“Vẽ sao cho đúng Bác Hồ của dân”

Họa sỹ Xuân Phúc bên một bức tranh về Bác Hồ

PV: Thưa họa sỹ Xuân Phúc, điều gì thôi thúc ông liên tục vẽ hàng nghìn bức tranh về Bác Hồ trong hơn 40 năm qua?

Họa sỹ Xuân Phúc: Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Bố tôi là họa sĩ Trần Xuân Vị, trước đây công tác tại Xưởng Mỹ thuật - Ty Văn hóa Thông tin tỉnh Thanh Hóa. Quê bố mẹ tôi đều ở Nam Định, nhưng tôi sinh ra và lớn lên tại thị xã Thanh Hóa, nay là thành phố Thanh Hóa. Tháng 12/1961, Bác Hồ về thăm Thanh Hóa. Bố tôi đã có vinh dự được gặp Bác khi Người đến thăm một nhà trẻ, nơi ông đang làm công việc trang trí ở đó. Mãi sau này, bố tôi vẫn vô cùng tự hào về cơ duyên may mắn được gặp Bác Hồ. Suốt đời, ông luôn tâm niệm học tập, noi gương Bác Hồ "cần kiệm liêm chính", sống giản dị, gần gũi, ân cần với mọi người. Về già, trước khi nhắm mắt xuôi tay về với tổ tiên, ông vẫn nhắc nhở, dạy bảo con cháu những điều hay, lẽ phải, làm theo những điều Bác Hồ đã dạy... 

Có lẽ cũng từ truyền thống, môi trường sống của gia đình mà tôi và hai anh trai cùng em trai đều lần lượt học vẽ từ bố. Tình cảm kính yêu Bác Hồ từ bố đã truyền sang anh em tôi ngay từ khi còn nhỏ. Chính bố đã dạy tôi vẽ bức chân dung Bác Hồ đầu tiên. Ông khuyên tôi: "Cố gắng, kiên trì vẽ chân dung Bác Hồ con nhé! Vẽ sao cho đẹp, cho đúng Bác Hồ của dân...!”

PV: Được biết ông đã từng đi bộ đội, thời gian trong quân ngũ ông đã vẽ tranh về Bác Hồ chưa?

Họa sỹ Xuân Phúc:  Năm 1981, tôi lên đường nhập ngũ, sau khi kết thúc huấn luyện, tôi được điều động về Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Sư đoàn 442, Quân khu 4. Đảm nhiệm việc kẻ vẽ, trang trí cho đơn vị, những năm trong quân ngũ tôi đã vẽ rất nhiều tranh chân dung Bác Hồ kính yêu.

Hết nghĩa vụ quân sự năm 1984, tôi chuyển ngành, về vẽ áp phích phim cho Công ty chiếu bóng thị xã Thanh Hóa, sau làm Giám đốc Trung tâm Mỹ thuật Lam Sơn, Thanh Hóa. Năm 1997, tôi chuyển ra sinh sống tại Hà Nội. Từ đây, tôi tập trung vào công việc sáng tác.

Tôi đã có hơn 40 năm hoạt động mỹ thuật liên tục, đã trải nghiệm rất nhiều đề tài, bút pháp nghệ thuật khác nhau, song việc vẽ chân dung nghệ thuật luôn được tôi nghiên cứu, tìm hiểu sâu sắc, đặc biệt là chân dung Bác Hồ. Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người luôn là tấm gương sáng cho mọi thế hệ con cháu ngày nay học tập, vận dụng sáng tạo để xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, hùng cường. 

Họa sỹ Xuân Phúc trong phòng vẽ. 

PV: Hơn 40 năm vẽ tranh về Bác Hồ, ông có nhớ đã vẽ bao nhiêu bức chân dung Bác?

Họa sỹ Xuân Phúc: Xuất phát từ tình yêu đất nước, kính yêu Bác Hồ, hơn 40 năm qua, tôi đã vẽ rất nhiều tranh chân dung Bác, số lượng lên tới khoảng gần 2.000 bức chân dung. Tranh của Xuân Phúc vẽ Bác Hồ đã được các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành sử dụng trang trí cơ quan, tập thể và làm quà tặng cho Đại sứ quán các nước như Nga, Cuba, Pháp, Thái Lan, Lào, Campuchia... Đặc biệt, chân dung Bác Hồ do tôi vẽ đã có vinh dự được treo tại Phủ Chủ tịch ở Ba Đình, Hà Nội và Không gian Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Danh nhân Thế giới ở Cộng hòa Pháp. Đây là niềm hạnh phúc, vinh dự của tôi và cả dòng tộc. Có thể nói điều vinh dự đó cũng là động lực giúp tôi đi sâu sáng tác hội họa để có được nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cống hiến cho cuộc đời.

Lãnh đạo Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng như nhiều nhà phê bình mỹ thuật và đồng nghiệp đã đánh giá Xuân Phúc là một trong ít họa sĩ ở Việt Nam thành công trong việc vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, là người sáng tác nhiều chân dung Bác và được nhiều người yêu thích; tranh Xuân Phúc vẽ chân dung Bác Hồ rất sáng tạo, sống động, có hồn, được khách quốc tế khen ngợi…

PV:  Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc sáng tác tranh nói chung và tranh về Bác Hồ nói riêng?

Họa sỹ Xuân Phúc: Để sáng tạo một tác phẩm, với tôi điều đầu tiên là phải cảm thụ rõ đề tài, nghiên cứu thật kỹ lưỡng về đặc trưng, bản chất, chi tiết tính cách của nhân vật, sự nghiệp, môi trường xã hội..., sau đó mới tìm phương pháp biểu đạt, chọn bố cục, gam màu... Điều quan trọng là phải thể hiện nội dung tư tưởng, tình cảm yêu, ghét, vui, buồn, làm tăng điểm nhấn, tập trung cao độ để truyền đạt, làm thăng hoa cảm xúc trong tư tưởng, suy nghĩ của mình; xây dựng tác phẩm ấn tượng, đẹp, hài hòa, đạt giá trị chân - thiện - mỹ để thỏa mãn cảm xúc thẩm mỹ của mình và người xem tranh…

Vẽ chân dung Bác Hồ rất khó vì Bác là một vĩ nhân, là người được cả dân tộc và nhân loại ngưỡng mộ, vậy nên họa sĩ phải sáng tác bằng tất cả tài năng và tình cảm dành cho Người. Với tôi, tình cảm kính yêu Bác Hồ mãi mãi sẽ không thay đổi và tôi sẽ tiếp tục vẽ về Bác. Tôi chỉ mong sao có nhiều sức khỏe để vẽ Bác nhiều hơn và có nơi trưng bày, lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật về Bác để đời sau con cháu được nhìn ngắm chân dung của Người.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này! 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website