-
Đỗ Xuân
-
-
14918
- Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh được Hội nghị Trung ương VIII Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 5-1941 tại Pắc Bó, Cao Bằng) quyết định thành lập, theo sáng kiến của Bác Hồ.
Từ ngày 10 đến 19 tháng 5 năm 1941, Bác Hồ của chúng ta, khi đó là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị lần thứ VIII của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tại Pác Bó, Cao Bằng. Dự Hội nghị có các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên cùng một số đại biểu của Xứ uỷ Bắc Kỳ, Trung Kỳ và một số đại biểu hoạt động ở ngoài nước.
Hội nghị xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết của cách mạng Đông Dương. Nghị quyết của Hội nghị có đoạn ghi: “...Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được...”.
Theo sáng kiến của Bác Hồ, Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi mang tên Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh, “nhằm liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”.
Cũng theo đề nghị của Người, Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Trung ương mới và đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư của Đảng.
Cùng với Nghị quyết Hội nghị Trung ương bần thứ VIII, một số văn kiện quan trọng khác cũng được thông qua trong dịp này: Điều lệ tóm tắt của Đảng; Chương trình Việt Minh; Điều lệ Việt Nam nông dân cứu quốc hội và Điều lệ của Việt Nam tiểu tổ du kích cứu quốc.
Trong bản Chương trình Việt Minh có đoạn kêu gọi: “Hỡi đồng bào! Bản Chương trình trên đây có hai tánh chất: 1. Là chân chính. 2. Là thành thực, dân chủ. Ấn định bản Chương trình trên đây, mục đích của Việt Nam độc lập đồng minh muốn đem lại cho đồng bào được tự do và hạnh phúc, muốn giải phóng cho các từng lớp dân tộc bị áp bức trên dải đất Đông Dương này... Hỡi tất thảy các từng lớp đồng bào, hãy mau mau đoàn kết thống nhất chung quanh bản Chương trình trên đây để đánh Pháp đuổi Nhật giành lại quyền độc lập cho nước Việt Nam”.
Để tuyên truyền rộng rãi về chủ trương, chính sách của Mặt trận Việt Minh nhằm thu hút ngày càng đông đảo sự ủng hộ của các tầng lớp, đồng bào các dân tộc, Bác Hồ đã sáng tác Diễn ca “Mười chính sách của Việt Minh” bằng thể thơ lục bát rất dễ nhớ, dễ thuộc, dễ truyền tụng trong quần chúng nhân dân.
“Mười chính sách của Việt Minh
Việt Nam độc lập đồng minh
Có bản chương trình đánh Nhật, đánh Tây.
Quyết làm cho nước non này,
Cờ treo độc lập, nền xây bình quyền:
Làm cho con cháu Rồng, Tiên,
Dân ta giữ lấy lợi quyền của ta.
Có mười chính sách bày ra,
Một là ích nước, hai là lợi dân.
Bao nhiêu thuế ruộng, thuế thân,
Đều đem bỏ hết cho dân khỏi phiền.
Hội hè, tín ngưỡng, báo chương,
Họp hành, đi lại, có quyền tự do.
Nông dân có ruộng, có bò
Đủ ăn, đủ mặc, khỏi lo cơ hàn.
Công nhân làm lụng gian nan,
Tiền lương phải đủ, mỗi ban tám giờ.
Gặp khi tai nạn bất ngờ,
Thuốc thang chính phủ bấy giờ giúp cho.
Thương nhân buôn nhỏ, bán to
Môn bài thuế ấy bỏ cho phỉ nguyền.
Nào là những kẻ chức viên,
Cải lương đãi ngộ cho yên tấm lòng.
Binh lính giữ nước có công,
Được dân trọng đãi, hết lòng kính yêu.
Thanh niên có trường học nhiều,
Chính phủ trợ cấp trò nghèo, bần nho.
Đàn bà cũng được tự do,
Bất phân nam nữ, đều cho bình quyền.
Người tàn tật, kẻ lão niên,
Đều do chính phủ cất tiền ăn cho.
Trẻ em, bố mẹ khỏi lo,
Dạy nuôi, chính phủ giúp cho đủ đầy.
Muốn làm đạt mục đích này,
Chúng ta trước phải ra tay kết đoàn.
Sao cho từ Bắc chí Nam,
Việt Minh có hội muôn vàn hội viên.
Người có sức, đem sức quyên,
Ta có tiền của, quyên tiền của ta.
Trên vì nước, dưới vì nhà,
Ấy, là sự nghiệp, ấy là công danh.
Chúng ta có hội Việt Minh
Đủ tài lãnh đạo chúng mình đấu tranh
Rồi ra sự nghiệp hoàn thành
Rõ tên Nam Việt, rạng danh Lạc Hồng
Khuyên ai nên nhớ chữ đồng,
Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh » .