Đảng lãnh đạo - tư tưởng xuyên suốt của Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội cách mạng

Ngay từ đầu năm 1930, trong Chánh cương vắn tắt của Đảng, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã yêu cầu “Tổ chức ra quân đội công nông(1), mà quân đội ấy phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Trong suốt quá trình xây dựng, giáo dục và rèn luyện Quân đội ta, Người luôn yêu cầu “Xây dựng quân đội - một quân đội nhân dân thật mạnh dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và của Đảng”(2). Người khẳng định: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân, do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”(3). Người nhiều lần nhắc nhở: “Phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội”(4), và yêu cầu “Quân đội phải tôn trọng sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ”(5); bởi sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định bản chất cách mạng, sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ảnh minh họa/ Nguồn: qdnd.vn
Ảnh minh họa/ Nguồn: qdnd.vn

Để thực hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, về mặt tổ chức, Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thiết lập hệ thống tổ chức đảng trong quân đội từ Quân ủy Trung ương đến các tổ chức đảng ở cơ sở; đồng thời, tổ chức quân đội theo những nguyên tắc phù hợp với đường lối chính trị, quân sự và tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, theo mô hình lấy chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo, có đại diện của Đảng (chính trị viên) bên cạnh người chỉ huy quân sự để chăm lo công tác chính trị theo đường lối của Đảng Cộng sản. Người yêu cầu “Về mặt chính trị, cấp nào cũng có một người chính trị phái viên do đoàn thể cách mạng chọn trong bộ đội ấy hoặc phái người ngoài đến làm”(6).

Trên phương diện tư tưởng, Hồ Chí Minh yêu cầu phải lấy nền tảng tư tưởng của Đảng làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho các hoạt động của quân đội; đồng thời, phải thường xuyên giáo dục cho mọi cán bộ, chiến sĩ lòng trung thành với Đảng. Người nói: “Đã là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng… Chính cương và chính sách của Đảng đối với công cuộc kháng chiến và kiến quốc là áp dụng Chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào hoàn cảnh của cách mạng ta”(7). Tháng 8 năm 1948, tại Hội nghị quân sự lần thứ năm, Người căn dặn, nhiệm vụ của người tướng trong quân đội là “Phải: Trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung” và Người giải thích: “Trung là trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với nhân dân, với cách mạng, với Đảng”(8). Người đòi hỏi quân đội phải trung thành với lý tưởng của Đảng; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Theo Người, sự trung thành của quân đội đối với Đảng phải thể hiện ở những việc làm cụ thể, thiết thực. Đó là phải hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng Nhà nước và nhân dân giao cho trong quá trình thực hiện các chức năng của đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất.

Trong lần về thăm Trường Chính trị trung cấp quân đội (25-10-1951), nay là Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, Người căn dặn: “Chính trị biểu hiện ra trong lúc đánh giặc. Học chính cương, chính sách rồi thì phải thực hiện. Nếu thuộc lầu mà không biết đánh giặc thì vô dụng”(9). Trong bài nói chuyện với các anh hùng mới được tuyên dương ngày 31-8-1955, Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, chiến sĩ quân đội “phải ra sức luyện tập quân sự, học tập chính trị, nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh, triệt để thực hiện chính sách, làm trọn mọi nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ đã giao cho”(10). Tại lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Người đã khẳng định: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”(11). Đó vừa là sự khái quát một cách cô đọng bản chất, truyền thống và mục tiêu chiến đấu của quân đội; vừa là yêu cầu có tính nguyên tắc của Hồ Chí Minh đối với mọi hoạt động của Quân đội ta.

Lịch sử hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam đã chứng tỏ tư tưởng về Đảng lãnh đạo quân đội của lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn luôn được quán triệt và thực hiện nghiêm túc trong thực tế. Nhờ đó, Quân đội ta thực sự là công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.   

Hiện nay, sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, trong đó có một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, đang đứng trước những thuận lợi và thách thức đan xen. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 30 năm đổi mới đã tạo ra những điều kiện thuận lợi để nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội. Tuy nhiên, tình hình thế giới, khu vực đang có những diễn biến phức tạp, khó lường; trong đó có những biến động phức tạp ở Biển Đông, đang đặt ra cho sự nghiệp xây dựng quân đội nhân dân những yêu cầu mới cao hơn. Đặc biệt, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình” để chống phá cách mạng nước ta, mà một trong các nội dung của chiến lược là hướng tới thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội nói chung, với Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng. Bằng nhiều chiêu bài, họ tìm cách làm cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta mơ hồ về bản chất giai cấp của quân đội cách mạng, đồng nhất bản chất cách mạng của Quân đội ta với bản chất chính trị của các quân đội trong thể chế chính trị tư sản. Một số người đã cố tình lờ đi những hoàn cảnh lịch sử cụ thể của thời kỳ Đảng ta rút vào hoạt động bí mật (năm 1946) để xuyên tạc tư tưởng xuyên suốt của Hồ Chí Minh, khi họ cho rằng: “Hồ Chí Minh chưa bao giờ yêu cầu quân đội phải trung thành với Đảng”, để từ đó kêu gọi cán bộ, chiến sĩ quân đội “không cần phải trung thành với Đảng”(!).Có thể khẳng định ngay rằng, đó là những quan điểm sai trái, rất nham hiểm, nhằm chia rẽ Đảng với quân đội, hướng vào thúc đẩy sự “tự diễn biến” trong nội bộ quân đội, vì vậy chúng ta phải hết sức cảnh giác. Trong sự nghiệp xây dựng quân đội hiện nay, hơn lúc nào hết, việc tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Hồ Chí Minh về Đảng lãnh đạo quân đội là hết sức cần thiết. Sự quán triệt đó cần phải được thực hiện trong thực tiễn xây dựng quân đội trên tất cả các phương diện về chính trị, tư tưởng và tổ chức; trong đó, giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội phải được đặc biệt coi trọng, bởi đó là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của Quân đội nhân dân Việt Nam, là nguyên tắc cơ bản hàng đầu bảo đảm cho Quân đội ta thực sự là quân đội cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân./.

 

(1). Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb CTQG, H.2002, tr.1.

 

(2). Sđd, tập 7, tr.220.

 

(3). Sđd, tập 11, tr.350.

 

(4). Sđd, tập 7, tr.14 và tập 9, tr.140.

 

(5). Sđd, tập 9, tr.142.

 

(6). Sđd, tập 3, tr.472.

 

(7). Sđd, tập 6, tr.318, 319.

 

(8). Sđd, tập 5, tr.479-480.

 

(9). Sđd, tập 6, tr.319.

 

(10). Sđd, tập 8, tr.43.

 

(11). Sđd, tập 11, tr.350.

 

Theo Báo Quân đội nhân dân


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website