Nhiều thập niên đã trôi qua, các con cháu của cố Hoàng thân Suphanouvong vẫn trang trọng thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại căn nhà mà cố Hoàng thân và gia đình ở trước khi ông mất.
Ông Vinaythong Suphanouvong, tên Bác Hồ đặt là Nguyễn Văn Chính, con trai cố Hoàng thân Suphanouvong. (Nguồn: nhandan.com.vn)
Từng cùng gia đình sinh sống ở Việt Bắc, được gặp Bác Hồ từ nhỏ và được Bác Hồ đặt tên Việt Nam, dù đã 74 tuổi, nhưng ông Vinaythong Suphanouvong, tên Bác Hồ đặt là Nguyễn Văn Chính, con trai cố Hoàng thân Suphanouvong (người cũng là Chủ tịch đầu tiên của nước CHDCND Lào), vẫn luôn nhớ về Bác.
Hồi tưởng về lần đầu tiên được gặp Bác Hồ tại chiến khu Việt Bắc, ông Vinaythong cho biết khi đó 4 anh em ông từ Thái Lan trở về và vinh dự được Bác Hồ đặt tên. Anh cả được Bác đặt là Quang, người anh thứ hai được đặt là Minh, ông được đặt là Chính và em trai ông được đặt tên là Đại. Ông Vinaythong cho biết “Bác bảo một trong những tiêu chuẩn của đạo đức cách mạng là phải quang, minh, chính, đại và lấy tên đó đặt cho 4 anh em tôi”.
Nói về điều ấn tượng nhất với Bác Hồ, ông Vinaythong khẳng định đó chính là “sự giản dị, sự chân thành và thẳng thắn. Khi chưa được gặp, nhiều người có thể sẽ nghĩ những gì mọi người nói về Bác là hơi cường điệu hay gì đó, nhưng khi được gặp Người rồi thì tôi nghĩ mọi người đều sẽ có cảm giác rất, rất, rất là con người, không khác ai cả, nhưng đó lại là một người rất vĩ đại, có tầm nhìn, có tư tưởng và sự nghiệp rất vĩ đại. Lớn là lớn ở chỗ đó”.
Đối với ông Vinathong, kỷ niệm sâu sắc, nhưng buồn nhất về Bác Hồ, đó là khi nghe tin Bác mất. Ông nhớ lại, mặc dù khi đó Bộ Chính trị hai nước thường xuyên có trao đổi và bố ông, cố Chủ tịch Suphanouvong biết rằng tình hình sức khỏe của Bác rất yếu, nhưng khi nghe tin Người qua đời vào tháng 9/1969, “cả nhà vẫn khóc, cả nhà tự nhiên đến với nhau, cùng tập trung và bắt đầu ngồi kể về những kỷ niệm, cảm xúc và những sự kiện mà mỗi người đều đã gặp, đều đã cảm nhận được trong suốt những lần được gặp Bác”. Nói về cảm xúc lúc đó, ông Vinaythong gọi đó là một cảm giác sốc, mất mát và hụt hẫng. Cảm giác này không chỉ riêng ông mà người Lào cũng rất xúc động khi nghe Bác đã ra đi.
Ông nói: “Đó là một cảm giác sốc đối với mọi người, khiến người lặng đi, cả người không liên quan đến chính trị, không biết Cụ Hồ cũng cảm thấy sự mất mát, hụt hẫng trong cảm xúc, tôi nghĩ như vậy bởi tên tuổi và sự nghiệp của Cụ Hồ gắn với cả cuộc đấu tranh của Đông Dương từ lâu rồi, ngược lại, nền độc lập của 3 nước Đông Dương cũng gắn với tên tuổi và sự nghiệp của Cụ Hồ. Những cái này gắn liền nhau và đây là điều không ai có thể phủ nhận được. Cho nên, tin Bác ra đi là sự mất mát lớn cho tất cả mọi người”.
Theo ông Vinaythong, sau khi được tin Bác mất, Hoàng thân Suphanouvong đã bay sang Hà Nội để dự lễ tang của Người và ở Lào cũng tổ chức lễ tang rất lớn cho Bác. Lý do là bởi nhân dân Lào, các lực lượng cách mạng, các lực lượng tiến bộ của Lào đều rất kính trọng Cụ Hồ vì trong suốt hai cuộc kháng chiến, kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, hai nước đã cùng chung lưng đấu cật, chia ngọt sẻ bùi, rất nhiều người Lào biết Bác, được nghe về Bác.
Nói về tình cảm của gia đình cố Hoàng thân Suphanouvong với Bác Hồ, ông Vinaythong cho biết “khi Bác mất, dù lúc đó còn chiến tranh, ở trong hang, nhưng bố mẹ tôi đã lập ngay bàn thờ và con cháu chúng tôi cũng coi như bàn thờ trong nhà”.
Đến nay, nhiều thập niên đã trôi qua, dù Chủ tịch Suphanouvong cùng vợ đều đã khuất núi, nhưng con cháu vẫn tiếp tục duy trì ban thờ Hồ Chủ Tịch tại căn nhà mà cố Hoàng thân và gia đình ở trước khi ông mất. Căn nhà này sau đó được gia đình trao lại cho Nhà nước để làm khu lưu niệm Chủ tịch Suphanouvong, đây là nơi trưng bày rất nhiều ảnh lưu lại những kỷ niệm của gia đình Hoàng thân Souphanouvong với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những bức ảnh này đã giúp du khách quốc tế và thế hệ trẻ của Lào hiểu hơn về quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam.
Mặc dù đã bàn giao cho Nhà nước, nhưng nhớ lời cha mẹ dạy, vào các dịp kỷ niệm như ngày sinh của Bác Hồ, ngày sinh của Hoàng thân Suphanouvong, Quốc khánh Lào và Việt Nam, hoặc là các ngày lễ quan trọng khác của hai nước, con cháu cố Hoàng thân vẫn về đây thắp nhang, dâng hoa để bày tỏ lòng thành kính trước anh linh của Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp dân tộc của hai nước Lào – Việt Nam anh em./.
Phạm Kiên/TTXVN