BÀI 2: Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh phát huy vai trò, đảm bảo quyền lợi của phụ nữ

Tuyên dương những cán bộ phụ nữ tiêu biểu.

Xác định công tác BĐG, VSTBPN là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), những năm qua, Ban VSTBPN tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh triển khai nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho các tầng lớp phụ nữ vươn lên trong học tập, lao động, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc…

ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI CỦA PHỤ NỮ

Những năm qua, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo triển khai công tác BĐG nhằm đảm bảo công bằng và sự tiến bộ của phụ nữ. Thực hiện lồng ghép hoạt động VSTBPN và BĐG trong kế hoạch phát triển KT-XH của từng địa phương, đơn vị. Ban VSTBPN các cấp thường xuyên tuyên truyền đến cán bộ, nhân dân về Luật BĐG, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các gương điển hình tiên tiến trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi để hội viên, phụ nữ được tham gia học tập, nâng cao kiến thức, hiểu biết, trình độ chuyên môn nghề nghiệp.

Tiền Giang có tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, nhiệm kỳ 2020 - 2025: Cấp tỉnh chiếm tỷ lệ 14,9% (tăng 0,9% so với nhiệm kỳ trước); cấp huyện, thành, thị chiếm tỷ lệ 22% (tăng 2,9% so với nhiệm kỳ trước). Nữ tham gia Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện chiếm tỷ lệ 15,3% (tăng 1,9% so với nhiệm kỳ trước). Một số đơn vị có cán bộ nữ tham gia cấp ủy cấp huyện trên 30% (TP. Mỹ Tho, huyện Gò Công Đông); cấp cơ sở chiếm tỷ lệ 27,5% (tăng 5% so với nhiệm kỳ trước). Về tỷ lệ nữ là đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026: Nữ đại biểu Quốc hội 3/8 (tỷ lệ 37,5%, tăng 25,5% so với nhiệm kỳ trước); nữ đại biểu HĐND tỉnh 17/61 (tỷ lệ 27,87%); cấp huyện 114/365 (tỷ lệ 31,23%, tăng 6,23% so với nhiệm kỳ trước); cấp xã 1.326/4.469 (tỷ lệ 29,67%, tăng 3,07% so với nhiệm kỳ trước).

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung, cán bộ nữ nói riêng luôn được tỉnh quan tâm, coi đây là khâu đột phá trong phát triển KT-XH. Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản nhằm tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ thực hiện BĐG trong lĩnh vực chính trị, tạo cơ chế đảm bảo phụ nữ được tham gia nhiều hơn vào các quá trình ra quyết định.

Để tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trên một số lĩnh vực KT-XH của tỉnh.

Bên cạnh đó, công tác bố trí, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển cán bộ nữ được quan tâm và thực hiện bảo đảm theo đúng quy trình, quy định. Đội ngũ cán bộ nữ ngày càng trưởng thành, đóng góp tích cực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển KT-XH ở địa phương. Bản thân mỗi phụ nữ đã phát huy vai trò nòng cốt trong gia đình, là hạt nhân vận động các thành viên tham gia tích cực hoạt động xã hội, xây dựng gia đình văn hóa, tế bào lành mạnh của xã hội… Với sự quan tâm của tỉnh, phụ nữ Tiền Giang ngày càng phát huy khả năng, có nhiều cống hiến trên mọi lĩnh vực, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh…

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ

Nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ trong thời kỳ mới, Ban VSTBPN tỉnh tiếp tục nêu cao quyết tâm thực hiện tốt việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ. Chú trọng rà soát, nắm bắt cơ sở, nhất là tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ để chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền những nội dung liên quan đến phụ nữ và công tác Hội LHPN, giúp chị em phát huy khả năng, năng lực trong công tác, làm kinh tế… Từ đó, có nhiều cống hiến trên mọi lĩnh vực, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào sự phát triển KT-XH của địa phương.

Phụ nữ ngày càng tự tin khởi nghiệp vươn lên trong cuộc sống (ảnh chụp mô hình đan lục bình phát triển kinh tế tạo thu nhập cho nhiều phụ nữ của chị Phạm Thị Mỹ Hằng, xã Tân Trung, TP. Gò Công).

Duy trì hoạt động hiệu quả của các mô hình, câu lạc bộ, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em. Hội LHPN các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động, xây dựng mô hình tuyên truyền thiết thực, phù hợp, mang lại hiệu quả tích cực, tác động mạnh mẽ đến nhận thức của gia đình và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đó là các mô hình: “Nhóm cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ thơ”, “Tổ phụ nữ sẵn sàng lên tiếng phòng, chống và bảo vệ trẻ em”, “Tổ phụ nữ phòng, chống đuối nước”, “Ấp không bạo lực với phụ nữ và trẻ em”, “Ngôi nhà an toàn cho trẻ”... Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp Hội vận động hỗ trợ nuôi dưỡng 1.357 trẻ mồ côi, trợ giúp 4.333 trẻ em nghèo, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.  

Để đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ, Tiền Giang đã đề ra chỉ tiêu: Trong lĩnh vực chính trị phấn đấu đến năm 2025 đạt 60% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ, đến năm 2030 đạt 75%. Tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương đạt 50% vào năm 2025 và đạt 60% vào năm 2030. Giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% vào năm 2030. Tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, HTX đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và đạt 30% vào năm 2030. Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo: Tỷ lệ nữ thạc sĩ trong tổng số người có trình độ thạc sĩ đạt trên 50% từ năm 2025 trở đi. Tỷ lệ nữ tiến sĩ trong tổng số người có trình độ tiến sĩ đạt 30% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030. 

Bên cạnh đó, Hội LHPN các cấp đã giúp 1.066 phụ nữ chủ hộ nghèo và hộ cận nghèo thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều đạt 140,2% so với tiến độ kế hoạch đề ra, đạt 82% chỉ tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ. Hỗ trợ nâng cao năng lực cho 870 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã (HTX), chủ hộ kinh doanh bằng cách thức như hỗ trợ tiếp cận vốn tín dụng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, kết nối tiêu thụ sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao kiến thức phát triển kinh doanh… đạt 241,6% tiến độ đăng ký với Trung ương, đạt 193,3% chỉ tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ đề ra. Vận động, hỗ trợ thành lập mới 3 HTX do phụ nữ quản lý, đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ; hỗ trợ nâng chất 10/5 HTX do phụ nữ quản lý, đạt tỷ lệ 200%. Đến nay, toàn tỉnh có 13 HTX do phụ nữ quản lý với 475 thành viên.

Với mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, việc làm, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động, Hội LHPN các cấp tăng cường hoạt động hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hội viên, phụ nữ. Nhiều hội viên, phụ nữ trở thành điển hình tiên tiến trong phong trào làm kinh tế giỏi, với mức thu nhập từ 150 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Giao lưu cán bộ Hội LHPN tiêu biểu.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kim Phượng cho biết: Những năm qua, các cấp Hội LHPN trên địa bàn không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thu hút phụ nữ tham gia tổ chức Hội, gắn với đó là triển khai sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước; hỗ trợ, tạo động lực để hội viên, phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội. Thường xuyên quan tâm, nắm tình hình tâm tư, nguyện vọng, kịp thời phát hiện và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống và trong công tác của cán bộ, hội viên, hướng đến mục tiêu vì sự tiến bộ, bình đẳng và hạnh phúc của phụ nữ.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ nông thôn đã được tỉnh quan tâm triển khai. Chủ trương phát triển và mở rộng các khu công nghiệp của tỉnh và đưa người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đã tạo điều kiện cho nhiều lao động, trong đó có lao động nữ, có việc làm mới và thu nhập ổn định. Chính sách phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo điều kiện, cơ hội cho số phụ nữ khởi nghiệp và làm chủ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là ở vùng đô thị ngày càng tăng lên. Phụ nữ vùng nông thôn đã được vay vốn ưu đãi, đặc biệt hầu hết phụ nữ làm chủ hộ đã được vay vốn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và nâng cao tính bền vững trong xóa khó giảm nghèo.

Những đóng góp của phụ nữ trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật đã dần được khẳng định, ngày càng có nhiều nữ doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh tế, cán bộ nữ trí thức khoa học công nghệ, phát huy vai trò nghiên cứu các đề tài khoa học được công nhận và ứng dụng vào thực tế, góp phần nâng cao cuộc sống của người dân. Các nữ trong ngành Giáo dục và Đào tạo cũng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả về giáo dục, đào tạo các bậc học, thúc đẩy sự phát triển xã hội học tập, tạo nguồn nhân lực cho tỉnh…

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website