“Tôi chỉ có một mong ước là sớm trở về Tổ quốc tôi”

Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp
ở thành phố Tua (nước Pháp), tháng 12-1920 (Ảnh tư liệu)

1. Với một khả năng thấy trước, tiên đoán khoa học của bậc kỳ tài về tình hình thế giới và trong nước đang từng bước có những chuyển biến mau lẹ, Người thấy phải sớm về nước để tranh thủ và chớp thời cơ lãnh đạo toàn dân vùng lên giải phóng.

Trong hai năm làm việc ở Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa và học ở lớp nghiên cứu sinh do Viện mở (từ khoảng tháng 6/1936 đến tháng 6/1938), Nguyễn Ái Quốc luôn luôn nung nấu kế hoạch về nước. Ngày 6/6/1938, Nguyễn Ái Quốc (Lin) viết Thư gửi một đồng chí ở Quốc tế Cộng sản. Thư nhắc đến ngày kỷ niệm lần thứ bảy việc Người bị bắt giữ ở Hồng Công, đó là mở đầu năm thứ tám tình trạng không hoạt động của Người. Thư đề nghị phân Người đi đâu đó, giao cho Người làm một việc gì có ích. Thư nhấn mạnh: “Điều tôi muốn đề nghị với đồng chí là đừng để tôi sống quá lâu trong tình trạng không hoạt động và giống như là sống bên cạnh, ở bên ngoài của Đảng”(2).

Hai ngày sau, ngày 8/6/1938, Nguyễn Ái Quốc được Phòng Tổ chức cán bộ của Quốc tế Cộng sản gửi báo cáo Tổng Bí thư Quốc tế Cộng sản đề nghị giải quyết dứt điểm cho về nước. Tháng 10/1938, Nguyễn Ái  Quốc đáp xe lửa từ ga Iarôxlápxki rời Mátxcơva đi về phương Đông.

Con đường trở về Tổ quốc từ tháng 10/1938 của Nguyễn Ái Quốc gian nan, vất vả. Trong vai Thiếu tá bát lộ quân, với bí danh Hồ Quang, Người di chuyển từ Diên An, Tây An đến Quế Lâm qua Trùng Khánh… Từ cuối tháng 7/1939 đến đầu năm 1941, Nguyễn Ái  Quốc tiếp tục di chuyển nhiều nơi trên đất Trung Quốc và có nhiều hoạt động tích cực. Người có báo cáo gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản về tình hình chính trị ở Đông Dương (từ năm 1936 đến năm 1938). Người làm việc ở Quế Lâm (tỉnh Quảng Tây), Quý Dương (tỉnh Quý Châu), Côn Minh (Vân Nam)… Từ đầu năm 1940, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu liên hệ được với nhiều đồng chí Việt Nam đang ở Trung Quốc và Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng.

Tháng 6/1940, Nguyễn Ái  Quốc đã giới thiệu Phạm Văn Đồng (bí danh Lâm Bá Kiệt), Võ Nguyên Giáp (bí danh Dương Hoài Nam) đi học Trường Quân chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Khoảng 20 ngày sau, nghe tin Pari bị quân Đức chiếm (20/6/1940), Người triệu tập một cuộc họp và phân tích “việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”(3). Người điện ngay cho Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp nói không đi Diên An học tập nữa mà phải tìm cách về nước. Khi đi Trùng Khánh, Người dặn đi dặn lại Vũ Anh và các đồng chí ở Côn Minh lo chuẩn bị mọi mặt để khi Người trở lại có thể lên đường về nước ngay. Khi biết Nhật vào Đông Dương, Người nhận định:“Đồng minh sẽ thắng. Nhật, Pháp ở Đông Dương chóng chày sẽ bắn nhau. Việt Nam sẽ giành được độc lập”(4).

Từ tháng 10/1940, khi được tin hơn 40 thanh niên các dân tộc Cao Bằng vì bị đế quốc Pháp khủng bố mạnh đã vượt biên giới sang Quảng Tây (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc có ý định tổ chức lớp huấn luyện cho các anh em, sau đó đưa anh em về củng cố và mở rộng phong trào ở Cao Bằng, tổ chức đường liên lạc về nước, phát triển xuống Thái Nguyên và tiếp xúc với toàn quốc. Đầu tháng 1/1941, Người bắt đầu tổ chức lớp học, trực tiếp huấn luyện chính trị.

Ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc lên đường về nước. Một ngày trước đó (ngày 27/1, tức mồng 1 tháng Giêng năm Tân Tỵ), trong khi chuẩn bị về nước, Nguyễn Ái  Quốc cùng các đồng chí trong cơ quan đi chúc tết nhân dân hai làng Nậm Quang và Nậm Tấy (Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc).

2. Ngay sau khi về nước, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục dịch (đã dịch một phần khi ở Trung Quốc) cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản (b) Nga (tóm tắt) ra tiếng Việt để làm tài liệu huấn luyện đảng viên. Người giao nhiệm vụ cho Vũ Anh triệu tập Hội nghị cán bộ tỉnh Cao Bằng để rút kinh nghiệm tổ chức thí điểm Mặt trận Việt Minh tại Cao Bằng.

Từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941, Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8 Đảng Cộng sản Đông Dương. Những hoạt động trên, đặc biệt là việc Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8 có ý nghĩa lịch sử to lớn.

Thứ nhất, Nguyễn Ái Quốc cùng với Đảng ta đề ra chủ trương đúng đắn, thay đổi chiến lược, xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là cấp thiết, hàng đầu

Xuất phát từ nhận định tình hình thế giới, tình hình Đông Dương, vấn đề dân tộc, Hội nghị phân tích sâu sắc mối quan hệ vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc, bộ phận và toàn thể, chỉ rõ “trong giai đoạn hiện tại, quốc gia trước hết, thì tất thảy những yêu sách của bộ phận mà có hại đến quyền lợi của toàn thể, của giai cấp mà có hại đến quyền lợi của dân tộc, thì phải gác lại để giải quyết sau”(5). Xác định “cần phải thay đổi chiến lược”(6), Hội nghị chỉ rõ: “Cuộc cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, cuộc cách mạng phải giải quyết hai vấn đề: phản đế và điền địa nữa, mà là cuộc cách mạng chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp “dân tộc giải phóng”, vậy thì cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”(7). Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng xác định: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”(8).

Thứ hai, Nguyễn Ái Quốc đề ra sáng kiến thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi mang tên Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh)

Căn cứ vào tình hình thay đổi, sáng kiến của Nguyễn Ái Quốc thành lập Mặt trận Việt Minh thuộc về chiến thuật vận động. Vấn đề cốt yếu là đánh đuổi được Pháp - Nhật, thực hiện cho được cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Ngay sau khi về nước, Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức thí điểm Mặt trận Việt Minh ở một số huyện như Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình. Rút kinh nghiệm tổ chức thí điểm đó, tại Hội nghị Trung ương 8, Người khẳng định tính thiết thực, bổ ích của một phương pháp hiệu triệu hết sức thống thiết, đánh thức được tinh thần dân tộc xưa nay trong dân tộc Việt Nam. Mặt trận Việt Minh đã liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị để mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn.

Vấn đề tổ chức các đoàn thể quần chúng được Nguyễn Ái  Quốc chỉ rõ phải phản ánh được chính sách cứu quốc, mục đích của các hội quần chúng cũng xoay về việc cứu quốc là cốt yếu, mà hạt nhân là tinh thần cứu quốc và muốn tranh đấu cứu quốc.

“Cứu quốc” tức là quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới quyền lợi của toàn thể dân tộc. 

Với sáng kiến thành lập Mặt trận Việt Minh, Hội nghị Trung ương 8 khẳng định: “Không nên nói công nông liên hiệp và lập chính quyền Xôviết mà phải nói toàn thể nhân dân liên hợp và lập chính phủ dân chủ cộng hòa”(9). Việt Minh đưa ra chính sách 10 điểm được coi như “tiền Hiến pháp” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nguyễn Ái Quốc viết bài thơ Mười chính sách của Việt Minh phản ánh nguyện vọng chung của toàn dân tộc và những điểm đấu tranh cho quyền lợi của công nhân, nông dân và mọi tầng lớp nhân dân.

“Khuyên ai xin nhớ chữ đồng,

Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”

(Trích bài thơ Mười chính sách của Việt Minh)

 

Sau Hội nghị Trung ương 8, ngày 6/6/1941, Nguyễn Ái  Quốc có thư Kính cáo đồng bào. Trong thư kêu gọi: “Hỡi đồng bào yêu quý! Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm. Người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có tài năng góp tài năng. Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dầu phải hy sinh tính mệnh cũng không nề”(10).

Mười năm sau, trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2/1951), Hồ Chí Minh nhận định: “Cái tên Việt Nam độc lập đồng minh rất rõ rệt, thiết thực và hợp với nguyện vọng toàn dân… Vì thế mà Việt Minh được nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh, và cũng do cán bộ rất cố gắng đi sát với dân, cho nên Việt Minh phát triển rất mau và rất mạnh. Vì mặt trận phát triển mạnh mà Đảng phát triển cũng khá”(11).

“Không có chuyển hướng chiến lược do Cụ Hồ đề nghị thì không có Việt Minh; không có Việt Minh thì không có Tổng khởi nghĩa Tháng Tám. Xem đó thì rõ tầm quan trọng của sự chuyển hướng chiến lược là to lớn dường nào”(12)

-  GS. Trần Văn Giàu

 

Thứ ba, Nguyễn Ái Quốc về nước cùng với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng đưa Cách mạng Tháng Tám đến thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Cần phải khẳng định rằng sự kiện 80 năm trước Nguyễn Ái Quốc về nước (28/1/1941) mang tầm vóc to lớn và ý nghĩa lịch sử vĩ đại. Đánh giá sự kiện ngày 28/1/1941 phải gắn chặt với suy nghĩ và hành động của Nguyễn Ái Quốc trong suốt thời gian trên đường về nước.

Nguyễn Ái Quốc là con người hành động, lý luận gắn với thực tiễn. Quan điểm của Người rõ ràng: “Học chủ nghĩa Mác - Lênin không phải nhắc như con vẹt “Vô sản thế giới liên hiệp lại” mà phải thống nhất chủ nghĩa Mác - Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Nói đến chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam là nói đến chủ trương, chính sách của Đảng. Ví dụ đại đoàn kết”(13). Việc Nguyễn Ái Quốc sau khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam và quyết định trở về nước vì “không muốn sống quá lâu trong tình trạng không hoạt động và giống như là sống bện cạnh, ở bên ngoài của Đảng” là minh chứng hùng hồn cho quan điểm lý luận Mác - Lênin thống nhất với thực tiễn cách mạng Việt Nam của Người.

Việc trở về nước của Nguyễn Ái Quốc cùng với thư Kính cáo đồng bào và sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương qua Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 mà Nguyễn Ái Quốc là linh hồn, đã tạo nên sự thống nhất cao độ, bền vững giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với quan điểm, đường lối của Đảng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng làm nên kỳ tích lịch sử, cả dân tộc “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, làm nên thắng lợi huy hoàng của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, “biến người nô lệ thành người tự do”, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân, tạo điều kiện cho dân tộc ta theo kịp các nước trên hoàn cầu, bước tới đài vinh quang để “sánh vai với các cường quốc năm châu” như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay sau ngày nước nhà độc lập./.

_____________________________________________________________

(1) (3) (4) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, H, 2016, t.2, tr.60, 99, 102.

 (2) (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H, 2011, t.3, tr.117, tr.230.

 (5) (6) (7) (8) (9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t.7, tr.113,118,119, 113,127.

(12) Trần Văn Giàu: Mấy vấn đề cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh, in trong sách Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh xuất bản, H, 1993, t.2, tr.41.

(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.368.

PGS. TS. Bùi Đình Phong

Theo http://www.tuyengiao.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website