Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội. Trước lúc đi xa, Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bản Di chúc thiêng liêng.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn bản gốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết từ ngày 10-5-1965 đến ngày 19-5-1969. Bản Di chúc là một tài liệu có ý nghĩa vô cùng to lớn, là di sản văn hóa vô cùng quý báu của Đảng và dân tộc ta. Bản Di chúc được công nhận là Bảo vật Quốc gia vào năm 2012 và hiện đang được lưu giữ, bảo quản tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sáng mãi cho muôn đời
Theo GS, TS. Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương: Bản Di chúc 1000 từ mà chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân chứa đựng những tư tưởng lớn có tầm chiến lược đối với cách mạng Việt Nam, có giá trị trường tồn và ý nghĩa lâu dài đối với sự phát triển đất nước, con người và dân tộc ta. Người thể hiện trong Di chúc ý chí mãnh liệt của toàn dân tộc, quyết tâm đánh bại hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Bắc - Nam sum họp một nhà. Người thể hiện một niềm tin mãnh liệt, có cơ sở khoa học chắc chắn, cuộc chống Mỹ cứu nước dù có phải kinh qua nhiều gian khổ hy sinh nhưng cuối cùng nhất định chúng ta sẽ thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Khẳng định đó của Người có sức động viên, cổ vũ to lớn đối với quân và dân ta khắp hai miền Nam Bắc.
Nhà sàn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Di chúc.
GS, TS. Hoàng Chí Bảo khẳng định, tư tưởng về chủ nghĩa xã hội và đổi mới của Người trong Di chúc dù đã cách đây hơn nửa thế kỷ mà vẫn còn nguyên tính thời sự và hiện đại, vẫn đang tiếp tục chỉ dẫn, thúc đẩy Đảng, chính quyền, các đoàn thể trong hệ thống chính trị hành động, làm tất cả vì quyền tự do và làm chủ của nhân dân, vì một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nói về công tác bảo quản bản Di chúc, TS. Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng cho biết, bản Di chúc hiện đang được Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng bảo quản theo chế độ đặc biệt. Ngày 14-9-2015, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng đã có Công văn số 952-CV/CLT “về việc đề nghị sao Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Được sự đồng ý của lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, bản Di chúc đã được sao thành 3 bản in mầu và hiện đang được lưu giữ cùng với bản gốc của Di chúc.
PGS, TS. Trần Thị Minh Tuyết, Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhấn mạnh: 50 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ trong Di chúc sự tiếc nuối vì không thể phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân lâu nữa, nhiều hơn nữa nhưng thực chất thì Người luôn luôn đồng hành cùng dân tộc và vẫn tiếp tục “phục vụ” nhân dân bằng ánh sáng của tư tưởng, sức cảm hóa của đạo đức và sự mẫu mực về phong cách. Di chúc là tiếng lòng tha thiết của Người, là ánh sáng trí tuệ của Người. Cùng với thời gian, giá trị của Di chúc ngày càng tỏa sáng và mãi mãi là nguồn cảm hứng vô tận cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Bảo vật Quốc gia
Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một Bảo vật Quốc gia của Việt Nam. Đó là một bản kế hoạch tổng thể xây dựng xã hội mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng và nhân dân Việt Nam.
TS. Nguyễn Thị Tình, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam khẳng định: Giá trị văn hóa trong Di chúc còn thể hiện rất rõ ở việc Bác mong muốn mỗi người Việt Nam phấn đấu trở thành những người có văn hóa để xây dựng một xã hội văn hóa. Với ý nghĩa là gốc của văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh thể hiện trong suốt cuộc đời của Người ở mọi nơi. Đó là phẩm chất cao quý của một Người chiến sĩ cách mạng, tất cả vì nước, vì dân, vì sự nghiệp lớn trong sáng, thanh bạch và vô cùng đẹp đẽ.
Nói về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đổi mới trong Di chúc, GS, TS. Hoàng Chí Bảo cho rằng: Một chỉ dẫn quý báu của Người trong Di chúc mà Đảng ta thừa hưởng, kế tục như một tài sản tinh thần, đó là quan niệm của Người về đổi mới, hội nhập để phát triển đối với Việt Nam trong thời kỳ tái thiết đất nước sau chiến tranh.
Để hiểu giá trị và ý nghĩa tư tưởng đổi mới, hội nhập của Người trong Di chúc, trước hết cần phải thấy, Người sớm có tư duy đổi mới, lại có hành động đổi mới dựa trên phương pháp sáng tạo và phong cách thiết thực, chú trọng thực tiễn và hiệu quả, kết hợp hài hòa giữa kế thừa và phát triển, truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế.
Đổi mới gắn liền với phát triển, vì mục tiêu phát triển, có nội dung và ý nghĩa sâu xa về văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh qua hoạt động lý luận và thực tiễn của mình đã nhận thức và giải quyết rất thành công quy luật tiếp biến văn hóa để đổi mới và phát triển, có chủ kiến rõ ràng về con đường hội nhập quốc tế của Việt Nam. Đó là cả một tiến trình lịch sử.
Đoạn cuối của Di chúc, Người viết: "Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới". Bằng một câu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ, đầy đủ nhiệm vụ của Đảng, nhân dân ta và mục tiêu, đích đến của cách mạng Việt Nam: Hòa Bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh.
50 năm qua, thực hiện Di chúc của Bác Hồ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và đạt được những thành tựu quan trọng trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội gắn liền với độc lập dân tộc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc, ấm no cho nhân dân, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Khánh Huyền
Theo Báo Quân đội nhân dân điện tử