Công tác giáo dục theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống những luận điểm khoa học rộng lớn, sâu sắc và phong phú trên nhiều lĩnh vực. Trong di sản tư tưởng của Người, nổi lên tầm qua trọng của công tác giáo dục. Ngay từ những ngày đầu mới giành được chính quyền, Người đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục. Và giáo dục được xác định ngay từ lúc bấy giờ là một trong sáu nhiệm vụ cấp bách nhất của đất nước. Người chỉ rõ: Dốt nát cũng là kẻ địch... Địch thực dân dựa vào địch dốt nát để thi hành chiến lược ngu dân. Địch dốt nát dựa vào địch thực dân để đưa dân ta vào nơi mù quáng... Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Đặc biệt, Người coi việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng là vấn đề có ý nghĩa chiến lược to lớn và lâu dài. Người coi thanh niên là lực lượng có ý chí và nghị lực vượt mọi khó khăn, luôn xung phong đi đầu trong sự nghiệp chiến đấu và xây dựng chủ nghĩa xã hội; coi thiếu niên nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà.

Từ đó, Người chỉ ra các phương pháp giáo dục có giá trị khoa học, phù hợp với đối tượng và thời điểm lịch sử:

Thứ nhất, giáo dục phải luôn gắn với thực tiễn. Ngay từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến (1946), nhằm mục đích để mọi người tuỳ theo sức lực của mình tham gia kháng chiến giành thắng lợi cho Tổ quốc; đồng thời cũng qua kháng chiến để mọi người được tôi luyện, trưởng thành, nhất là với thế hệ trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư căn dặn cô giáo, thầy giáo, cán bộ phụ trách thiếu nhi, học sinh: “Các em cũng nên, ngoài giờ học ở trường, tham gia các Hội cứu quốc để tập luyện thêm cho quen với đời sống chiến sĩ và để giúp đỡ một vài việc nhẹ nhàng trong cuộc phòng thủ đất nước”[1], “Các cháu nên hiểu rằng: giúp đỡ đồng bào tức là tham gia kháng chiến. Và do đó các cháu sẽ luyện tập các tinh thần siêng năng và bác ái để sau thành người công dân tốt của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà”[2]. Đối với các cá nhân, tập thể có trách nhiệm trực tiếp giáo dục thanh thiếu nhi, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lưu ý “làm thế nào cho việc giáo dục liên kết với đời sống của nhân dân, với công cuộc kháng chiến và kiến quốc của dân tộc. Làm thế nào để phối hợp việc giáo dục của trường học với việc tuyên truyền và giáo dục chính trị chung của nhân dân”[3] …

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục đấu tranh với Mỹ nguỵ để thống nhất Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại hướng phương pháp “trồng người” gắn với nhiệm vụ của hai miền. Thư gửi các cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên các trường và các lớp bổ túc văn hoá ngày 31-8-1960, Người khẳng định: “Giáo dục phải phục vụ đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống của nhân dân. Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ thực tế”[4]. Trong bài báo: “Một thành tích vẻ vang” (9/1961), Người lại khẳng định tiếp: Ở các trường trước đây chúng ta đã làm, từ nay cần tăng cường hơn nữa, kết hợp chặt chẽ lý luận với thực hành, giáo dục với lao động, văn hoá với đạo đức cách mạng...

Bác đi nhiều, học nhiều, tiếp thu tinh hoa văn hóa và những trí thức của giáo dục phương Đông, tiếp xúc với văn minh và nền giáo dục phương Tây và không ngừng bồi đắp thêm cho mình, nên Người thấy rõ mối quan hệ giữa học đi đôi với hành, lý luận kết hợp với thực tiễn. Đặc điểm quan trọng nhất trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là học chữ phải gắn liền với học làm người. Người lưu ý các nhà trường không tách rời mục đích dạy và học chữ với việc dạy và học làm người có ích cho đất nước. Nhà trường phải giáo cho học sinh có tình yêu đất nước, thương nòi:

Dạy học là dạy kiến thức, nhưng trước hết phải dạy cho học sinh biết yêu nước, thương nòi, tự hào về dân tộc, về tổ tiên.

“Dân ta phải biết Sử ta,

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”[5].

Trong tác phẩm: “Đời sống mới” viết năm 1947, Người nói: “Từ tiểu học, trung học cho đến đại học, là nơi rèn luyện nhi đồng và thanh niên. Óc những người tuổi trẻ trong sạch như một tấm lụa trắng. Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh. Nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ. Vì vậy sự học tập ở trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên, và tương lai của thanh niên là tương lai của nước nhà. Vì vậy cốt nhất là phải dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho họ có chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ”[6].

 Trong thư gửi Hội nghị Giáo dục toàn quốc (tháng 3-1955), Người viết: “Trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người thầy dạy học là: chăm lo dạy dỗ con em của nhân dân thành công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà”. Người còn nói: “Các thầy giáo có nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang là đào tạo cán bộ cho dân tộc. Vậy giáo dục cần nhằm vào mục đích là thật thà phụng sự nhân dân. Các cháu thì học tập cần gắn liền với thực hành để mai sau thực hiện mục đích cao quý: thật thà phụng sự nhân dân”[7].

Người khẳng định: Phải dạy cho học sinh biết đem kiến thức học được trong nhà trường phục vụ cho lợi ích của cộng đồng, lợi ích của cách mạng, chứ không chỉ dùng kiến thức ấy, bằng cấp ấy thu lợi cho riêng bản thân mình. Học phải đi đôi với hành. Không tách rời việc học chữ với lao động chân tay, không tách rời trí thức với quần chúng lao động. Có kiến thức là quý, nhưng chỉ thực sự quý khi kiến thức ấy phục vụ cho dân, cho nước.

Thứ hai, để thực hiện tốt công tác giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm phải dùng sức mạnh tập thể để giáo dục, tức là giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Người yêu cầu "các ban phụ trách nhi đồng cần phải liên lạc với cha mẹ và thầy giáo của nhi đồng"[8]. Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi, trong bài báo của mình, Người nói rõ: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì và bền bỉ”[9] ...

Rõ ràng, quan điểm trên thể hiện tính xã hội đúng đắn trong phương pháp giáo dục, phương pháp “trồng người” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: giáo dục là sự nghiệp của tập thể, giáo dục phải bảo đảm tính dân chủ.

Thứ ba, giáo dục đặc biệt đòi hỏi phải có phương pháp thích hợp với từng đối tượng mới đạt hiệu quả cao; không thể áp đặt tất cả các phương pháp giáo dục cho mọi đối tượng khác nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các cán bộ phụ trách thiếu nhi “cách dạy trẻ” là phải “nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn”[10], “Trong lúc học, cũng cần làm cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học. Ở trong nhà, trong trường học, trong xã hội, chúng đều vui, đều học”[11]. Mặt khác, Người đề nghị phụ nữ và thanh niên phải là người phụ trách chính trong công tác thiếu niên nhi đồng.

Với thiếu niên nhi đồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục các cháu tính hồn nhiên, tươi trẻ, tình cảm yêu ghét rõ ràng, phân minh. Người ân cần dạy dỗ: “Các cháu phải ghét, ghét cay ghét đắng bọn thực dân Pháp, bọn can thiệp Mỹ, bọn Việt gian, bọn bù nhìn. Vì chúng nó mà ta khổ. Các cháu phải yêu, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu lao động”[12].

Đối với thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm đó là lực lượng nòng cốt chủ yếu của đất nước; và trong từng giai đoạn lịch sử, Người đặt ra yêu cầu khác nhau đối với họ. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954) thanh niên cần xung phong đi đầu trong mọi công việc, nhất là những việc khó và đặc biệt cần chú ý rèn luyện tư cách đạo đức, tác phong. Người khuyên: Qua năm mới, các cháu phải xung phong thực hành đời sống mới. Đời sống mới là:

Hăng  hái, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ;

Phải siêng học, phải siêng làm, phải tiết kiệm;

Việc nên làm (như ủng hộ kháng chiến, tăng gia sản xuất) ta không chờ ai nhắn nhủ;

Việc nên tránh (như tự tư, tự lợi) thì ta không đợi ai ngăn ngừa

Nội dung giáo dục trên đây, sau này còn được Người nhấn mạnh và phát triển thêm trong thư gửi thanh niên ngày 18-7-1948.

Thời kỳ sau hoà bình lập lại, để giáo dục thanh niên trở thành lực lượng xung kích cách mạng, nội dung giáo dục thanh niên được Người mở rộng thêm. Trước hết và sâu đậm là nội dung chính trị tư tưởng. Trong bài nói chuyện tại lễ khai mạc Trường đại học nhân dân Việt Nam ngày 19-01-1955, Người nhấn mạnh: “Phải vạch rõ ranh giới, chia rõ phải trái … nhận rõ ai là bạn, ai là thù? Đối với người, ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta là bạn. Bất kỳ ai làm gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức là kẻ thù. Đối với mình, những tư tưởng và hành động có lợi ích cho Tổ quốc, cho đồng bào là bạn. Những tư tưởng và hành động có hại cho Tổ quốc và đồng bào là thù... Vì vậy, chúng ta cần phải ra sức tăng cường bạn bè ở trong và ở ngoài, kiên quyết chống lại kẻ thù ở ngoài và ở trong mình ta”[13]. Trong điều kiện hoà bình dễ nảy sinh tâm lý hưởng thụ, Người khuyên: “Thanh niên cần phải chống tâm lý tự tư, tự lợi, chỉ lo cho lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng, xa xỉ. Chống cách sinh hoạt uỷ mị. Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang”[14].

Quan niệm của Người thật rõ ràng, cực kỳ trong sáng, đặt tư tưởng vì Tổ quốc, vì nhân dân lên trên hết, coi đó là mục đích, là định hướng, là chuẩn mực để giáo dục thanh niên. Mặt khác, Người cũng chỉ thấy rõ mặt mạnh và mặt hạn chế trong tâm lý lứa tuổi để từ đó ngăn ngừa sự phát sinh của cái xấu, bị cái xấu tiêm nhiễm, kích thích hình thành mặt tích cực.

Ở nước ta, trong cách mạng xã hội chủ nghĩa hiện nay, chiến lược con người được đặt ra như một đòi hỏi tất yếu và cấp bách của sự phát triển đất nước và là nguồn lực quyết định để đẩy mạnh công cuộc đổi mới. Trước những tác động tiêu cực đang xói mòn đạo đức, đời sống văn hóa của nhân dân ta, những giá trị khoa học trong quan điểm về giáo dục “thế hệ tương lai của nước nhà” của Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị. Tư tưởng ấy không chỉ là cơ sở lý luận cho việc xác định chiến lược đào tạo, chủ trương, đường lối chỉ đạo phát triển nền giáo dục Việt Nam của Đảng ta qua các thời kỳ cách mạng, mà còn là những bài học, những kinh nghiệm thực tiễn giáo dục hết sức sinh động, thiết thực và hiệu quả đối với sự nghiệp giáo dục của nước nhà hiện nay./.

[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 4, tr 33
 
[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 5, tr 387
 
[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 6, tr 266
 
[4] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 10, tr 190
 
[5] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 3, tr 221
 
[6] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 5, tr 102
 
[7] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 6, tr 467
 
[8] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 6, tr 85
 
[9] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 12, tr 467
 
[10] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 8, tr 81
 
[11] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 6, tr 85
 
[12] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 6, tr 300
 
[13] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 7, tr 454
 
[14] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 7, tr 455

 

Lê Thị Hải Hà

Theo Tạp chí Tuyên giáo


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website