Khoan dung, nhân ái Hồ Chí Minh - biểu tượng của truyền thống hòa bình, hữu nghị, hợp tác của Việt Nam

1. Khoan dung, nhân ái Hồ Chí Minh từ tư tưởng đến lời nói và việc làm

Tư tưởng khoan dung, nhân ái Hồ Chí Minh bắt nguồn từ chủ nghĩa yêu nước, truyền thống văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa phương Đông, phương Tây. Các tố chất căn bản ấy được phát huy cao độ khi Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, thấm nhuần thế giới quan và phương pháp luận mác-xít.

Những nội dung của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam theo thời gian, năm tháng từng bước được đúc kết, hình thành một hệ thống các nguyên lý với các tư tưởng của những vị hào kiệt tiêu biểu như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu, kế thừa sáng tạo những truyền thống yêu nước, văn hóa dân tộc. Nhân cách văn hóa cũng như cách ứng xử của Người trong các môi trường quốc tế, trong các thời điểm lịch sử cam go, hết sức đa dạng, tinh tế, đã làm cho bạn bè quốc tế hiểu sâu sắc hơn văn hóa Việt Nam, nhân dân Việt Nam.

Từ một người yêu nước, ra đi tìm đường cứu nước, mang trong mình nỗi đau vô hạn của người dân nô lệ, Hồ Chí Minh đã tiếp thu và kế thừa những giá trị tinh hoa của văn hóa phương Đông và phương Tây, đến với chủ nghĩa Mác-Lênin và tìm ra con đường giải phóng dân tộc. Trên hành trình ấy, Người tiếp nhận chọn lọc mọi giá trị của các nguồn tư tưởng, lý luận khác nhau: từ tư tưởng  nhân nghĩa, đề cao sự tu dưỡng cá nhân,…của Nho giáo; sự từ bi, vị tha, …của Phật giáo; tư tưởng dân chủ, bình đẳng, dám nghĩ, dám làm,…của Phương Tây, đến tư tưởng duy vật biện chứng, duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác-Lênin.  Hồ Chí Minh tôn trọng những điểm khác biệt của các tư tưởng ấy, đồng thời phát hiện ra điểm tương đồng của các nhà tư tưởng thế giới như Khổng tử, Giê Su, Thích Ca Mâu Ni, Lê nin, Tôn Trung Sơn,…là đều mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại. Trong những tháng năm dừng chân tại nhiều nước châu Âu, châu Phi và Mỹ Latinh, hòa mình trong cuộc sống của những người lao động, từ nỗi đau đồng bào, Người thấu hiểu thêm nỗi đau nhân loại. Người viết: dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái mà thôi: tình hữu ái là thật vô sản. Giải phóng dân tộc, giải phóng con người trở thành mục tiêu cao cả trong suốt cuộc đời hoạt động, đấu tranh cách mạng của Hồ Chí Minh. Người thấu hiểu sâu sắc giá trị của con người, trước hết là con người Việt Nam. Đối với nhân dân các dân tộc bị áp bức trên thế giới, mục tiêu và sự nghiệp giành độc lập dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời phấn đấu là tấm gương sáng, là nguồn cổ vũ, khích lệ để họ đứng lên giành và giữ vững độc lập của dân tộc mình.

Sự khoan dung trong tư tưởng Hồ Chí Minh được biểu hiện ở lý tưởng cách mạng của Người. Giành độc lập dân tộc, mang lại hạnh phúc cho nhân dân là mục tiêu, là khát vọng cháy bỏng của Người. Trong Bản Tuyên ngôn độc lập, Người khẳng định: “ Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”[3]. Đồng thời, Người cũng nhấn mạnh: “ nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[4]. Trong suốt cuộc đời, Người chỉ mong muốn xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Những phẩm chất cao quý ấy được hội tụ và tỏa sáng trong tư tưởng, cử chỉ, lời nói và việc làm của Người, mà bất cứ ai, bất cứ người nào, khi gặp, tiếp xúc với Người đều yêu mến, ngưỡng mộ. Nhà báo Xô viết Ô xíp Manđenxtam đã viết: “ …dân tộc An Nam đáng yêu, một dân tộc rất lịch thiệp và độ lượng, rất ghét những gì thái quá. Dáng dấp của con người đang ngổi trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc cũng đang tỏa ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị…Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai.”[5]

Để tập hợp đông đảo lực lượng quần chúng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, Người chủ trương thức tỉnh cả đến phần ít ỏi của lương tri còn sót lại trong những con người tội lỗi. Cách mạng Tháng Tám thành công, Người tha thiết kêu gọi đồng bào cả nước tham gia xây dựng đất nước, đấu tranh chống thù trong giặc ngoài để giữ vững và củng cố những thành quả cách mạng đã giành được. Trong bài  Khoan hồng mà không nhu nhược,  ký bút danh Chiến Thắng, Người viết: Đối với quan lại cũ, trừ những bọn đại gian, đại ác, Chính phủ Cộng hòa ta cũng tỏ ra một lượng không để tâm moi ra những tội cũ đem làm án mới làm . Người mời những quan chức trong chế độ cũ tham gia điều hành công việc quốc gia. Người đề nghị Vĩnh Thụy (Bảo Đại) - một ông vua đã gắn bó sâu nặng với chế độ thực dân, và giám mục Lê Hữu Từ, làm cố vấn cho Chính phủ. Trong những lần gặp gỡ, tiếp xúc, trong thư từ, điện văn, lời kêu gọi đồng bào cả nước, Người đều dành những lời tâm huyết nhắn gửi tới tất cả những ai còn chưa tham dự vào công việc chung. Ngày 31-5-1946, trong  Thư gửi đồng bào Nam Bộ  trước khi lên đường sang thăm nước Pháp và dự Hội nghị Phôngtennơblô, Người viết: Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang. Người đã chấp nhận 70 đại biểu của các tổ chức đối lập trong Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không thông qua bầu cử. Đối với những người đối lập, những người lầm đường lạc lối, Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên trì giáo dục, cảm hóa họ trở về với lẽ phải, với chính nghĩa. Cũng có trường hợp sự cảm hóa, giáo dục của Người tuy không thay đổi được tâm địa của những kẻ đã cố tình quay lưng lại với dân tộc, những đã góp phần quan trọng hạn chế sự phá hoại của họ. Điều đó càng làm cho mọi người thấy rõ hơn lòng độ lượng, khoan dung của Người.

2.  Khoan dung, hòa hiếu, hòa bình, đề cao văn hóa đối thoại trong đối ngoại của Hồ Chí Minh

Nỗ lực cho hòa bình ở Việt Nam, hòa bình cho các dân tộc khác, kiên quyết đấu tranh vì độc lập tự do, nhưng tận dụng mọi thời cơ để lập lại hòa bình là phương châm nhất quán trong đối ngoại của Hồ Chí Minh. Ngay trong Bản Thông cáo đầu tiên về chính sách đối ngoại của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 3-10-1945, đã chủ trương đề ra mục tiêu tham gia giữ gìn hòa bình thế giới: “Đối với các nước Đồng minh, Việt Nam mong muốn duy trì hữu nghị và thành thật hợp tác trên cơ sở bình đẳng và tương trợ, để xây dựng nền hòa bình thế giới lâu dài” [6] ". Với tình yêu thương con người vô hạn, quý trọng sinh mạng của mỗi con người, Người luôn tìm mọi cách để ngăn chặn xung đột vũ trang, tận dụng mọi khả năng để giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình. Trong những năm 1945-1946, đất nước đứng trước nhiều kẻ thù nguy hiểm, vận nước nguy nan, ngàn cân treo sợi tóc, Hồ Chí Minh vẫn thực hiện chủ trương Hoa - Việt thân thiện. Người kêu gọi toàn dân sẵn sàng hợp tác và giúp đỡ lực lượng đồng minh làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật. Người viết nhiều bài báo biểu dương tinh thần Hoa - Việt thân thiện, trong đó đánh giá cao sự có mặt của quân đội Tưởng Giới Thạch trên miền Bắc đã góp phần ngăn chặn bước tiến của quân Pháp ở miền Nam.

Bằng kinh nghiệm trong đấu tranh cách mạng và một tấm lòng khoan dung, độ lượng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần hạn chế một bước quan trọng âm mưu và thủ đoạn phá hoại của tập đoàn chiếm đóng Tưởng Giới Thạch. Phó tướng Tiêu Văn - một viên tướng mật vụ đã nhận lệnh của Tưởng Giới Thạch theo dõi Hồ Chí Minh khi Người được trả tự do tháng 8-1943, mới đến Việt Nam tỏ ra rất ngạo mạn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động đến gặp Tiêu Văn. Phong thái đĩnh đạc, đàng hoàng của một nguyên thủ quốc gia, trí tuệ uyên bác của một nhà cách mạng, đã làm cho Tiêu Văn trở nên mềm mỏng. Từ nhiều mối quan hệ khác nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp Tiêu Văn nhiều lần.

Thái độ mềm mỏng và khoan hòa đối với quân Tưởng những năm 1945-1946 là một chủ trương đúng đắn và khôn khéo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần giữ vững và củng cố nền độc lập dân tộc non trẻ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết về Người trong những năm tháng đất nước "ngàn cân treo sợi tóc" (1945-1946): "Với một sự nhạy cảm lạ thường, Bác dường như thấu hiểu mọi trạng thái tư tưởng, tình cảm của kẻ thù. Bác đã vận dụng một cách vô cùng sắc bén những đối sách cụ thể đối với từng loại kẻ địch, với từng tên. Con người Bác là hiện thân sức mạnh của chính nghĩa. Nhiều chính khách nước ngoài gặp Bác hồi đó, cũng như sau này đều nói lên ý nghĩ cảm phục. Ngay cả những kẻ thù, những tên khét tiếng chống cộng, khi tiếp xúc với Bác đều phải tỏ ra kính nể. Đứng trước Bác, dường như chúng cũng bớt hung hãn đi nhiều”[7].

Đối với nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ những kẻ thực dân xâm lược và những người bạn Pháp. Đứng trước thực dân Pháp xâm lược luôn muốn gây chiến tranh, Người luôn luôn đề cao tinh thần hòa bình, giải quyết mội vấn đề thông qua đàm phán, thương lượng. Từ tháng 3 đến tháng 12 năm 1946, Người tiến hành các cuộc thương lượng với Pháp với nỗ lực phấn đấu để duy trì hòa bình, dù là mong manh trước những hành động xâm lược, hiếu chiến.Ngày 13-12-1946, trả lời phỏng vấn phóng viên Pháp, Người khẳng định: “ Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh”.[8]

 Trong suốt tháng 12-1946 đến tháng 3-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng mọi phương tiện và con đường ngoại giao có thể được trong điều kiện thông tin liên lạc khó khăn đã tám lần gửi thư và điện cho Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp kêu gọi đình chiến, lập lại hòa bình, mở lại thương lượng,…Trong thư gửi Chính phủ và nhân dân Pháp nhân dịp đầu năm mới 1947, Người viết: “ Tôi kêu gọi nhân dân Pháp để chấm dứt cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn và năm 1947 mang lại nền hòa bình và tình hữu ái giữa nước Pháp và nước Việt Nam”.[9]

Khi khả năng thương lượng không thể thực hiện được nữa, mọi cố gắng của Người để cứu vãn cuộc chiến tranh đều bị phía thực dân Pháp từ chối, nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam buộc phải cầm súng đứng lên chống lại kẻ thù  lớn mạnh hơn mình rất nhiều lần. Vì thế, sự tổn thương, mất mát về người, về của của hai dân tộc Việt, Pháp là điều không thể tránh khỏi, là niềm tiếc thương, đau xót đối với Người. Đối với những người ngã xuống vì chiến tranh, Người xót thương cho cả những hồn tử sĩ mà hôm qua đã gây ra tai họa cho đồng bào mình. Người viết : "Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam, đã vì Tổ quốc mà hy sinh tính mệnh. Tôi cũng ngậm ngùi thương xót cho những người Pháp đã tử vong. Than ôi,  trước lòng bác ái, thì máu Pháp hay máu Việt cùng đều là máu, người Pháp hay người Việt cùng đều là người"[10].

Đối với tù binh Pháp, Người luôn tỏ lòng thân ái, bao dung, độ lượng và chủ trương khoan hồng đối với tù binh chiến tranh. Nhân dịp Giáng sinh năm 1950, Người gửi thư cho tù binh Pháp với lời nhắn nhủ: “ Nhân dân Việt Nam xem các bạn như những người bạn và tìm mọi cách để cuộc sống các bạn được tốt hơn”[11]. Người cũng luôn quan tâm viết thư thăm hỏi, tiễn đưa những người lính đối phương được trở về quê hương: "Trên đường về, hãy giữ gìn kỷ luật một cách gương mẫu... để cho mọi người đều giữ được những kỷ niệm tốt đẹp mãi về các bạn. Về đến nhà, hãy chuyển tới gia đình các bạn lời chào của nhân dân Việt Nam. Trong số các bạn, những ai còn cha mẹ già và con nhỏ hãy nói với các cụ, các cháu là Bác Hồ gửi nhiều cái hôn tốt lành. Xin từ biệt các bạn thân mến, từ biệt các con của Bác"[12].

Tấm lòng nhân ái, bao dung của Bác để lại ấn tượng tốt đẹp, không bao giờ phai mờ trong ký ức của những người tù binh Pháp, Mỹ. Do đó, nhiều lá thư của họ cũng thắm thiết tình người đã được gửi đến Người để bày tỏ sự tri ân sâu sắc. Chính phủ Pháp, nhân dân Pháp từng bước hiểu, thông cảm và đi đến ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Từ đó những cuộc biểu tình rầm rộ chống chiến tranh diễn ra ở nước Pháp và nhiều thành phố lớn ở châu Âu. Những Raymông Điêng và Hăngri Máctanh xuất hiện ngày càng nhiều. Cả một phong trào đấu tranh ủng hộ Việt Nam lan rộng. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã góp phần tạo nên sức mạnh đoàn kết của nhân dân Pháp, nhân dân thế giới đối với sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam. Những phong trào đòi chấm dứt chiến tranh, vãn hồi hoà bình diễn ra ở các thành phố lớn trên thế giới đã góp một phần vào thành công của Hội nghị Giơnevơ năm 1954, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở miền Bắc Việt Nam.

 Đối với nước Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chủ trương xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp. Một số sĩ quan Mỹ có mặt ở Việt Nam ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công như thiếu tá E.Tômát, thiếu tá A.Pátti... đã tỏ ra có cảm tình với phong trào độc lập của nhân dân Việt Nam. Cùng với Hội Hoa - Việt thân thiện, tháng 10-1945, Hội Việt - Mỹ  được thành lập. Trong bài viết  Thế giới với Việt Nam,  ký bút danh Q.Th., đăng báo  Cứu quốc,  ngày 31-1-1945, Người viết về nước Mỹ: "Thứ nữa, chúng ta không thể quên nước bạn của chúng ta là nước Mỹ, một nước dân chủ bao giờ cũng bênh vực sự tự do, độc lập cho các dân tộc nhỏ yếu"[13]. Trong kháng chiến chống Mỹ, khi Mỹ thất bại, Người chủ trương trải thảm đỏ hoặc nhịp cầu vàng để Mỹ rút quân về nước. Với phương châm đối ngoại nhân văn, tinh tế, trước khi Phái đoàn ngoại giao Việt Nam sang đàm phán tại Paris, Người căn dặn: “ Mỹ là nước lớn đứng đầu thế giới tư bản, buộc phải ngồi đàm phán, thương lượng đã là thất bại rồi, vì thế Bác yêu cầu là không được làm Mỹ mất mặt. Phải tế nhị, khéo léo, lúc cương, lúc nhu thì mới gọi là đàm phán hòa bình, mới đạt kết quả.”[14].Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn quyết liệt. Trong bối cảnh đó, Hồ Chí Minh vẫn đặt niềm tin vào nhân dân Mỹ, giải thích cho họ hiểu tính chất chính nghĩa của Việt Nam, vạch rõ tính chất xâm lược của cuộc chiến tranh do Chính phủ họ tiến hành. Người phân định rõ một bộ phận hiếu chiến xâm lược và quần chúng nhân dân Mỹ yêu chuộng hòa bình, khơi gợi tình cảm nhân đạo cao quý và lòng thiết tha công lý để thức tỉnh lương tri con người, phân tích hậu quả tai hại của cuộc chiến tranh phi nghĩa đối với ngay chính nhân dân Mỹ. Những con người bình thường và thiện chí ở bên kia đại dương, khi đã hiểu rõ thì sẽ thấy sự vô nghĩa của việc chồng con họ hay chính họ phải chết trên chiến trường xa xôi, sẽ thấy bị lừa dối khi chính phủ họ giải thích sai lệch về mục tiêu của chiến tranh, sẽ thấy bị xúc phạm khi một cường quốc tiến hành xâm lược một quốc gia nhỏ hơn. Từ đó, sẽ chống lại việc lao vào cuộc chiến tranh đầy tội ác và không hy vọng chiến thắng. Hồ Chí Minh viết thư cho nhân dân Mỹ bày tỏ thiện chí của nhân dân Việt Nam rất tha thiết với hòa bình, nhưng hòa bình phải gắn liền với độc lập dân tộc. Người lên án nhà cầm quyền Mỹ nói hòa bình nhưng thật sự là họ đang tăng cường chiến tranh. Hồ Chí Minh cũng thông qua với báo chí tiến bộ, thuyết phục các trí thức có lương tri để tạo nên những tiếng nói chính nghĩa ủng hộ Việt Nam. Người luôn nói rõ, nhân dân Việt Nam không bao giờ nhầm lẫn nhân dân Mỹ yêu chuộng công lý với những Chính phủ Mỹ đã phạm nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam. Chính những kẻ phá hoại nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam cũng là những kẻ đã phản bội bản  Tuyên ngôn độc lập  của nước Mỹ... Người tha thiết kêu gọi sự đồng tình ủng hộ của đồng chí, bạn bè khắp thế giới. Từ đó, ngày càng có nhiều cuộc xuống đường rầm rộ của nhân dân Mỹ phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Phong trào sôi động của thanh niên Mỹ chống quân dịch. Những hoạt động nhiệt tình và dũng cảm của nghệ sĩ Giên Phônđa, của danh ca Đêvít vì Việt Nam. Đặc biệt là ngọn lửa Noman Morixơn đã tiếp tục thức tinh lương tâm và làm bùng cháy nhiệt tình của người dân Mỹ đòi chấm dứt chiến tranh, đẩy Chính phủ Mỹ ngày càng lâm vào thế lúng túng và bế tắc. Việt Nam ngày càng trở thành niềm tin yêu hy vọng của nhân loại tiến bộ. Nhân dân Việt Nam ngày càng nhận được tiếng nói đồng tình của đông đảo bạn bè quốc tế, trong đó có những tên tuổi lớn như nhà bác học Anh Bêctơrăng Rútxen, nhà báo Ôxtrâylia Uyphrết Bớcsét, nhà điện ảnh Hà Lan Giôrít Iven, nhà văn Thụy Điển Xara Littman...

Đối với các nước lớn, Người sớm nhận thấy tầm quan trọng của các nước lớn trong chính trị thế giới và ý nghĩa chiến lược của quan hệ với nước lớn.  Khi phân tích tình hình Việt Nam đầu thế kỷ XX, Hồ Chí Minh sớm nhận thấy rằng các trung tâm quyền lực không chỉ là Trung Quốc, Nhật Bản, mà bao gồm nhiều nước lớn như Đức, Anh, Mỹ. Các nước lớn có vai trò quan trọng đối với vấn đề chiến tranh và hòa bình. Người cho rằng: “ Thế giới hòa bình có thể thực hiện nếu các nước trên thế giới, nhất là những nước lớn, đều sẵn sàng giiar quyết những xích mích giữa các nước lớn bằng cách thương lượng”[15]. Từ năm 1950, quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô, Trung Quốc ngày càng mật thiết. Với sự lãnh đạo tài tình, đứng vững trên lập trường nguyên tắc, chú trọng vận động, thuyết phục, kiên trì chờ đợi, đấu tranh có lý, có tình, cùng với sự ứng xử ngoại giao tinh tế của Người, Liên Xô, Trung Quốc đã giúp đỡ, ủng hộ nhiệt tình cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của nhân dân Việt Nam.

Ở Châu Á, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng việc duy trì quan hệ hữu nghị với các nước lớn trong khu vực, Người coi Ấn Độ là một nước lớn cần quan tâm tranh thủ xây dựng mối quan hệ lâu dài. Khi sang thăm Ấn Độ, Người không quên mang vòng hoa và cây đào để tưởng niệm người cha sinh ra Thủ tướng Neru, người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ từ năm 1927. Từ cách ứng xử , những hành động nhân văn của Người đã mang lại sự cảm phục, tin yêu đối với Thủ tướng Neru.

Đối với nhân dân Lào, Campuchia anh em, từ khi về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã xác định thực hiện chính sách dân tộc tự quyết và tăng cường đoàn kết liên minh chiến đấu giữa ba nước chống kẻ thù chung. Hồ Chí Minh luôn quán triệt cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam quan điểm giúp bạn là tự giúp mình. Tinh thần ấy được thể hiện trong Hội nghị cán bộ về công tác giúp đỡ Lào và Campuchia ngày 15-2-1949, quán triệt bốn phương châm của công tác quốc tế với nước bạn là: Không đứng trên lợi ích Việt Nam mà làm công tác Lào- Miên; nắm chắc nguyên tắc dân tộc tự quyết, do Lào, Miên tự quyết định lấy; không đem chủ trương, chính sách, nguyên tắc của Việt Nam ứng dụng vào Lào, Miên như lắp máy; cần giúp đỡ Lào, Miên để bạn tự làm lấy. Tháng 2-1951, tại Đại hội lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương, Người nêu rõ: “Chúng ta kháng chiến, dân tộc bạn Miên, Lào cũng kháng chiến. Bọn thực dân Pháp và can thiệp Mỹ là kẻ thù của ta và của dân tộc Miên, Lào. Vì vậy, ta phải ra sức giúp đỡ anh em Miên, Lào, giúp đỡ kháng chiến Miên, Lào. Và tiến đến thành lập Mặt trận thống nhất các dân tộc Việt-Mỉên- Lào”[16].

Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết tinh những giá trị tốt đẹp của truyền thống yêu nước, văn hóa dân tộc Việt Nam, tinh hoa văn hóa thế giới, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Nhà sử học Ba Lan Hêlen Tuốcmêrơ đã viết về Người : "Hồ Chí Minh là hình ảnh hoàn chỉnh của sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Mác, thiên tài cách mạng của V.I.Lênin, tình cảm của người chủ gia tộc. Tất cả đều hòa hợp trong một dáng dấp tự nhiên"[17].

Lòng khoan dung, nhân ái Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng của truyền thống hòa bình, hòa hiếu, hữu nghị và hợp tác của Việt Nam. Ngày nay, Đảng Cộng sản Việt Nam trên mỗi bước đường lãnh đạo cách mạng, luôn vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng ấy của Người. Trong lĩnh vực đối nội, Đảng lãnh đạo đổi mới về mọi lĩnh vực, không ngừng chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Trong lĩnh vực đối ngoại, Đảng thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, khẳng định Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển.

-------------------
1. Dẫn theo: Học viện Ngoại giao – Phạm Bình Minh chủ biên : Đường lối, chính sách đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn mới ( sách tham khảo), Nxb CTQG, HN, 2011,tr10,11.

 2.Phan Huy Chú: Lịch triều Hiến chương loại chí – Bang giao chí , NXB Sử học, 1961, tập 4, tr 135.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập , Nxb CTQG, H, 2011, tập 4, tr 1.

4.Hồ Chí Minh: Toàn tập , Nxb CTQG, H, 2011, tập 4, tr 64. 

5. Nguyễn Dy Niên chủ biên: Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh , Nxb CTQG, HN, 2002, tr 56.

6. Nguyễn Dy Niên: Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh , Nxb CTQG,, HN, 2002, tr 132.

7.Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb CTQG, HN, 1994, tr 292.

8.Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, tập 4, tr 526.

9.Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, tập 4, tr14, 15.

10. Hồ Chí Minh: Toàn tập , Nxb CTQG, HN, 2011, tập 4, tr 510.

11.Hồ Chí Minh: Toàn tập , Nxb CTQG, HN, 2011, tập 15, tr 602.

12. Báo Quân đội nhân dân, ngày 5-4-1990, tr 1.

13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, tập 2, tr 15.

14. Dẫn theo: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Tư tưởng Hồ Chí Minh giá trị nhân văn và phát triển , Nxb Lý luận Chính trị,, HN, 2015, tr 41.

15. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2002, tập 7, tr 81.

16. Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập , CTQG, H 2001, tập 12, tr36.

17.  Dẫn theo: Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh: Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay, Nxb Chính trị-Hành chính, HN, 2010, tr 654.



                                                                                                                                        TS. Dương Minh Huệ
                                                                                                        Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website