Trong đó, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai thực hiện gắn với nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội, phong trào phụ nữ và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Từ đó, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo trong triển khai thực hiện; xây dựng, nhân rộng các tập thể, cá nhân phụ nữ điển hình trong học tập và làm theo Bác với nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng...
NHIỀU MÔ HÌNH HAY, CÁCH LÀM SÁNG TẠO
Để hạn chế tình trạng rác thải nhựa bị vứt bỏ tràn lan, gây ô nhiễm môi trường, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động, như: Tặng giỏ nhựa đi chợ; tái chế rác thải thành đồ vật hữu ích và nhiều mô hình khác. Trong đó, mô hình “Biến rác thành tiền”, “Ủ phân vi sinh từ rác hữu cơ” hay “Đổi rác thải nhựa lấy quà” mang lại hiệu quả thiết thực, được các cấp Hội tích cực nhân rộng.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kim Phượng thăm, tặng quà trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Đồng thời, để giữ gìn, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp và duy trì, nâng cao hơn nữa các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM), trong những năm qua, Hội LHPN xã Tân Hòa Thành (huyện Tân Phước) đã thực hiện mô hình “Biến rác thành tiền”.
Mỗi hội viên phụ nữ (HVPN) trong các chi, tổ hội của xã Tân Hòa Thành đều gương mẫu, tích cực hưởng ứng thực hiện mô hình này bằng những việc làm, như: Phân loại rác thải ngay tại gia đình; đi trên đường gặp rác thải nhựa đều thu gom, mang về tập kết, bán gây quỹ, dành mua quà tặng hỗ trợ HVPN có hoàn cảnh khó khăn.
Còn tại xã Lương Hòa Lạc và Song Bình (huyện Chợ Gạo), có mô hình “Đổi rác thải nhựa lấy quà” được tổ chức trong HVPN các xã. Định kỳ mỗi tháng 1 lần, người dân trong các xã sau khi được thông báo về mô hình “Đổi rác thải nhựa lấy quà” đã mang rác thải nhựa đến tại UBND các xã để đổi lấy quà, với hình thức cứ 2 kg rác thải nhựa người dân sẽ được đổi lấy 1 chai nước mắm hoặc 1 dây dầu gội đầu, hay 1 cục xà bông, cùng những vật dụng thiết yếu cho các gia đình như hộp nhựa, giỏ đi chợ, giấy vệ sinh… Tùy theo nhu cầu của gia đình mà người dân có thể lựa chọn những món quà cần thiết.
Chủ tịch Hội LHPN xã Lương Hòa Lạc Nguyễn Thị Thúy Vân cho biết: “Khi triển khai mô hình “Đổi rác thải nhựa lấy quà” ở các chi hội được HVPN và người dân của xã nhiệt tình hưởng ứng. Việc đổi quà này rất có ích, vừa thu gom chai nhựa, túi nilon tại nhà không còn sử dụng để đổi lấy quà, làm sạch môi trường cho gia đình, xóm, ấp, các tuyến đường, người dân vừa có đồ dùng để sử dụng.
Tuy những món quà có giá trị nhỏ, nhưng thông qua mô hình “Đổi rác thải nhựa lấy quà”, HVPN hình thành được thói quen tiết kiệm và quan trọng hơn là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường”.
Bác Hồ đã từng căn dặn phụ nữ phải ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, nâng cao tinh thần tập thể… Để thực hiện được điều này, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ý thức tiết kiệm, hướng dẫn HVPN biết cách quản lý chi tiêu và thực hành tiết kiệm trong gia đình. Toàn tỉnh hiện có 264 tổ góp vốn xoay vòng thu hút trên 5.567 thành viên; 158 tổ giúp nhau giảm nghèo; 401 tổ liên kết sản xuất, kinh doanh của HVPN thu hút trên 7.303 thành viên; 15 tổ hợp tác và 13 hợp tác xã do chị em phụ nữ quản lý...
Các tổ liên kết sản xuất, kinh doanh theo ngành nghề đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nữ. 100% cơ sở Hội xây dựng mô hình “1+1” và “3 có, 3 biết” đã góp phần tập hợp, thu hút hội viên, xây dựng tổ chức Hội LHPN vững mạnh từ cơ sở để cùng thực hiện tốt vai trò của Hội trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho HVPN.
Cùng với đó, nhiều mô hình chăm lo cho phụ nữ yếu thế, trẻ em nghèo, mồ côi, khuyết tật luôn được các cấp Hội LHPN trong tỉnh quan tâm thực hiện.
Trong nửa nhiệm kỳ qua, các cấp Hội LHPN đã vận động nhà hảo tâm tặng 7.365 phần quà (gồm dụng cụ học tập, đồng phục), 612 suất học bổng, 125 xe đạp cho các em học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn, mồ côi... với tổng kinh phí 4,5 tỷ đồng.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kim Phượng cho rằng: Phong trào thi đua “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” được cụ thể hóa bằng việc giao chỉ tiêu theo hướng “rõ địa chỉ, rõ nội dung, rõ nguồn lực”; thống nhất cách thức thực hiện và đánh giá kết quả nội hàm các tiêu chí.
Điểm nổi bật khi triển khai thực hiện phong trào thi đua là gắn với chương trình xây dựng NTM, đô thị văn minh tại các địa phương; đánh giá chất lượng theo số đông đăng ký thực hiện phong trào được thay thế bằng đi sâu đánh giá cụ thể đối với từng gia đình.
Trong đó, 8 tiêu chí của “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” được lấy làm trung tâm và đặt trong tổng thể các tiêu chí bình xét gia đình văn hóa tại địa bàn dân cư.
Thực hiện tiêu chí “3 sạch” được đánh giá không những bằng số lượng các cuộc tuyên truyền, mà còn được đánh giá bởi số lượng HVPN tham gia, bằng chất lượng và tính bền vững của các mô hình tại địa bàn dân cư thông qua các cuộc kiểm tra giám sát thường xuyên tại cơ sở.
|
Bên cạnh đó, Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, các cấp Hội và 3 đơn vị trực thuộc đã vận động các tổ chức, cá nhân giúp đỡ trên 6.233 hộ HVPN nghèo, 8.410 hộ cận nghèo, phụ nữ khuyết tật; 4.296 trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn... bằng các hình thức như xây tặng nhà ở, tặng nhu yếu phẩm, quần áo, thẻ bảo hiểm y tế, dụng cụ học tập, tiền mặt... tổng kinh phí gần 11 tỷ đồng (trong đó đã xây dựng 82 mái ấm tình thương cho HVPN khó khăn về nhà ở, kinh phí 4,1 tỷ đồng).
Các cấp Hội LHPN trong tỉnh cò tặng 34.500 suất quà vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm cho các gia đình chính sách, HVPN có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó học tốt… tổng trị giá gần 15 tỷ đồng. Các cấp Hội còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trao tặng trên 55.000 phần quà trung thu bao gồm tập, bánh, lồng đèn... cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn, tổng trị giá 9,3 tỷ đồng.
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO BÁC GẮN VỚI PHONG TRÀO THI ĐUA
Học tập và làm theo Bác đã có sự gắn kết chặt chẽ giữa thực hiện phong trào thi đua đối với các nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội. Sự nêu gương của cán bộ Hội đã tạo niềm tin, chuyển biến tốt trong nhận thức và hành động của hội viên. HVPN hăng hái tham gia các mô hình hoạt động của Hội, phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của tỉnh.
Mô hình “Đổi rác thải nhựa lấy quà” tại các Chi hội Phụ nữ đem lại hiệu quả thiết thực.
Những năm qua, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã triển khai hiệu quả nhiều phong trào thi đua, điển hình, như: “Phụ nữ tích cực học tập lao động sáng tạo”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Chung tay xây dựng NTM, đô thị văn minh”, “Phụ nữ Tiền Giang chung tay bảo vệ môi trường và thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”... 172/172 cơ sở Hội đăng ký thực hiện 546/516 công trình/phần việc với tổng số tiền 50,274 tỷ đồng, đạt 105,6% tiến độ đăng ký với Trung ương Hội LHPN, góp phần xây dựng NTM, đô thị văn minh.
Có thể nói, mỗi cá nhân, tập thể phụ nữ Tiền Giang đã và đang thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong mọi hoạt động, phong trào thi đua của Hội LHPN, của địa phương. Từ các phong trào, cuộc vận động, ngày càng có nhiều phụ nữ tài năng, sáng tạo, những tấm gương điển hình, đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực quản lý nhà nước, kinh tế - xã hội, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao… Tổ chức Hội LHPN tiếp tục khẳng định vai trò trong việc chăm lo cho HVPN ngày càng tốt hơn.
Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 - 2025 của Chính phủ được triển khai tốt và Tiền Giang trở thành một trong những địa phương đi đầu trong việc khơi dậy, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp của phụ nữ. Các chương trình “Mẹ đỡ đầu”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, các công trình, phần việc tham gia xây dựng NTM, đô thị văn minh, các hoạt động nhân đạo, từ thiện... đều mang dấu ấn, lan tỏa mạnh mẽ, đem lại hiệu quả thiết thực cho HVPN và nhân dân.
***
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành nguồn động lực thúc đẩy mỗi cán bộ, HVPN Tiền Giang phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, cống hiến tài năng, sức sáng tạo, tiếp tục thi đua học tập, lao động, góp phần quan trọng xây dựng hình ảnh “Phụ nữ Tiền Giang thời đại mới”, xây dựng gia đình hạnh phúc, quê hương ngày càng phát triển.
LÊ PHƯƠNG
Theo https://baoapbac.vn