. Đó là tấm gương hy sinh anh dũng của AHLLVT nhân dân, liệt sỹ Nguyễn Đình Xô ở xã Lạc Vệ (Tiên Du), dù bị kẻ thù dội nước sôi vào người nhưng vẫn một lòng sắt son theo Đảng, giữ bí mật, kiên quyết hy sinh bảo vệ đồng chí, đồng đội. Thế hệ trẻ hôm nay thật cảm động và khâm phục trước hành động tự rạch bụng mình để phản đối hành động không trao trả tù binh theo Hiệp định Pari của ông Vũ Văn Kim ở thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ (Thuận Thành).

Ai từng đến Bảo tàng Bắc Ninh cũng rưng rưng khi tận mắt đọc lá thư tuyệt mệnh của ông Đào Văn Kim ở thôn Cổ Miếu, xã Phật Tích (Tiên Du) xung phong tự thiêu, nguyện làm bó đuốc sống để đấu tranh, phản đối chế độ hà khắc của nhà tù, giành quyền lợi cho đồng đội. Hay câu chuyện ông Nguyễn Bá Đạt ở thôn Từ Ái, xã Song Giang (Gia Bình) dù bị địch dùng cáp treo lên đánh bằng roi cá đuối và vồ gỗ nhưng vẫn kiên cường vượt qua thử thách; ông Nguyễn Văn Ất ở phường Tam Sơn (Từ Sơn) bị nhốt trong chuồng cọp, nhưng ông đã cùng đồng đội mưu trí, dũng cảm vượt ngục thành công bằng thùng rác trở về, tiếp tục hoạt động cách mạng... Đó là những “bảo tàng sống” giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về tinh thần, ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của những người con ưu tú Bắc Ninh-Kinh Bắc trong các cuộc kháng chiến trường kỳ giải phóng dân tộc.

Thầy giáo Nguyễn Văn Thưởng, Hiệu trưởng Trường THCS Song Liễu (Thuận Thành) chia sẻ: “Thông qua các câu chuyện sinh động được kể lại bởi những nhân chứng lịch sử trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đã giúp các thầy cô giáo và học sinh hiểu sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc. Từ đó,  các em học sinh ý thức được trách nhiệm của mình và nỗ lực hơn nữa trong học tập, lao động”.

Phát huy tinh thần gương mẫu, Hội còn quán triệt cán bộ, hội viên phản bác những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá Đảng và chế độ ta; tuyên truyền chủ quyền biển, đảo; giữ gìn an ninh trật tự và an toàn giao thông; bảo vệ môi trường; thăm lại chiến trường xưa; trưng bày chủ đề “Sáng mãi tấm gương người chiến sĩ cách mạng tỉnh Bắc Ninh bị địch bắt tù đày”; đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”; quan tâm chăm lo cho gia đình chính sách, người có công.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website