Thấm nhuần lời dạy của Bác, những năm qua, bà Trương Thị Lâm ở thôn Quý Sơn, xã Cẩm Quý (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) nỗ lực vượt khó, hăng say lao động, tích cực thi đua lao động sản xuất, làm giàu cho gia đình và góp phần xây dựng quê hương. Phấn khởi hơn, những thành quả lao động của gia đình bà tại địa phương là mô hình kinh tế của gia đình bà mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình kinh tế của gia đình bà Trương Thị Lâm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhìn cơ ngơi khang trang của gia đình bà Trương Thị Lâm ở một vùng quê miền núi còn nhiều gian khó, ít ai có thể ngờ rằng, đây là tài sản được dựng xây từ đôi bàn tay của cặp vợ chồng nông dân chân lấm tay bùn thực thụ.
Bà Lâm cho biết: Những năm đầu khi mới lập gia đình, cuộc sống gia đình bà gặp rất nhiều khó khăn; quanh năm chỉ biết quẩn quanh với ngô lúa để sống qua ngày, không đủ lo cho con cái ăn học. Với suy nghĩ muốn thoát khỏi khó khăn thì không có cách nào khác là phải đổi mới cách làm ăn, không thể độc canh cây lúa mà phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, năm 1996, được chính quyền xã tạo điều kiện, gia đình bà nhận thầu gần 20 ha đất cằn cỗi, vay vốn ngân hàng thuê máy móc san ủi mặt bằng, cải tạo đất để trồng mía. Những ngày đầu tiên xây dựng mô hình kinh tế ở vùng đất cằn cỗi, xung quanh là những triền đồi sỏi đá, ghềnh thác, khe suối, điện chưa có, không ít người hoài nghi. Nhưng bằng quyết tâm, cố gắng, khát khao vươn lên mãnh liệt, vợ chồng bà cần mẫn tập trung lao động sản xuất, để từng bước hái quả ngọt.
Sau nhiều năm trồng mía, cho nguồn thu nhập ổn định, bà Lâm luôn trăn trở tìm hướng đi mới, phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương. Bà được tham gia nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng về khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi do xã tổ chức. Cùng với sự tìm tòi tham khảo qua sách, báo, internet, học hỏi trong thực tế, bà Lâm nhận thấy gia đình có vùng đất phù hợp để phát triển nhiều loại cây trồng, năm 2015, bà mạnh dạn đầu tư vốn mở rộng sản xuất. Đến nay, gia đình bà Lâm tập trung sản xuất các loại rau, củ, quả phục vụ cho nhu cầu Nhân dân địa phương như: thanh long, củ đậu, bí xanh, dong riềng, khoai sọ, dưa chuột, ớt, mít Thái... Bà Lâm còn thành lập HTX sản xuất rau an toàn hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên của HTX và bà con trong thôn. Với sự cần cù, chịu khó, nhanh nhạy, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế, hàng năm trừ chi phí gia đình bà Lâm thu về lợi nhuận 480 triệu đồng. Hiện nay, gia đình bà tạo công ăn việc làm cho 15 lao động thường xuyên và hơn 30 lao động thời vụ thu nhập từ 4 – 5 triệu đồng/người/tháng.
Bà Lâm chia sẻ: Học tập và làm theo Bác, tôi luôn rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức, gương mẫu chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; vận động gia đình, người thân thực hành tiết kiệm, tích cực học tập, thi đua lao động sản xuất, tự mình vươn lên trong đời sống, sản xuất chứ không ỷ lại, chờ đợi sự hỗ trợ của Nhà nước; khi kinh tế phát triển thì quan tâm công tác xã hội giúp người dân làm ăn, thoát nghèo.
Không chỉ năng động, sáng tạo nắm bắt thời cơ trong phát triển kinh tế, bà Lâm còn tích cực hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, vận động nông dân khắc phục điều kiện thời tiết khô hạn chuyển những cây trồng như lúa, ngô, sắn sang trồng bí, ớt, khoai sọ, củ đậu... cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Hàng năm gia đình bà giúp đỡ từ 3 - 5 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Bản thân bà cùng gia đình luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào thi đua do xã, huyện phát động, chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc, động viên, giáo dục con cháu chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham gia tích cực các phong trào ủng hộ, các hoạt động công ích của địa phương.
Bà Trương Thị Lâm đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa do có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016-2020.
Bài và ảnh: Nguyễn Thanh
Theo https://baothanhhoa.vn