Anh Điểu Nêu, ở bon Bu N’Đót, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp, Đắk Nông), xuất phát từ hoàn cảnh nghèo khó. Quá trình lao động, sản xuất, anh đã rèn luyện, học tập đức tính cần cù, chịu khó của Bác. Giờ đây, anh trở nên giàu có, đóng góp nhiều cho xã hội.
Năm 2002, cũng như bao thanh niên trong bon, anh Điểu Nêu lập gia đình rồi ra ở riêng. Do thiếu vốn sản xuất, kinh nghiệm chăm sóc cây trồng chưa có, nên vợ chồng anh gặp không ít khó khăn.
Những năm đầu lập nghiệp, anh chị đã dành dụm mua được 1 ha đất sản xuất. Để tăng thêm thu nhập, vợ chồng anh đã chịu khó làm ăn, kiên trì thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”.
Vợ chồng anh cũng chi tiêu tiết kiệm, tích lũy vốn để đầu tư sản xuất. Ngoài thời gian làm rẫy, mỗi khi rảnh rỗi, vợ chồng anh thường đi làm thêm cho các trang trại, nhà vườn để có thu nhập, trang trải cuộc sống.
Nhờ tinh thần chịu thương, chịu khó, vợ chồng Điểu Nêu đã từng bước vượt qua khó khăn. Năm 2018, vợ chồng anh đã thoát nghèo, xây dựng được ngôi nhà khang trang, trị giá gần 1 tỷ đồng. Đặc biệt, vợ chồng còn có điều kiện nuôi con cái học hành rất tốt.
Anh Điểu Nêu cho biết: “Trước đây, khi đi sinh hoạt Đoàn, tôi đã thuộc lòng lời dạy của Bác Hồ là “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”. Tôi luôn nhẩm đọc lời dạy này trong đầu, xem đó như phương châm sống của mình”.
Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật, nên vườn tiêu của anh Điểu Nêu phát triển ổn định, cho thu nhập cao
Theo Điểu Nêu, hồi mới lập gia đình, kinh tế rất khó khăn, thiếu vốn, không am hiểu khoa học kỹ thuật, nên chỉ trồng mỳ, bắp, hiệu quả kinh tế không cao. Cái đói, cái nghèo vì thế đeo bám gia đình anh.
Tuy nhiên, sau khi được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho vay vốn, tập huấn khoa học kỹ thuật, anh chuyển sang trồng cà phê, hồ tiêu. Từ đó, kinh tế gia đình anh đã chuyển biến tích cực.
Để kinh tế gia đình ngày một phát triển, ngoài chăm chỉ lao động, chi tiêu hợp lý, Điểu Nêu còn tích cực tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất hiệu quả trong, ngoài xã để áp dụng vào thực tế gia đình.
Anh lựa chọn cách làm từ dễ đến khó, kiên trì áp dụng kỹ thuật vào vườn cà phê, hồ tiêu của mình. Nhờ đó, 3 ha cà phê, 1 ha hồ tiêu của anh phát triển tốt, cho năng suất cao.
Niên vụ 2021, gia đình anh thu được gần 10 tấn cà phê nhân, hơn 3 tấn hồ tiêu. Tổng thu nhập của gia đình anh lúc này đã lên tới gần 500 triệu đồng/năm.
Để giảm chi phí sản xuất, ngoài dùng một phần phân vô cơ, anh còn ủ phân hữu cơ vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp bón cho cây trồng. Trên khoảng đất trống trong vườn cây, anh trồng cây lạc dại để vừa chống xói mòn, rửa trôi đất vào mùa mưa, vừa giữ độ ẩm cho đất vào mùa khô.
Cây lạc dại sau khi cắt bỏ cũng giúp cho đất tơi xốp, cây trồng phát triển rất tốt, ít sâu bệnh, cho năng suất cao. "Phương pháp sản xuất của tôi tuy không có gì mới, nhưng để áp dụng vào thực tế cũng không phải dễ. Phải kiên trì, chịu khó mới làm được", anh Điểu Nêu chia sẻ.
Từ một hộ đói ăn, thiếu mặc quanh năm, nhờ chăm chỉ lao động, biết tính toán làm ăn, nhất là sử dụng đồng vốn linh hoạt, hợp lý, đến nay, gia đình Điểu Nêu đã thoát nghèo bền vững, trở thành nông dân sản xuất giỏi của địa phương.
Ông Điểu Doan, Chi hội trưởng Hội Nông dân bon Bu N’Đót, xã Đắk Wer cho biết, nhờ nỗ lực, quyết tâm của bản thân và tinh thần ham học hỏi, gia đình Điểu Nêu đã thành công vượt bậc.
Anh đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, tích cực ứng dụng khoa học vào sản xuất. Giờ đây, anh là nông dân sản xuất giỏi cấp huyện. Anh là tấm gương sáng để nhiều người học hỏi.
"Từ một thanh niên nghèo, nhờ thấm nhuần lời dạy của Bác mà bền chí vượt qua hoàn cảnh khó khăn, anh Điểu Nêu đã vượt lên số phận. Anh đã chiến thắng đói nghèo, lạc hậu" ông Điểu Doan cho biết.
Kim Ngân
Theo http://baodaknong.org.vn