Những kỷ niệm trân trọng với Bác Hồ kính yêu

 

Nữ anh hùng Lao động Trương Thị Diên trao tặng Huy hiệu Bác Hồ của bà cho Bảo tàng Hồ Chí Minh
Nữ anh hùng Lao động Trương Thị Diên trao tặng Huy hiệu Bác Hồ của bà cho Bảo tàng Hồ Chí Minh

LỜI BÁC DẠY HƠN 70 NĂM QUA LUÔN PHÁT HUY GIÁ TRỊ

Vừa qua, tại Hà Nội, con trai của cố Bộ trưởng Bộ Y tế Hoàng Tích Trý, ông Hoàng Thủy Lạc, nguyên Tổng giám đốc công ty Thiết bị y tế, Bộ Y tế đã trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh bộ sưu tập gồm 13 tài liệu, hiện vật gốc gồm: 4 thư Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngành Y tế, 5 chứng minh thư Chủ tịch Hồ Chí Minh cấp cho Bộ trưởng có bút tích chữ ký của Người, Súng Colt Chủ tịch Hồ Chí Minh cấp cho Bộ trưởng sử dụng trong khoảng thời gian 1950 -1958.

Ông Hoàng Thủy Lạc, con trai cố Bộ trưởng Hoàng Tích Trý.
Ông Hoàng Thủy Lạc, con trai cố Bộ trưởng Hoàng Tích Trý.

Giáo sư, Bác sỹ Hoàng Tích Trý sinh năm 1903, tại làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội trong một gia đình nho học khoa bảng giàu truyền thống yêu nước. Năm 1932, ông đi du học và tốt nghiệp bác sỹ Y khoa tại Pháp. Sau đó, ông trở về Tổ quốc với mong muốn mang kiến thức của mình phục vụ cho quốc dân, đồng bào.

Giáo sư, Bác sỹ Hoàng Tích Trý là nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam về vi trùng học. Ông cũng là người xây dựng hệ thống các Viện Vi trùng học Việt Nam từ ngày nhà nước giành độc lập. Ông là một trong số các nhân sỹ, trí thức yêu nước đi theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia kháng chiến, kiến quốc.

Trước Cách mạng Tháng Tám, Giáo sư, Bác sỹ Hoàng Tích Trý được giao trọng trách nghiên cứu khoa học tại viện Pasteur Hà Nội (nay là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương). Ông đã có những công trình mở đường cho huyết học, vi sinh vật học, ký sinh trùng học, các lĩnh vực khoa học chủ đạo của việc phòng chống những bệnh xã hội và bệnh dịch trong giai đoạn đầu độc lập của đất nước và cả trong cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ của dân tộc.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa và được phân công là Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Tổng Giám đốc các Viện Vi trùng học Việt Nam (hệ thống Viện Pasteur cũ). Sau cuộc tổng tuyển cử năm 1946, ông là Đại biểu quốc hội khóa đầu tiên và giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế trong Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa cho đến khi ông mất vào năm 1958.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Giáo sư, Bác sỹ Hoàng Tích Trý đã cùng Bộ Y tế đã chỉ đạo xây dựng mạng lưới y tế nhân dân, phối hợp cùng với quân y tham gia cấp cứu, phòng dịch ngoài mặt trận, đồng thời xây dựng cán bộ y bác sỹ tại các trường Y. Ông cũng trực tiếp chỉ đạo Viện Vi trùng học nghiên cứu và chế tạo thành công vắc xin phòng một số bệnh dịch, đặt nền tảng cho y học dự phòng Việt Nam.

Năm 1954, sau khi trở về Hà Nội, Giáo sư, Bác sỹ Hoàng Tích Trý tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế, đồng thời làm Chủ nhiệm bộ môn Vi sinh vật học của trường Đại học Y Dược Hà Nội. Giáo sư, Bác sỹ Hoàng Tích Trý đã xây dựng chương trình đào tạo chuyên khoa vi sinh vật bậc đại học đầu tiên ở Việt Nam.

Ông Hoàng Thủy Lạc bên cạnh những hiện vật trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh
Ông Hoàng Thủy Lạc bên cạnh những hiện vật trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh

Trong suốt những năm công tác, Giáo sư, Bác sỹ Hoàng Tích Trý đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần gửi thư cho và được cấp những vật dụng cần thiết để phục vụ cho công việc. Những hiện vật đó đều được ông và gia đình gìn giữ rất cẩn thận suốt 70 năm qua để bày tỏ tình cảm trân trọng, thiêng liêng đối với Bác.

Chia sẻ với Tạp chí Tuyên giáo, ông Hoàng Thủy Lạc, con trai Giáo sư, Bác sỹ Hoàng Tích Trý cho biết: “Những hiện vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng, chúng tôi coi đây như những vật gia bảo, trân trọng và giữ gìn. Gia đình chúng tôi quyết định tặng những hiện vật này cho Bảo tàng Hồ Chí Minh với mong muốn, sẽ có nhiều người được chiêm ngưỡng những hiện vật, tài liệu có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn thế nữa, những hiện vật, tài liệu này có giá trị giáo dục rất lớn đối với thời đại hiện nay. Trong các bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ba tôi, lời Bác dạy cách đây 60-70 năm vẫn còn nguyên giá trị.

Ví dụ, Bác có dặn ba tôi về vấn đề sử dụng nhân lực trong ngành y tế.

Trong thư gửi cho ba tôi ngày 23/1/1947, Bác nêu rất rõ: “Tôi nghe nói ở nhà thương Việt Trì, có 77 người bệnh và có 52 y sĩ và người giúp việc (học sinh thuốc…). Thế là 1 người trông nom 1,1/2 người bệnh. Chắc là có nhà thương lại thiếu người giúp việc. Vậy chú nên có 1 cái plan (kế hoạch) chung, để phân phối công tác cho quân bình”.

Hiện tại, có rất nhiều bệnh viện vắng bệnh nhân, cán bộ y tế lại đông. Có nhiều bệnh viện bị quá tải bệnh nhân. Vậy làm thế nào để sử dụng hợp lý nguồn nhân lực cán bộ y tế? Đó cũng là câu hỏi chúng ta cần phải quan tâm và xử lý, như lời Bác dạy”.

CHIẾC KHĂN QUÀNG ĐỎ VÀ SỰ NỖ LỰC HẾT MÌNH TRONG MỌI CÔNG VIỆC 

Trở lại Hà Nội vào những ngày tháng 8 lịch sử, ông Đinh Ngọc Thỉ đã trao tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh chiếc khăn quàng đỏ, một phần thưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng ông và Bằng khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho hợp tác xã Măng non Duy Viên. Ông Đinh Ngọc Thỉ nguyên là Chủ nhiệm HTX Măng non Duy Viên, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, một trong những mô hình hợp tác xã măng non xuất sắc của phong trào hoạt động Đội Thiếu niên tiền phong miền Bắc những năm 1959-1966.

“Những năm kháng chiến chống Mỹ, Quảng Trị đã trở thành miền đất lửa và không thể kể hết sự ác liệt của chiến tranh, nhất là đối với vùng giới tuyến Vĩnh Linh. Trước sự đánh phá ác liệt của bom đạn Mỹ, quân và dân vùng tuyến lửa Vĩnh Linh đã kiên cường bám đất. Mọi lực lượng đều tham gia chiến đấu, để tồn tại và chiến thắng kẻ thù – Ông Đinh Ngọc Thỉ nhớ lại.

Trong hoàn cảnh đó, hợp tác xã Măng non Duy Viên được thành lập và đi vào hoạt động từ những năm 1958-1966. Lúc đó, ông Đinh Ngọc Thỉ được bầu làm Chủ nhiệm, với sự tham gia của gần 130 đội viên thiếu niên nhi đồng. Mặc dù tuổi nhỏ, thường xuyên đối diện với hiểm nguy từ bom đạn của kẻ thù, đội viên hợp tác xã vẫn luôn nêu cao tinh thần yêu nước, khai hoang để trồng lúa, cải tạo đất cho tăng năng suất, sản lượng cao; trồng khoai, vớt bèo hoa dâu để làm phân xanh, chăm sóc trâu bò ốm yếu; chăm sóc gia đình thương binh, gia đình liệt sỹ, giúp đỡ bộ đội thu nhặt, tiêu hủy truyền đơn của địch…

Những thành tích trên của hợp tác xã Măng non Duy Viên đã được chọn đăng báo, phát trên đài Tiếng nói Việt Nam. Khi biết tin, Bác Hồ đã ký quyết định tặng Bằng khen cho hợp tác xã.

 

Ông Đinh Ngọc Thỉ bên cạnh chiếc khăn quàng đỏ được Bác Hồ kính yêu trao tặng
Ông Đinh Ngọc Thỉ bên cạnh chiếc khăn quàng đỏ được Bác Hồ kính yêu trao tặng

Ông Đinh Ngọc Thỉ cho biết, cuối năm 1966, ông vinh dự thay mặt cho các đội viên hợp tác xã cùng đoàn đại biểu của huyện Vĩnh Linh ra Hà Nội dự Đại hội Anh hùng. Trong lần ra Hà Nội, ông may mắn 3 lần được gặp Bác Hồ, vinh dự được chụp ảnh, ăn cơm và nhận quà từ Bác.

“Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời tôi là trong một kỳ Đại hội, có 3 lần tôi được gặp Bác Hồ.

Lần thứ nhất, vào ngày khai mạc tại  Hội trường Ba Đình, Bác Hồ bước vào, giơ tay vẫy chào mọi người, cất giọng nói ấm áp: “Bác chúc các cô, các chú, các cháu khỏe mạnh. Các cô, các chú, các cháu ngồi xuống nghe Bác nói….”. Đến giờ giải lao, tôi được đứng hàng đầu cạnh Bác để chụp hình.

Lần thứ hai, đúng 17 giờ ngày khai mạc, tôi và 4 bạn thiếu nhi được Trung ương đoàn cho xe đến đón về Phủ Chủ tịch gặp Bác. Xe dừng, Bác giang rộng vòng tay ôm 5 chúng tôi vào lòng. Riêng tôi, Bác căn dặn: “Sống trong hầm hào, chịu nhiều đau khổ với bom đạn giặc Mỹ, các cháu Vĩnh Linh phải cố gắng nhiều, học thật giỏi để mai sau thay các chú, các bác, các anh xây dựng lại quê hương to đẹp hơn, đàng hoàng hơn”. Tôi vui mừng và vâng dạ, hứa quyết tâm với Bác.

Lúc lên xe ra về, Bác còn gửi tặng quà gồm khăn quàng đỏ, chiếc đàn và bánh kẹo cho các bạn thiếu nhi. Đặc biệt, tôi rất xúc động khi được Bác tặng Huy hiệu. Khi nhận quà từ Bác, Bác căn dặn: Các cháu nhớ đưa quà về và nhớ rằng bánh kẹo là Bác gửi cho các cháu thiếu nhi ở nhà.

Lần thứ ba, vào chiều ngày thứ hai của Đại hội, tôi cùng đoàn đại biểu Vĩnh Linh đến thăm Bác, được ăn cơm với Bác tại Phủ Chủ tịch”.

Khi về Quảng Trị, ông Đinh Ngọc Thỉ đã chuyển kẹo tới các anh chị phụ trách, chia lại kẹo cho đội viên của hợp tác xã. Chiếc đàn Bác tặng được trưng bày tại Nhà truyền thống Duy Viên. Nhưng sau đó, chiếc đàn đã bị cháy do bom đạn, Huy hiệu Bác Hồ cũng bị thất lạc, chỉ còn lại chiếc khăn đỏ cho đến tận bây giờ.

“Chiếc khăn đỏ là phần thưởng Bác Hồ dành cho tôi. Tôi rất may mắn, hạnh phúc và vinh dự khi được đón nhận món quà này. Tôi luôn có ý thức giữ gìn cẩn thận và chỉ đeo chiếc khăn đỏ duy nhất một lần trong lần gặp mặt các hội viên hợp tác xã khi từ Hà Nội trở về địa phương…”.

Hơn 50 năm qua, chiếc khăn đỏ luôn được ông Đinh Ngọc Thỷ gìn giữ, nâng niu. Đó là sự minh chứng cho sự trân trọng cũng như tình cảm của ông đối với Bác Hồ kính yêu. Ông luôn tâm niệm, phải dạy bảo các con, các cháu của mình, làm việc gì cũng phải nỗ lực hết mình như lời Bác Hồ dạy: “Phải nỗ lực hết mình để xứng đáng làm người đảng viên gương mẫu, tiên phong, cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân”.

LUÔN THỰC HIỆN LỜI CĂN DẶN CỦA BÁC HỒ

Xúc động ngắm nhìn bức ảnh chụp cùng Bác Hồ, Nữ anh hùng Quảng Bình Trương Thị Diên bùi ngùi: “Năm 1965, khi đang dạy lớp vỡ lòng tại hợp tác xã Ngư nghiệp Quang Thịnh, Thanh Khê, máy bay Mỹ đánh bom vào lớp học, tôi đã kéo 25 cháu vào hầm trú ẩn an toàn và nằm che cho các cháu trên miệng hầm. Phòng học bị sập, còn tôi bị thương. Do có thành tích trong giáo dục, tôi được Sở Giáo dục tỉnh Quảng Bình báo cáo lên Trung ương. Chỉ ít ngày sau đó, tôi được Phòng Giáo dục huyện Bố Trạch thông báo đến nhân Huy hiệu Bác Hồ gửi tặng”.

Vì có thành tích đặc biệt, cuối năm 1966, bà Trương Thị Diên được cấp trên cử ra Hà Nội dự Đại hội anh hùng, chiến sỹ thi đua chống Mỹ cứu nước. Lần đi đó, bà đem theo cô con gái thứ hai – Nguyễn Thị Tố Uyên, mới được 6 tháng tuổi.

Ba mẹ con bà Trương Thị Diên bên cạnh bức ảnh chụp cùng Bác Hồ năm 1966
Ba mẹ con bà Trương Thị Diên bên cạnh bức ảnh chụp cùng Bác Hồ năm 1966

Tại Đại hội, bà Trương Thị Diên vinh dự 2 lần được gặp Bác Hồ.

Lần đầu gặp Bác là khi Bác đến dự lễ khai mạc Đại hội. Người phát biểu và biểu dương thành tích trong chiếu đấu, sản xuất, công tác và học tập của các đại biểu, nhất là các đại biểu nhỏ tuổi, khuyết tật. Đồng thời, Người cũng nhắc nhở các anh hùng, chiến sỹ thi đua không được tự mãn, không ngừng rèn luyện để tiến bộ. Bác nói: “Sở dĩ có anh hùng vì đất nước có anh hùng, có dân tộc anh hùng là vì có mẹ Việt Nam anh hùng. Được phong anh hùng đã khó, giữ được anh hùng càng khó hơn”.

Giờ nghỉ giải lao, Bác xuống nói chuyện với các đại biểu về dự Đại hội, trong đó có bà Nguyễn Thị Suốt, Lê Thị Phấn, Đặng Gia Tất và tôi. Bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với một số đại biểu về dự Đại hội anh hùng, chiến sỹ thi đua chống Mỹ cứu nước được chụp trong khoảnh khắc đó.

Bác hỏi tôi: Cô này làm chi? Tôi lúng túng, chưa kịp trả lời, ông Đặng Gia Tất trả lời luôn: Thưa Bác, cô này làm công tác y tế ạ.

Mấy ngày sau, tôi được phóng viên mang đến tặng cho bức ảnh này. Bức ảnh này tôi lưu giữ đến năm 1983, khi con gái Nguyễn Thị Tố Uyên sang học tập tại Hungari, tôi tặng lại cho con gái với dòng chữ: “ Mạ cho con tấm ảnh kỷ niệm khi bế con ra Hà Nội gặp Bác Hồ, tháng 10-1966”. Lời nhắn nhủ tặng con trước lúc lên đường, là nguồn động lực giúp con cố gắng trong học tập. Bởi trong bức hình mẹ được chụp với Bác Hồ năm xưa, có gắn với tuổi thơ của con những ngày ở Hà Nội, dù khó khăn thế nào, con nhất định phải vượt qua.

Năm 1986, con gái Tố Uyên về nước, trao lại bức ảnh cho tôi và bức ảnh được gia đình nâng niu, trân trọng.

Sau Đại hội, bà Trương Thị Diên và đoàn đại biểu phụ nữ y tế Quảng Bình vinh dự được gặp lần thứ hai tại Phủ Chủ tịch. Bác ân cần dặn dò anh chị em khi về Quảng Bình phải cố gắng phục vụ nhân dân, phục vụ người bệnh tốt hơn để góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trước khi ra về, mỗi đại biểu được Bác Hồ tặng cho Huy hiệu của Người.

“Những lần được gặp Bác, hình ảnh và những lời căn dặn của Vị Cha già dân tộc luôn ở trong tim tôi. Thực hiện lời căn dặn đó, suốt đời, tôi đã phấn đấu, dù từ việc lớn đến việc nhỏ, đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, làm gương cho con cháu noi theo”. – Bà Trương Thị Diên chia sẻ.

Với những thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua chống Mỹ cứu nước, ngày 1/1/1967, bà Trương Thị Diên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Đến nay, dù 80 tuổi đời, 53 tuổi Đảng, nữ anh hùng lao động Trương Thị Diên vẫn luôn làm tròn nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó; luôn tâm niệm và thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu./.

Thu Hằng

Theo http://www.tuyengiao.vn


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website