Học tập, làm theo Bác Hồ, Bác Tôn về chăm lo đời sống Nhân dân

Trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nước ta, công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng vô cùng to lớn, vĩ đại. Người dân Việt Nam từ trẻ đến già luôn yêu mến và dành cho 2 vị Chủ tịch nước tên gọi rất đặc biệt, đó là “Bác Hồ”, “Bác Tôn” - cách gọi vừa thiêng liêng, tôn kính, lại vừa gần gũi, thân thương. Cả cuộc đời Bác Hồ và Bác Tôn đều có điểm chung là tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, hiến dâng cả cuộc đời mình cho Tổ quốc, suốt đời mưu cầu cho độc lập, tự do và hạnh phúc của Nhân dân, là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng để các thế hệ học tập, noi theo.

Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm đến con người với ý nghĩa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng và sự tiến bộ xã hội. Sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh xét đến cùng cũng chính là từ con người, do con người và vì con người. Trong bản Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Bác căn dặn: “Đầu tiên là công việc đối với con người”, “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”. Bác cũng thường nhắc nhở: “Một Đảng cầm quyền mà để cho người dân nghèo hết còn chỗ để nghèo thì đó là lỗi của Đảng với Nhân dân…”.

Tư tưởng và tấm gương của Bác Hồ, Bác Tôn về chăm lo đời sống Nhân dân đã được Đảng và Nhà nước vận dụng, cụ thể hóa trong Hiến pháp, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 10 năm, 5 năm và kế hoạch hàng năm; thể hiện trong từng chủ trương, chính sách phát triển KTXH của đất nước và các địa phương.

Riêng tại An Giang, mặc dù điều kiện của tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội luôn thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, nhất là đối với công tác đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chính sách an sinh xã hội và các phong trào xã hội - từ thiện. Qua đó, góp phần thúc đẩy KTXH của địa phương phát triển, từng bước cải thiện đời sống Nhân dân.

Xuất phát từ thực tế trên, thực hiện chuyên đề toàn khóa về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lựa chọn chủ đề năm 2024 là: “An Giang học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, Bác Tôn về chăm lo đời sống Nhân dân”. So với những năm trước đây, nội dung chuyên đề năm 2024 của tỉnh có tính chất đột phá là: Gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Tôn Đức Thắng; đề cao vai trò, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là vai trò của các tổ chức, cá nhân thiện nguyện trong cộng đồng cùng chăm lo đời sống Nhân dân; tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng và đời sống của các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, dân tộc, tôn giáo; coi trọng lợi ích trực tiếp của người dân, huy động sức dân đi đôi với bồi dưỡng sức dân; những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh; xác định công tác chăm lo đời sống Nhân dân là mục tiêu, nhiệm vụ chính trị trung tâm…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng nhấn mạnh, việc nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện chuyên đề năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng trên nhiều phương diện. Đồng thời, đề nghị các cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, tập trung nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ những nội dung cốt lõi của chuyên đề nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng và hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân… Tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống đoàn kết, ý thức trách nhiệm, tinh thần “tương thân, tương ái”, lối sống nhân hậu, nghĩa tình của Nhân dân An Giang, thúc đẩy phát triển KTXH, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, góp phần hiện thực hóa mong muốn của Bác Hồ, Bác Tôn.

“Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền địa phương, đơn vị tổ chức quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện của cấp mình, trong đó chú trọng lựa chọn các vấn đề nổi cộm, bức xúc, nội dung đột phá gắn với nội dung chuyên đề năm 2024. Tổ chức phát động phong trào sâu rộng trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện những việc làm cụ thể, thiết thực để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách, thường xuyên của các cấp ủy Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu” - đồng chí Lê Văn Nưng cho biết.

Bên cạnh đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội lãnh, chỉ đạo chặt chẽ việc tổ chức thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ, Bác Tôn; khắc phục, ngăn ngừa bệnh hình thức, thành tích, nói không đi đôi với làm. Xác định công tác chăm lo đời sống Nhân dân là nhiệm vụ thường xuyên, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website