Qua 03 năm (2021 - 2023) thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, có sức lan tỏa, sâu rộng trong toàn xã hội.
Bà Nguyễn Thị Khá tặng quà cho hộ nghèo xã Phương Thạnh, huyện Càng Long.
Ban Thường vụ Huyện ủy Càng Long chỉ đạo tổ chức cơ sở Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên có trách nhiệm thực hiện nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương.
Trong đó, đề cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Khẳng định vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính theo hướng phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, cán bộ, công chức, viên chức nâng cao ý thức trách nhiệm, hình thành tác phong, lề lối làm việc văn minh, lịch sự, thân thiện, được Nhân dân tín nhiệm.
Bên cạnh đó, thường xuyên quan tâm công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhất là đối với thế hệ trẻ. Phát động phong trào học tập và làm theo lời Bác dạy, phổ biến cho thiếu niên, thiếu nhi học tập “5 điều Bác Hồ dạy thiếu nhi”, tổ chức các hội thi, kể chuyện về Bác. Các trường học trong huyện có nhiều cách làm hiệu quả thiết thực, nhiều mô hình học tập làm theo tiêu biểu. Huyện Đoàn phát động đoàn viên thanh viên viết nhật ký làm theo Bác, tổ chức các hoạt động xã hội mang lại hiệu quả thiết thực được thực hiện thường xuyên.
03 năm qua, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trên địa bàn huyện quan tâm chỉ đạo triển khai sâu rộng, tạo sức lan tỏa rộng lớn, làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, hội viên, việc xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Những mô hình hay, cách làm hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong toàn xã hội góp phần xây dựng quê hương Càng Long ngày thêm giàu mạnh.
Bà Nguyễn Thị Khá, cán bộ hưu trí là đảng viên Chi bộ ấp Giồng Chùa, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long. Ấp Giồng Chùa, xã Phương Thạnh là 01 trong 03 ấp có đông đồng bào Khmer sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo tuy có giảm nhưng vẫn còn cao so với các ấp khác, mức sống một bộ phận người dân nơi đây vẫn còn thấp, nhất là những hộ có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn.
Những năm đầu về hưu nơi cư trú, là đảng viên, bà Nguyễn Thị Khá nhận thấy bản thân cần có trách nhiệm, quan tâm đến đời sống của Nhân dân, góp một phần công sức của mình giúp người dân vượt qua khó khăn, an tâm trong cuộc sống. Xuất phát từ ý tưởng đó, hàng tháng, bà Nguyễn Thị Khá trích tiền lương của mình 04 triệu đồng để mua gạo, nhu yếu phẩm hỗ trợ 07 hộ Khmer nghèo, hoàn cảnh neo đơn cao tuổi trên địa bàn ấp; bà tích cực vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ cho Nhân dân, đặc biệt là nhu yếu phẩm thường ngày cho hộ gia đình người già không có điều kiện lao động còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Thông tin từ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Càng Long, giai đoạn 2021 - 2022, huyện Càng Long có 1.273 mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (1.207 mô hình tập thể và 1.066 mô hình cá nhân). Qua kiểm tra, thẩm định có 48 mô hình của tập thể và 60 mô hình cá nhân có cách làm hay. Ban Thường vụ Huyện ủy Càng Long xét chọn biểu dương, khen thưởng 22 tập thể và 47 cá nhân tiêu biểu.
Năm 2023, có 297 mô hình (83 mô hình tập thể và 214 mô hình cá nhân). Qua kiểm tra, thẩm định, Ban Thường vụ Huyện ủy Càng Long biểu dương, khen thưởng 09 tập thể và 09 cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác và thực hiện tốt công tác tham mưu thực hiện Kết luận số 01-KL/TW. Riêng năm 2024, toàn huyện đăng ký 1.591 mô hình, trong đó, có 288 mô hình tập thể và 1.303 mô hình cá nhân.
|
Qua nhiều năm thực hiện mô hình “Chăm lo cho hộ nghèo khó khăn”, bà Nguyễn Thị Khá trích số tiền hưu trí của mình trên 336 triệu đồng và vận động các mạnh thường quân mỗi năm hàng trăm triệu đồng tặng quà cho hộ nghèo, hộ hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện trong các dịp lễ, tết... Trong đó, hỗ trợ nhiều nhất cho người dân 03 xã Bình phú, Huyền Hội và Phương Thạnh.
Mô hình của bà Nguyễn Thị Khá được sự đồng tình, ủng hộ của đảng viên và Nhân dân trong ấp Giồng Chùa, xã Phương Thạnh nói riêng, huyện Càng Long nói chung. Việc làm mang ý nghĩa thiết thực, đậm tính nhân văn của bà Nguyễn Thị Khá là tấm gương sáng trong chăm lo cho người nghèo, người già, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, tạo sức lan tỏa cho mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ xã học tập nêu gương cùng thực hiện.
Thông tin từ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Càng Long, trong khối trường học trên địa bàn huyện có nhiều mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả, được các cấp ủy đánh giá cao, biểu dương, khen thưởng. Đơn cử như mô hình “Trồng bông bán tết hỗ trợ bảo hiểm y tế (BHYT) cho học sinh hoàn cảnh khó khăn” của cô Phạm Hồng Diệu, đảng viên Chi bộ Trường THCS Phương Thạnh, xã Phương Thạnh.
Năm học 2021 - 2022, Trường THCS Phương Thạnh có 50 giáo viên và 661 học sinh. Bình quân mỗi năm trường có trên 100 học sinh nghèo, cận nghèo và thuộc diện khó khăn. Đây là những học sinh có nguy cơ bỏ học giữa chừng rất cao. Trước tình hình đó, từ đầu năm học 2021 - 2022, Trường THCS Phương Thạnh vận động các nguồn lực xã hội để mua BHYT cho các em. Tuy nhiên, đến tháng 10, trường chỉ mua được 48 thẻ BHYT tặng 48 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vẫn còn hàng trăm học sinh chưa có điều kiện để mua BHYT, đó là nỗi niềm trăn trở của Ban Giám hiệu Trường và cô Phạm Hồng Diệu.
Từ những trăn trở ấy, cô Phạm Hồng Diệu nghĩ ra một cách làm để có tiền mua BHYT cho các em, đó là trồng bông bán tết. Nghĩ là làm, cô Diệu mạnh dạn đề nghị và đăng ký với Chi bộ Trường thực hiện mô hình này. Để tổ chức thực hiện mô hình sao cho hiệu quả, cô Diệu tham mưu với Ban Giám hiệu trường thực hiện công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh thông qua các buổi họp Hội đồng sư phạm nhà trường, họp cha mẹ học sinh vào các buổi nói chuyện dưới cờ. Kết quả, ý tưởng của cô được sự nhất trí, đồng thuận cao.
Với hình thức, giáo viên có đất, có tro trấu, phân chuồng, mùn cưa, xơ dừa... thì góp mỗi người 01 bao và học sinh thì góp mỗi em 01kg. Sau khi thực hiện mô hình, năm học 2021 - 2022, cô Diệu thu được số tiền trên 18 triệu đồng từ việc bán bông dịp tết, sau khi trừ chi phí, còn lại hơn 13 triệu đồng.
Cùng với số tiền này, cô Diệu vận động sự hỗ trợ của các mạnh thường quân mua được 52 BHYT cho 52 học sinh của Trường. Kết quả cuối năm học, Trường THCS Phương Thạnh đạt tỷ lệ 100% học sinh tham gia BHYT, được Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Trà Vinh tặng giấy khen “Đã có thành tích trong thực hiện BHYT học sinh, sinh viên 02 năm liền (năm học 2021 - 2022 và 2022 - 2023).
Qua thực hiện mô hình, cô Phạm Hồng Diệu giúp đỡ được nhiều học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học giữa chừng, tạo được sự gắn kết giữa thầy cô và học sinh, góp phần trong công tác xã hội hóa giáo dục.
Mô hình “Trồng bông bán Tết, hỗ trợ BHYT cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn” tuy nhỏ nhưng có sức lan tỏa lớn, giúp mọi người trong xã hội quan tâm hơn đến thế hệ tương lai, giúp giáo viên yêu thương, quan tâm, gần gũi hơn với học sinh, đặc biệt là những học sinh có nguy cơ bỏ học. Các học sinh của trường thấy được sự quan tâm của thầy giáo, cô giáo, của mọi người xung quanh đối với mình, từ đó, tích cực học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, kéo giảm tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng.
Bài, ảnh: KIM LOAN
Theo https://www.baotravinh.vn