Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương, chuyên gia kinh tế tại FAO, chia sẻ dù ở vai trò nào, bà cũng tận tụy, hết lòng cho công việc, góp phần "diệt giặc đói, diệt giặc dốt" như lời dạy của Hồ Chủ tịch.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Italy. (Ảnh: Trường Dụy/TTXVN)
Đã 75 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948), nhưng đối với Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương, người liên tục làm việc tại trụ sở chính của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) ở thủ đô Rome (Italy) trong gần 8 năm qua, những lời dạy của Bác luôn là kim chỉ nam trong công tác, thúc giục bà phấn đấu để trở thành cầu nối tri thức, góp phần nhỏ bé vào việc đảm bảo an ninh lương thực bền vững toàn cầu.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương là chuyên gia kinh tế, hiện đang làm việc tại bộ phận nghiên cứu chính sách của FAO. Nhiệm vụ chính của bà là thực hiện công tác dự báo dài hạn toàn cầu và theo dõi hành động chính sách của hơn 150 quốc gia trên toàn thế giới.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Rome, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương cho biết: “Công việc đòi hỏi tôi phải học hỏi không ngừng, trau dồi và nắm bắt một cách có hệ thống những hiểu biết về chính sách công trong lĩnh vực nông nghiệp và lương thực. Cả đời tôi là một quá trình nhận và cho kiến thức. Tôi đi học là để truyền lại cho người khác. Truyền lại bằng cách viết sách, viết báo, hướng dẫn nghiên cứu, làm cố vấn chính sách, đứng lớp giảng dạy...
Tất cả hướng tới tăng cường kiến thức, nội lực cho từng tổ chức, cộng đồng và cá nhân. Càng đi dạy, tôi lại càng thích học. Cái vòng đó làm tôi trở thành cầu nối chia sẻ tri thức, chia sẻ những thành tựu khoa học kỹ thuật và văn hóa Việt Nam ra quốc tế, đồng thời hỗ trợ Việt Nam tiếp nhận tri thức tinh hoa từ bạn bè quốc tế.
Dù trong vai trò nào, tôi cũng tận tụy, hết lòng cho công việc, đặt cái tâm của mình vào phụng sự tiến trình phát triển, góp phần ‘diệt giặc đói, diệt giặc dốt’ mang lại ‘hạnh phúc cho dân,’ theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những điều tôi được ngấm từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường và được cha mẹ giáo dục.”
Dự báo, do bộ phận nghiên cứu của FAO thực hiện, là dự báo dài hạn nhất, tổng thể nhất về hệ thống lương thực, thực phẩm và nông nghiệp, tạo nền tảng mở đường cho các dự báo trung hạn, ngắn hạn, các ngành, lĩnh vực cụ thể từ cấp toàn cầu, khu vực đến quốc gia.
Công việc này là sự kết hợp giữa nghiên cứu cơ bản mang tính học thuật và nghiên cứu mang tính ứng dụng.
Ví dụ: khi khái niệm “hệ thống lương thực thực phẩm” mới ra đời với nhiều cách hiểu khác nhau, thì bộ phận nghiên cứu phải xây dựng được định nghĩa cụ thể khái niệm hệ thống. Xác định hệ thống lương thực thực phẩm sẽ bao gồm các cấu thành nào, ranh giới giữa hệ thống lương thực thực phẩm và các hệ thống kinh tế-xã hội và hệ thống môi trường sinh thái nằm ở đâu...
Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương (thứ tư, từ bên trái) tại sự kiện công bố ấn phẩm của FAO tháng 12/2022. (Ảnh tư liệu)
Từ việc phân tách một khái niệm chung chung mơ hồ thành một định nghĩa cụ thể, có các nhân tố cấu thành rõ ràng, FAO tiến hành phân tích xu hướng từng nhân tố, tác động đơn lẻ của chúng cũng như những tác động qua lại của chúng đối với tính bền vững của hệ thống nông nghiệp và lương thực.
Từ đó chỉ ra điểm yếu có nguy cơ trở thành mầm mống làm suy yếu an ninh lương thực và dinh dưỡng. Khác với dự báo ngắn hạn, đối với dự báo dài hạn, những điểm yếu mờ thường tiềm ẩn nguy cơ hơn những điểm yếu rõ nét.
Hầu hết mọi người đều lạc quan, mong đợi mọi thứ tự nhiên sẽ trở nên tốt đẹp hơn trong tương lai. Tuy nhiên, hành động hôm nay sẽ quyết định tương lai.
Sự thật là nếu thế giới tiếp tục theo đuổi những chính sách như hiện nay, thì 30 năm, 50 năm và 100 năm nữa, hệ thống lương thực sẽ không thể tránh khỏi sự suy thoái, thậm chí sụp đổ từng phần hoặc đa phần.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương, công tác dự báo và theo dõi chính sách của FAO là nhằm hỗ trợ chính phủ các nước, đối tác phát triển, tổ chức kinh tế-xã hội, các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và doanh nhân xác định được các ưu tiên chiến lược nên bắt tay vào thực hiện ngay.
Trong quá trình xác định ưu tiên, thế giới đôi lúc phải đánh đổi. Đánh đổi giữa bền vững hệ thống lâu dài hay tăng trưởng kinh tế trước mắt, giữa tăng trưởng xuất khẩu hay tăng cường dinh dưỡng, giữa tăng sản lượng hay giảm phát thải...
Dựa trên nghiên cứu toàn cầu, FAO tiếp tục hỗ trợ các quốc gia cân nhắc điều kiện và tiềm lực cụ thể của mình mà lựa chọn các định hướng chính sách chiến lược dài hạn phù hợp, sao cho “thông minh hơn,” xử lý được những vấn đề tồn tại dai dẳng trong xây dựng và thực hiện chính sách.
Ngoài công việc hiện tại ở FAO, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương luôn tự hào rằng bà đã từng là Trưởng cố vấn kỹ thuật quốc gia, hỗ trợ Việt Nam xây dựng Đề án Tam nông và Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
“Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là đòn bẩy, là động lực tinh thần to lớn, cổ vũ, động viên mọi người dân phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, kiên quyết khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc công việc trên mọi vị trí công tác, dù đơn độc tại các tổ chức quốc tế và xa quê hương như Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương.
Bởi vì bản chất của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước là khơi dậy, phát huy tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, thực hiện tốt công việc hằng ngày, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người./.
Dương Hoa-Trường Dụy-Thanh Hải (TTXVN/Vietnam+)