Tác phẩm "Hồ Chí Minh với những bức thư mong muốn hòa bình cho Việt Nam", "Đường kách mệnh" được bà Sandra Scagliotti và các cộng sự dịch sang tiếng Italy. (Ảnh: Trường Dụy/TTXVN)
Nhân dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh nhật Bác, phóng viên TTXVN tại Italy đã có dịp trao đổi với dịch giả Sandra Scagliotti, người say mê nghiên cứu Việt Nam, nghiên cứu về Bác Hồ, với ước mơ quảng bá tư tưởng Hồ Chí Minh tại Italy.
Về kết quả nỗ lực đưa tư tưởng Hồ Chí Minh đến với người dân Italy, bà Scagliotti cho biết đã tham gia biên tập hai tác phẩm, được chuyển ngữ trực tiếp từ tiếng Việt sang tiếng Italy, là "Hồ Chí Minh với những bức thư mong muốn hòa bình cho Việt Nam" và "Đường kách mệnh," được Nhà xuất bản Anteo Edizioni ở Reggio Emilia phát hành trong bộ sách Banyan/Đông Nam Á.
Theo bà Scagliotti, tác phẩm "Hồ Chí Minh với những bức thư mong muốn hòa bình cho Việt Nam" xuất bản năm 2021 mà bà đã hoàn thành cùng dịch giả Trần Doãn Trang, là bản dịch đầu tiên của tác phẩm này sang một ngôn ngữ châu Âu, nỗ lực tôn trọng tinh thần của tác giả, cũng như sự đơn giản và hiệu quả phi thường trong ngôn từ được Bác Hồ sử dụng, chuyển tải trọn vẹn ý nghĩa các thông điệp và sự "trang trọng, phẩm giá" trong mỗi bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với độc giả Italy.
Trong các bức thư được viết từ năm 1945 đến năm 1969, Bác Hồ bày tỏ mong muốn có sự hợp tác hòa bình giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp; Người cũng hy vọng về sự cộng tác với nhân dân Mỹ và tất cả các dân tộc trên thế giới, bao gồm nhân dân Italy, những người mà Bác đã gửi lời cảm ơn và kêu gọi tiếp tục ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.
Còn tác phẩm "Đường kách mệnh" xuất bản năm 2018 là cuốn sách với phong cách và niềm hy vọng nằm ở từ "kách mệnh." Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua việc nhấn mạnh sự cần thiết phải nỗ lực chung, phải liên hiệp các lực lượng, hành động tập thể vì một mục đích chung, đã chỉ ra những đặc tính cơ bản của dự án cải tạo xã hội.
Đó là tính quần chúng, tính thống nhất trong hành động, ý thức tập thể. Đây là lời chỉ dạy, mang tính phổ quát, có thể làm rõ một số lý do dẫn đến sự thất bại của cánh tả hiện đại ở thế giới phương Tây.
Ấn phẩm đầu tiên mà bà Scagliotti viết về Bác Hồ được xuất bản tại Italy là cuốn "Hồ Chí Minh. Tiểu sử chính trị" do nhà xuất bản Harmattan Italy phát hành năm 2004.
Cuốn sách Đường Kách mệnh, tập hợp những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc trong các lớp đào tạo cán bộ cho phong trào cách mạng Việt Nam ở Quảng Châu, được tập hợp và xuất bản năm 1927. (Nguồn: TTXVN)
Theo bà, bên cạnh Anteo Edizioni và Harmattan, một số nhà xuất bản khác cũng rất tâm huyết với chủ đề về lịch sử, văn hóa Việt Nam và hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ví dụ như nhà xuất bản Epics Edizioni vào năm 2020 đã xuất bản cuốn sách "Việt Nam: Trăm năm kháng chiến (1885-1975)", với sự cộng tác của nhà xuất bản Editora Abril ở Cuba. Đây là cuốn sách do bà Scagliotti biên tập cùng với Fausto Cò - chính trị gia, luật gia, cựu Thượng nghị sỹ Italy, với mong muốn đưa sinh viên và thế hệ trẻ đến gần hơn với việc nghiên cứu lịch sử hiện đại và đương đại của Việt Nam.
Khi được hỏi về những kế hoạch tương lai, bà Scagliotti cho biết, ngoài những cuốn sách đã được xuất bản, bà muốn đi sâu nghiên cứu các chủ đề như Hồ Chí Minh với trí thức, Hồ Chí Minh với vấn đề bình đẳng giới và những nỗ lực của Người cho đất nước Việt Nam.
Bà cũng tin tưởng vào thế hệ kế cận, đã "gánh vác trách nhiệm", học tập và nghiên cứu về Việt Nam, say mê hình tượng Bác Hồ, như cộng tác viên trẻ Guglielmo Pellerino, người vừa viết lời tựa cho cuốn sách về Hồ Chí Minh với tựa đề "Quá trình thuộc địa hóa của Pháp" xuất bản năm 2022, do Alessia Franco hiệu đính cho nhà xuất bản MarxVentuno ở Bari. nhà xuất bản này từng cho ra mắt một ấn phẩm khác về Chủ tịch Hồ Chí Minh, là "Chủ nghĩa yêu nước và Chủ nghĩa quốc tế|Các bài viết và bài phát biểu 1919-1969" hồi năm 2019.
Ngoài ra, khi Italy và Việt Nam sắp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ song phương trong năm 2023, bà Scagliotti dự định trình bày một số tác phẩm về lịch sử phụ nữ Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ủng hộ công cuộc giải phóng phụ nữ và đã đóng góp to lớn trong việc nâng cao nhận thức về vai trò của người phụ nữ Việt Nam "giỏi việc nước, đảm việc nhà." Vì lẽ đó, xuất phát từ tư tưởng Hồ Chí Minh, bà muốn nhắc lại hành trình của phụ nữ Việt Nam từ cách mạng đến ngày nay. Chương trình này nêu bật tiếng nói về Hồ Chí Minh, về các tác phẩm của Người dưới dạng chuyển ngữ trực tiếp, với sự hỗ trợ của Trung tâm Việt Nam học.
Chia sẻ về nguyên nhân mà bà tâm huyết với việc nghiên cứu về Bác Hồ, bà Scagliotti, người hiện là Lãnh sự danh dự Việt Nam tại thành phố Turin, cho biết bà đã tìm hiểu về lịch sử, truyền thống văn hóa và văn học Việt Nam từ những năm 1970.
Bà luôn cảm thấy tò mò về Chủ tịch Hồ Chí Minh, người có nụ cười cởi mở và khí chất giản dị. Trên các tạp chí và nhật báo, hình ảnh của Người ít được tập trung khắc họa trong vai trò nhà chiến lược và nhà lãnh đạo, mà hay được miêu tả khi đang trò chuyện với những người phụ nữ ở miền Bắc hoặc khi đang chăm bón khu vườn nhỏ của mình.
Bà Sandra Scagliotti chụp ảnh lưu niệm cùng phóng viên thường trú TTXVN tại Italy. (Ảnh: Trường Dụy/TTXVN)
Và nhiều người bạn du học sinh Việt Nam của bà ở Turin, những người ngưỡng mộ và coi Bác là vị cha già dân tộc, đôi khi thích nói đùa Bác là "một người Việt Nam phi thường, đã thất bại trong vai trò đầu bếp, do Bác đã từng làm phụ bếp tại khách sạn Carlton ở London, là một học trò của Auguste Escoffier vĩ đại, bậc thầy về nghệ thuật ẩm thực thế giới."
Bà Scagliotti cũng đã có dịp thăm Việt Nam trong những năm 1980, có cơ hội thực hiện các nghiên cứu tại Thư viện Quốc gia, Trường Đại học Tổng hợp, Viện Văn học và các trung tâm nghiên cứu khác của Hà Nội, được thăm nhà sàn của Bác, chứng kiến dòng người xếp hàng để vào Lăng viếng Bác, với những cảm xúc, kỷ niệm khó quên.
Dần dà bà biết đến hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh rõ hơn qua lời kể của những người thầy như Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn và phu nhân của ông là Giáo sư Đặng Thanh Lê. Bà Lê, con gái của Giáo sư Đặng Thai Mai, đã kể cho bà Scagliotti nghe nhân những dịp kỷ niệm đặc biệt rằng bà từng được Bác Hồ bế trên tay một cách trìu mến.
Rồi từ các bài viết của các học giả như Charles Fourniau, Pierre Brocheux, Alain Fourniau và thầy giáo của bà là Enrica Collotti Pischel và các đồng nghiệp thuộc Hiệp hội quốc gia Italy-Việt Nam, đặc biệt là các ông Pino Tagliazucchi và Sergio Ricaldone, cùng những người bạn Pháp thuộc Hội Hữu nghị Pháp-Việt (Association d'Amitié Franco-Vietnamienne), bà Scagliotti từng bước tìm hiểu những chi tiết khác về cuộc đời của Người. Học giả Fourniau đã nhớ lại “bất cứ ai gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng hoàn toàn bị chi phối bởi tính cách,” bị lôi cuốn bởi sức hút phi thường theo đúng nghĩa đen.
Đây cũng chính là lý do mà bà Scagliotti đã tự đặt cho mình sứ mệnh làm cho người dân Italy biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều hơn thông qua chính những tác phẩm của Người./.
Dương Hoa-Trường Dụy (TTXVN/Vietnam+)