Hồ Chí Minh Toàn tập - Tập 3

  • Chính trị quốc gia - Sự thật
  • 2011
  • 17422

LỜI GIỚI THIỆU TẬP 3

 

Tập 3 của bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập, xuất bản lần thứ ba, bao gồm các tác phẩm, bài nói, bài viết, thư từ, báo cáo (gọi chung là tác phẩm) của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện trong khoảng thời gian từ đầu năm 1930 đến hết tháng 8-1945, thể hiện những cống hiến sáng tạo về lý luận và thực tiễn của Người đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới.

Nội dung tập 3 phản ánh nhiều khía cạnh liên quan đến việc định ra đường lối chiến lược, sách lược của Đảng; những nguyên tắc xây dựng Đảng; xây dựng khối đoàn kết dân tộc, tập hợp và xây dựng lực lượng cách mạng; đồng thời bao gồm cả những vấn đề về chỉ đạo thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xây dựng lực lượng, xác định thời cơ, thúc đẩy thời cơ chín muồi và chớp thời cơ để giành thắng lợi cho cách mạng.

Cùng với tư tưởng đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc, tập 3 còn phản ánh những hoạt động quốc tế phong phú, tư tưởng đoàn kết quốc tế và những ý kiến đề xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh về các vấn đề cách mạng thế giới, cách mạng phương Đông, cách mạng Đông Dương. Đó là những đóng góp quan trọng của Người vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Tháng 8-1942, với tư cách là đại diện của Việt Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Trung Quốc nhằm thiết lập mối quan hệ với lực lượng Đồng minh chống phát xít, nhưng Người đã bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam trái phép, giam cầm và dẫn giải đi khắp các nhà tù của chính quyền Tưởng Giới Thạch ở tỉnh Quảng Tây.

Tác phẩm Nhật ký trong tù bao gồm 134 bài thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời trong hoàn cảnh lao tù đó đã tỏ rõ khí phách, tinh thần bất khuất và lạc quan của nhà cách mạng vĩ đại.

Gạo đem vào giã bao đau đớn,

Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông;

Sống ở trên đời người cũng vậy,

Gian nan rèn luyện mới thành công” (tr. 382).

Nhật ký trong tù là một văn kiện lịch sử quan trọng, đồng thời là một tác phẩm văn học lớn thể hiện tư tưởng, tình cảm của một vĩ nhân, hội tụ phẩm chất của bậc Đại nhân - Đại trí - Đại dũng, có tác dụng giáo dục sâu sắc đối với nhiều thế hệ người Việt Nam.

Bên cạnh tập Nhật ký trong tù, trong tập 3 còn nhiều tác phẩm thơ ca của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với nội dung phong phú, thể hiện tư tưởng nhân văn (Văn tế cầu hồn kiều bào bị bom Nhật sát hại,...), khơi gợi lòng yêu nước, đoàn kết vùng lên đánh đuổi ngoại xâm của tất cả các tầng lớp đồng bào (Công nhân; Dân cày; Phụ nữ; Ca binh lính; Trẻ con; Ca sợi chỉ; Hòn đá, v.v.). Một số bài thơ có nội dung đả kích, châm biếm bọn phát xít, thực dân thống trị, khẳng định sự thất bại, sụp đổ của chúng đang đến gần (Tặng Thống chế Pêtanh; Tặng Toàn quyền Đờcu; v.v.). Các bài thơ của Người thể hiện bằng ngôn từ mộc mạc, giản dị, dễ hiểu, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người, có tác dụng tuyên truyền, lan tỏa rộng rãi. Những bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn này có đóng góp quan trọng về tư tưởng và nghệ thuật, đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của kho tàng văn học cách mạng nước ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh được trả tự do và về nước vào tháng 9-1944, đó là lúc cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai đã bước sang giai đoạn cuối với những thắng lợi quyết định của Liên Xô và phe Đồng minh. Các văn kiện của Người ở thời gian này đều tập trung vào việc chỉ đạo phát triển lực lượng (tạo thời, lập thế), đón thời cơ và góp phần thúc đẩy thời cơ mau chín muồi, chuẩn bị khởi nghĩa (Thư gửi đồng bào toàn quốc; Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân;...), đã nêu lên những quan điểm cơ bản về kháng chiến toàn dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về quan hệ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang; về nguyên tắc tác chiến; v.v.. Trong Thư gửi đồng bào toàn quốc, Người đã nêu rõ: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các Đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh” (tr.538). Chớp thời cơ thuận lợi đang đến nhằm thực hiện mục tiêu độc lập, tự do. Người quyết định nhanh chóng triệu tập “một cuộc Toàn quốc đại biểu Đại hội gồm tất cả các đảng phái cách mệnh và các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra”, một cơ cấu đại biểu của quốc dân. “Một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang” (tr.537). Điều này đã đặt cơ sở pháp lý cách mạng cho một chế độ mới, chế độ của dân, do dân và vì dân sắp ra đời. Tháng 8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa kêu gọi toàn thể đồng bào “không thể chậm trễ,Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” (tr.596). Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa thể hiện tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tính chủ động cách mạng ở các nước thuộc địa mà Người đã nêu lên từ đầu những năm 20 của thế kỷ XX, đã trở thành hiện thực ở Việt Nam trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn này còn phản ánh những hoạt động quốc tế phong phú, tư tưởng đoàn kết quốc tế của Người trên cương vị là cán bộ Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Nội dung các báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản và các Đảng Cộng sản của Người, không chỉ phản ánh một cách sâu sát tình hình cách mạng thế giới và Đông Dương, mà còn nêu nhiều ý kiến, đề xuất những chủ trương quan trọng để đẩy mạnh phong trào cách mạng ở phương Đông, đóng góp vào kho tàng lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Ngoài ra, các báo cáo, thư từ gửi cho Quốc tế Cộng sản và các bạn quốc tế, được trình bày trong tập 3 còn phản ánh sâu sắc về những năm tháng hoạt động đầy gian khổ và hy sinh của Người.

*
*     *

Trong lần xuất bản này, về cơ bản tập 3 vẫn giữ nguyên các tác phẩm đã in trong lần xuất bản trước, nhưng đã được rà soát, đối chiếu cẩn thận với văn bản gốc. Một số bài để ở phần Phụ lục trong lần xuất bản trước, lần này được xác minh, có đủ cơ sở để khẳng định là của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã được đưa lên phần chính. Phần nguồn của mỗi văn bản và chú thích cuối trang đã được thẩm định, bổ sung cho chính xác (chú thích của tác giả, chú thích của người dịch, chú thích của biên tập). Tập 3 xuất bản lần thứ ba có bổ sung thêm 15 tác phẩm mới ở phần chính và 1 tác phẩm ở phần Phụ lục. Về tác phẩm Nhật ký trong tù, vẫn lấy theo bản của Viện Văn học dịch và hiệu đính, in trong cuốn Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù (Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản năm 1993), có tham khảo, đối chiếu với cuốn Nhật ký trong tù (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản năm 2003).

Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song lần xuất bản này vẫn không tránh khỏi thiếu sót, mong bạn đọc góp ý để lần xuất bản sau được tốt hơn.

 

 

HỘI ĐỒNG XUẤT BẢN
HỒ CHÍ MINH TOÀN TẬP LẦN THỨ BA

 


Hồ Chí Minh toàn tập khác

Mới nhất

Liên kết website