"Bộ đội Cụ Hồ" - Nét đẹp văn hóa thời đại Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đoàn Cao xạ Tam Đảo, ngày 25/9/1966. (Ảnh Tư liệu)

Gắn liền với hình ảnh cao đẹp của vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới - Hồ Chí Minh, là những danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”, “Bộ đội ông Cụ”, “Bộ đội ông Ké”được nhân dân suy tôn, kính trọng, khen tặng; bạn bè quốc tế ngưỡng mộ, tin yêu.

Danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” thể hiện sâu sắc bản chất cách mạng của quân đội kiểu mới - quân đội do Đảng của giai cấp công nhân tổ chức, giáo dục, rèn luyện và lãnh đạo; sự cưu mang, thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân; đồng thời, là giá trị độc đáo của văn hóa giữ nước gắn với mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà thời đại Hồ Chí Minh đúc kết, tạo dựng, xây đắp nên, được các thế hệ người Việt Nam tin tưởng, gìn giữ và phát huy, bạn bè trên thế giới ca ngợi, khâm phục.

Qua thực tiễn cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành biểu trưng đặc sắc của nét đẹp văn hoá quân sự Việt Nam, luôn toả ánh sáng hào quang từ chính những phẩm chất, nhân cách tốt đẹp của cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta - quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; là sự thể hiện ở tầm cao và chiều sâu của bản sắc văn hoá Việt Nam, tâm hồn, cốt cách, nhân cách con người Việt Nam qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh để dựng nước và giữ nước, của sự hun đúc, kết tinh, hoà quyện các giá trị văn hoá nhân văn, nhân đạo của dân tộc Việt Nam và bản chất khoa học, cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam; giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại, trở thành giá trị tiêu biểu của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh và trở thành biểu trưng độc đáo của văn hoá quân sự của quân đội cách mạng - Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Theo Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp: hình ảnh và tên gọi "Bộ đội Cụ Hồ" là một trong những nét độc đáo nhất, đặc sắc nhất của văn hóa quân sự Việt Nam, là sự kết tinh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần văn hoá Việt Nam với tinh hoa văn hoá, trí tuệ nhân loại; thật hiếm có nước nào trên thế giới nhân dân lấy tên vị lãnh tụ kính yêu của mình để đặt tên cho quân đội của nhân dân mà họ sáng lập nên. Điều đó không chỉ thể hiện “mối quan hệ máu thịt”, tình quân dân như “cá với nước” của cán bộ, chiến sĩ quân đội với nhân dân ta, viết nên thiên anh hùng ca bất hủ của quân đội “bách chiến bách thắng”,“đi dân nhớ, ở dân thương” là "Bộ đội Cụ Hồ".

Nét đẹp văn hoá quân sự của cán bộ, chiến sĩ quân đội ta thể hiện ở sự kính trọng lãnh tụ, sự yêu thương, quý mến bộ đội và quan hệ “không gì có thể phá vỡ” giữa quân với dân; sự gắn bó mật thiết giữa các phẩm chất nhân cách người quân nhân cách mạng vì nước quên thân, vì dân phục vụ; là tình sâu nghĩa nặng, ấm áp ân tình của nhân dân dành cho cán bộ, chiến sĩ quân đội và lãnh tụ kính yêu của mình; phản ánh sâu sắc bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc của quân đội ta, một quân đội mà trong bất luận điều kiện, hoàn cảnh nào đều tận trung với nước, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

Sự biểu đạt ngắn gọn, sâu sắc và thiêng liêng nhất về bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân là ở tầm khái quát: danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” - bộ đội của dân, do dân và vì dân. Tên gọi “Bộ đội Cụ Hồ” là kết quả sáng tạo, quyền sở hữu thiêng liêng, bất khả xâm phạm của nhân dân và quân đội ta, chỉ ở Việt Nam mới có, song lại thể hiện sâu sắc bản chất của quân đội kiểu mới, là sự thống nhất sâu sắc giữa bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc trong quân đội cách mạng. Có thể khẳng định rằng, “Bộ đội Cụ Hồ” là sự kết tinh những gì là tinh tuý nhất, trở thành giá trị văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam, bản chất, truyền thống quân đội cách mạng; vừa thể hiện tư tưởng, phong cách, đạo đức lãnh tụ Hồ Chí Minh; vừa thể hiện tình cảm sâu sắc và sự tin tưởng của nhân dân ta đối với toàn thể cán bộ, chiến sĩ quân đội. Giá trị văn hoá quân sự của “Bộ đội Cụ Hồ” đã và đang thể hiện sâu sắc ở tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, luôn xung kích đi đầu, đứng vững ở nơi “đầu sóng ngọn gió”: vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nơi khó khăn, gian khổ và chiến tranh ác liệt nhất; sẵn sàng chiến đấu, hi sinh tuổi xuân và tính mạng của mình để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ biển đảo quê hương, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, Nhà nước và bảo vệ nhân dân; tuyệt đối trung thành với Đảng, trọn hiếu với nhân dân; luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, giao phó.

Phẩm chất, nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” là hệ thống giá trị văn hoá - chính trị - đạo đức tốt đẹp, bền vững, phản ánh bản chất, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh, trở thành danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”. Danh hiệu ấy ra đời từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, được củng cố, phát triển qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; được gìn giữ, phát huy và hoàn thiện trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nói cách khác, phẩm chất nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” là cách biểu đạt rất sinh động của nhân dân về những giá trị văn hoá quân sự tốt đẹp, bền vững, phản ánh bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc của quân đội ta; đồng thời chính bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc là điều kiện quy định những giá trị  phẩm chất nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ”.

Sự hội tụ của tâm tư và nguyện vọng, tình cảm và ý chí của nhân dân; sự kết tinh những giá trị văn hoá đặc sắc, tốt đẹp nhất của dân tộc, của giai cấp trong quân đội ta, làm cho cán bộ, chiến sĩ quân đội ta trở thành biểu tượng tập trung nhất những giá trị tinh hoa tốt đẹp của dân tộc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Do đó, quân đội ta đã vượt ra ngoài quan niệm thông thường là một công cụ bạo lực sắc bén của một giai cấp, nhà nước bất kỳ, mà là đứa con ruột thịt của nhân dân, do nhân dân sinh ra, nuôi dưỡng và suốt đời vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ.

Lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam cũng chính là lịch sử hình thành, bổ sung và phát triển phẩm chất nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; qua đó, làm phong phú thêm những giá trị văn hoá cao đẹp của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Vì vậy, giữ gìn, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” không chỉ là hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng, mà còn là hoạt động văn hoá - đạo đức, mang ý nghĩa nhân văn và xã hội sâu sắc, là biện pháp đạt tới những giá trị chân - thiện - mỹ của cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta trong sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Danh hiệu cao quý "Bộ đội Cụ Hồ" là tài sản văn hoá tinh thần vô giá do nhân dân yêu mến, trao tặng, gửi gắm niềm tin yêu, sự ngưỡng mộ dành riêng cho cán bộ, chiến sĩ quân đội ta; được bạn bè quốc tế và nhân dân luôn đánh giá cao; ghi nhận những cống hiến xuất sắc và tinh thần tận tuỵ, đức tính hy sinh của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta đối với sự nghiệp đấu tranh cách mạng, bảo vệ hoà bình, vì hạnh phúc của nhân dân. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, đã và đang làm tất cả những việc gì có thể làm để cùng toàn quân nâng cao danh hiệu "Bộ đội Cụ Hồ" trong tình hình mới; coi "Bộ đội Cụ Hồ" là chuẩn mực đạo đức nhân cách người quân nhân cách mạng, là “tấm gương sáng” cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trẻ và thanh niên cả nước hôm nay và mai sau học tập, noi theo. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ", làm cho “tấm gương sáng” ấy tiếp tục toả sáng, luôn là niềm tin yêu, kiêu hãnh, niềm vinh dự, tự hào; sự ngưỡng mộ của nhân dân và bạn bè quốc tế, là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân, của cả hệ thống chính trị ở nước ta; trước hết là danh dự, trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đó cũng là yếu tố quan trọng để xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân”, nâng cao nhân tố chính trị - tinh thần; tạo động lực mới, động viên, cổ vũ thôi thúc cán bộ, chiến sĩ quân đội ta phấn đấu vươn lên hoàn thiện nhân cách người quân nhân cách mạng, đó cũng là điều kiện, tiền đề cần thiết để quân đội ta sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong mọi tình huống mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó./.

Thiếu tướng, PGS.TS.NGND Nguyễn Bá Dương


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website