Trong thiêng liêng tình Bác

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Xướng (giữa) và các nhà báo.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Xướng (giữa) và các nhà báo.

Ba tháng sau ngày tang lễ Bác Hồ, cũng là lúc đế quốc Mỹ điên cuồng ném bom leo thang phá hoại miền Bắc. Để bảo đảm an toàn, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định di chuyển thi hài Bác từ công trình 75A (ở Bệnh viện 108) lên công trình K9 Đá Chông, Ba Vì (khi ấy là Sơn Tây), nơi trước đây Bác chọn làm khu căn cứ của Trung ương và cũng là nơi Người đã từng sống, làm việc trong một thời gian. Sau khi thận trọng cân nhắc 3 phương án hành quân di chuyển là đường thủy, đường bộ và đường không, Bộ Chính trị quyết định chọn phương án di chuyển bằng đường bộ. Khi đó, chiếc ZIL 157 ba cầu chọn thực hiện nhiệm vụ cao cả này.

Để đáp ứng yêu cầu của các chuyên gia Liên Xô và tổ y tế đặc biệt, chiếc ZIL 157 được sơn lại thành màu xanh thẫm; bên trong xe được hoán cải gọn ghẽ, hợp lý.

Nhận nhiệm vụ di chuyển thi hài Bác, ông Nguyễn Văn Xướng, khi ấy là lái xe thuộc Đoàn 69, xúc động khôn tả. Với lòng tôn kính và sự biết ơn, ông dồn hết tình cảm và trách nhiệm vào việc thực hiện nhiệm vụ. Khi di chuyển Bác, các chuyên gia Liên Xô đã đưa ra những yêu cầu nghiêm ngặt: Đảm bảo không rung xóc, đảm bảo chế độ vô trùng, các số liệu về nhiệt độ, độ ẩm không được thay đổi và thời gian di chuyển không được quá 4 giờ. Thực hiện được những yêu cầu cân não ấy, trong điều kiện đường lên K9 rất xấu, khó đi, nên công tác khảo sát và luyện tập di chuyển hơn 70 cây số đường bộ đã được mọi thành viên trong đoàn đặc biệt chú trọng.

Hằng đêm, chiếc xe Zin 157 lặng lẽ lăn bánh rời 75A, hướng về K9. Tại những đoạn đường xe bị rung xóc làm sánh nước trong chiếc li đặt trên hòm, xe dừng lại ngay, đoạn đường xấu được đánh dấu để khắc phục. Đêm về, tổ công tác chụm đầu nghiên cứu cách thức xử lý đường xóc, tập trung hiệu chỉnh kỹ thuật xe,... Ông Xướng vừa nghiên cứu chiếc xe, vừa nghiên cứu thật kỹ cung đường. Ngoài những lúc đơn vị tổ chức tập luyện, ông thậm chí còn tự mình đi xe máy và xe đạp để quan sát. Sau hơn 3 tháng ròng rã luyện tập, ông đã thuộc lòng từng ổ gà và những điểm cần lưu ý khi di chuyển trên cung đường.

Từ năm 1969 đến năm 1975, thi hài Bác Hồ đã 6 lần được di chuyển đi K9 và về Hà Nội. Thực hiện nhiệm vụ “giữ yên giấc ngủ cho Người”, trong điều kiện chiến tranh, phải ứng phó với không quân Mỹ rải bom đánh phá Hà Nội vô cùng ác liệt, mỗi lần xuất phát là một lần hồi hộp, đợi chờ đến cháy bỏng tâm can.

Ông Nguyễn Văn Xướng nhớ nhất là lần thứ ba với cuộc hành quân đưa Bác về K9 trong mùa mưa lịch sử. Đó là những ngày giữa tháng 8/1971, nước sông Hồng đã chạm mức kỷ lục, đe dọa Hà Nội. Ban Chỉ đạo công tác giữ gìn thi hài Bác quyết định đưa Bác về K9. Ngày hành quân, trời mưa như trút nước. Khi chiếc Zin 157 chở Bác đến gần K9 thì bị sa lầy, không còn cách nào khác, phải tìm cách đưa xe cứu thương có chở thi hài Bác lên thùng chiếc xe lội nước bánh hơi dự bị (xe Páp). Trong lúc cả đoàn nín thở, chờ đợi, ông Xướng đã nhích từng phân rồi gọn gàng chui vào thùng xe Páp. Khi xe đến nơi, trong lúc mọi người căng thẳng, hồi hộp theo dõi, ông lại thực hiện một cú lùi hoàn hảo để chiếc xe chở thi hài Bác chui ra khỏi xe Páp. Chuyến này, cuộc hành quân diễn ra trong 6 giờ, nhưng các chuyên gia y tế Liên Xô kiểm tra thi hài Bác đã khẳng định, các thông số kĩ thuật của thi hài vẫn đảm bảo.

Lần cuối là ngày 18/7/1975, đưa Bác từ K9 về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng trường Ba Đình (Hà Nội). 16 giờ, đoàn xe được lệnh xuất phát. 20 giờ, đoàn xe về đến Lăng, nơi nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương đang đón đợi. Thi hài Bác được trang trọng rước vào phòng chờ. Sau 6 năm xa cách, Hà Nội được đón Bác trở về trong niềm xúc động khôn tả.

Tại nhà riêng ở huyện Hạ Hòa (Phú Thọ), kể lại với chúng tôi về những chuyến xe đặc biệt, không chỉ tự hào và xúc động, ông Nguyễn Văn Xướng vẫn thầm biết ơn những lực lượng đã phối hợp. Đó là những chiến sĩ công binh, những cán bộ, chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 144 lặng thầm vá những ổ gà và san bằng những mô đất để nâng bước những chuyến xe. Ngoài ra, để đảm bảo yếu tố bảo mật quá trình di chuyển thi hài Bác, mọi dấu vết đã nhanh chóng được xóa sạch ngay sau đó như chưa hề có đoàn xe nào đi qua.

Trong thiêng liêng tình Bác, các ông đã lặng thầm đóng góp công sức nhỏ bé từ những ngày đầu giữ yên giấc ngủ của Người, để đến bây giờ và mãi mãi về sau, lớp lớp cháu con được về Lăng viếng Bác và tình Bác muôn đời vẫn sáng lòng ta.        

Hồng Linh (Trung tâm PTTH Quân đội)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website